Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC cho rằng, Việt Nam có thể đạt mục tiêu thu nhập cao vào 2045 và trung hòa carbon vào 2050 bằng một chìa khóa chung là chuyển đổi số.
Việt Nam có hai mục tiêu lớn đầy tham vọng vào giữa thế kỷ này. Một là trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào 2045, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hai là trung hòa carbon (net zero) vào 2050, được Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố tại COP26.
Chia sẻ với VnExpress, ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đánh giá Việt Nam có hai thách thức, đồng thời cũng là hai cơ hội. Thứ nhất là làm thế nào để đưa hiệu suất lao động lên tầm cao mới, đạt mục tiêu trở thành nước giàu. Thứ hai là tìm cách thiểu rủi ro và học cách thích ứng biến đổi khí hậu.
"Từ hai thách thức như trên, ta được một chìa khóa chung để giải là thông qua công nghệ và chuyển đổi số. Đó không phải là còn lựa chọn nữa, mà nó là bắt buộc", ông Alfonso Garcia Mora khẳng định.
Chuyên gia của IFC - tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, đã đầu tư 13,3 tỷ USD vào hơn 190 dự án ở Việt Nam - cho rằng, chúng ta có một số lợi thế sẵn có để chuyển đổi số.
Theo dữ liệu của World Bank, lĩnh vực kỹ thuật số tại Việt Nam đã mở rộng 10% mỗi năm và có thể đạt quy mô trên 200 tỷ USD giai đoạn đến 2045. Đây là một con số rất lớn so với quy mô GDP Việt Nam là gần 352 tỷ USD vào năm ngoái. Cùng với đó, tỷ lệ dân số trẻ và độ phủ điện thoại thông minh, Internet cao cũng tạo nhiều thuận lợi.
"Chuyển đổi số không chỉ trong lĩnh vực công nghệ. Hầu hết các lợi ích thực tế mang lại cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ", ông Alfonso nói. Theo vị chuyên gia, để nâng cao đổi mới sáng tạo và phát huy tối đa cơ hội phát triển cho nền kinh tế số thì cần 4 chìa khóa, gồm: tinh thần doanh nghiệp số, hệ tầng số, kỹ năng số và các dịch vụ tài chính số.
"Cần phải nâng cấp kỹ năng số cho lực lượng lao động. Đó là một bước để đưa nền kinh tế lên cấp độ phát triển mới, đạt được tham vọng về khí hậu và thu nhập cao", ông khuyến nghị.
Theo một báo cáo của World Bank, chỉ 40% doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ có đủ năng lực về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để duy trì và sử dụng đầy đủ hệ thống kỹ thuật số của chính mình. Dự kiến, thị trường thiếu hụt đến một triệu kỹ sư ICT vào 2023.
Thực tế, chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Nhưng vấn đề là hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SME). Do vậy, thách thức hàng đầu là làm sao giúp nhóm này chuyển đổi số.
Ông Alfonso đưa ra cách giải bằng sự kết hợp của 4 yếu tố. Thứ nhất, phải có chính sách rõ ràng và đáng tin cậy. Thứ hai, phải đầu tư hạ tầng 4G và 5G. Thứ ba, có các khuyến khích về tài khóa để doanh nghiệp chuyển đổi. Thứ tư là cải thiện kỹ năng số và công nghệ. "Với SME, chúng ta phải cung cấp cho họ vừa công nghệ, vừa con người", ông nói.
Ở góc nhìn của mình, vị chuyên gia IFC cho rằng chính việc nhiều công ty Việt Nam chưa dùng công cụ chuyển đổi số cũng là thị trường tiềm năng cho thị trường này phát triển. Bên cạnh đó, Covid-19 hai năm vừa qua đã giúp nền kinh tế này có những bước nhảy vọt về chuyển đổi số mà đáng lẽ phải mất 3 -5 năm mới đạt được. Do đó, đây là thời điểm để sẵn đà bứt tốc.
Thực tế có nhiều ví dụ về thành công nhưng không có quá trình chuyển đổi số nào giống nhau. Hà Nội sẽ khác với TP HCM. Hai nơi này sẽ có cách khác với Bangkok hay Marid để thành công nhưng chuyên gia IFC cho rằng có những công thức chung có thể áp dụng.
Một là, cần sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư. Hai là có tầm nhìn chiến lược rõ ràng, vnhư đặt mục tiêu đến 2050 thì số hóa được bao nhiêu phần trăm nền kinh tế. Với các địa phương cụ thể nói riêng và Việt Nam nói chung, không chỉ chuyển đổi số để giàu mà còn để giảm thiểu những rủi ro và thích ứng với khí hậu. Vì vậy, đặt mục tiêu chuyển đổi số còn phải quan tâm đến phát triển bền vững.
"Ngày nay, chúng ta thấy 80% khí thải nhà kính xuất phát từ những thành phố. Để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào 2050 thì cần những thay đổi như số hóa và sử dụng xe điện để đạt được mục tiêu này", ông nói.
Nhìn chung, trên thế giới, mục tiêu của các thành phố có thể tương tự nhau nhưng Columbia, Paris, Marid hay Barcelona có những cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, quy tắc chung có thể học hỏi ở đây, theo ông Alfonso, là minh bạch. Chính quyền phải đưa ra thông điệp rõ ràng về tầm nhìn ở mức độ tất cả mọi người có thể hiểu được. Cùng với đó, chính quyền phải có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân bằng công cụ thuế. Đồng thời, triển khai các cơ chế cho phép thử nghiệm (sandbox) là một gợi ý.
"Chúng ta phải mở thị trường, cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển để đẩy kinh tế số về phía trước. Cần cho họ môi trường an toàn để có thể chấp nhận rủi ro. Không chấp nhận rủi ro thì chúng ta cũng không thể nào có thành công", Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC nói.
"Bốn năm trước, không ai tin bác sĩ từ xa nhưng bây giờ người ta đã quen thuộc với dịch vụ này. Tương tự, học trực tuyến trước đây có thể là một lựa chọn nhưng nó là bắt buộc vào giai đoạn giãn cách. Những thói quen mới này có ý nghĩa rất quan trọng việc tăng khả năng tiếp cận cho những nhóm người vùng sâu vùng xa, đảm bảo tính phát triển bao trùm", ông đánh giá.
Ông Alfonso Garcia Mora cho biết IFC đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào nhiều hoạt động để ủng hộ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Họ có những khoản đầu tư giúp các ngân hàng địa phương số hóa, cung cấp thêm các dịch vụ tài chính số trên di động. Họ cũng đầu tư vào các chuỗi giá trị để tăng năng suất sản xuất hay tối ưu logistics, khuyến khích dùng năng lượng sạch. Ngoài ra, tổ chức này cũng mở cơ hội hỗ trợ số hóa cho y tế, giáo dục.
Viễn Thông