Trừng phạt kinh tế Nga - canh bạc lớn của phương Tây

Nếu chiến sự Ukraine không dứt, việc tung đòn tổng lực trừng phạt kinh tế với Nga là một trận thua lớn của phương Tây.

Từ ngày Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, mỗi buổi sáng khi thị trường mở cửa, các nhà phân tích phải cùng lúc theo dõi hai màn hình. Một màn hình cho cuộc tiến quân của quân Nga và một cho đồ thị giá trị của đồng ruble. Đó là hai mặt trận trong cùng một cuộc đấu.

Suốt hai tuần lịch sử qua, Mỹ và đồng minh đã trừng phạt các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, bao gồm loại bỏ một số ngân hàng khỏi hệ thống SWIFT, tăng cường các hạn chế về nợ và phong tỏa tài sản nước ngoài của các chính trị gia Nga. Các động thái này đều phá vỡ các giới hạn từng có trong cuộc khủng hoảng Crimea và Donbas vào năm 2014.

Khi ấy, các ngân hàng lớn của Nga không bị động đến. Các lệnh hạn chế không áp dụng với nợ trên thị trường thứ cấp (mua bán nợ của Nga giữa hai thực thể không thuộc Nga); và ông Putin sẽ không bao giờ bị trừng phạt. Mục tiêu thể hiện trong năm 2014 là tập trung vào hành vi của điện Kremlin và không làm tổn hại đến nền kinh tế Nga rộng lớn hơn.

Nhưng nay, phương Tây phá vỡ các quy tắc này bằng cách cố đẩy cả nền kinh tế lớn 11 thế giới vào khủng hoảng. Cuối tuần trước, các nước G-7 đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga được giữ trong khu vực tài phán của họ, cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với gần 400 tỷ USD, hay hơn 60% dự trữ, chỉ trong một đêm. Hành động trên cho thấy quyết tâm vô song giữa các đồng minh để leo thang đến phương án gây thiệt hại nhất.

Tổng thống Mỹ Hoe biden thông báo cấm nhập dầu Nga hôm 8/3. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo cấm nhập dầu Nga hôm 8/3. Ảnh: AP

Hôm thứ ba (8/3), Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga, một biện pháp phần lớn mang tính biểu tượng nhưng lại leo thang về mặt chính trị. Các nhà lãnh đạo phương Tây liên tiếp có biện pháp bao vây kinh tế Nga nhằm phản ứng với mức độ nghiêm trọng mà họ đánh giá từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Nhưng liệu áp lực kinh tế có thể buộc một nhà lãnh đạo thay đổi kế hoạch chiến đấu - một quyết định sẽ cần thực hiện trong vài ngày, không phải vài tháng hay vài năm? Liệu Mỹ và đồng minh có thể tàn phá nền kinh tế Nga đủ nhanh để chiến dịch quân sự sớm đuối sức? Không ai có thể trả lời điều đó.

Chưa bao giờ các lệnh trừng phạt lại diễn ra như hiện tại, một canh bạc lớn với châu Âu thông qua các phương tiện tài chính và kinh tế. Các động thái này càng gây bất ngờ hơn khi chính quyền Mỹ có quan điểm địa chính trị cứng rắn hơn so với lúc ông Biden nhậm chức.

Với lần này, Nhà Trắng sẽ có dịp chứng minh sử dụng áp lực tài chính và kinh tế cho mục tiêu chính trị hiệu quả đến đâu. Nếu sắp tới Mỹ vẫn không ngăn được hành động của Nga hoặc ngăn chặn các tác động lan rộng nghiêm trọng trong nền kinh tế toàn cầu - nó sẽ báo hiệu rằng, ngay cả những biện pháp trừng phạt mạnh nhất của Mỹ cũng không thể dẫn đến một kết quả chính trị hoặc quân sự mà họ mong muốn.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt Nga là chưa từng có cả về phạm vi và tốc độ thực hiện, Politico cho rằng một cuộc chiến tài chính toàn diện được cho là còn lâu mới đạt tới. Nhiều người từ lâu đã gọi các biện pháp trừng phạt là "chiến tranh kinh tế" và thảo luận về các biện pháp tài chính bằng thuật ngữ quân sự.

Họ nói về một "kho vũ khí" gồm các lệnh trừng phạt, các lệnh "răn đe", thậm chí cả các lệnh trừng phạt ví von kiểu vũ khí "động học" và "hạt nhân". Ngay cả việc gọi là "mục tiêu trừng phạt" cũng cho thấy chính phủ Mỹ mô tả những đối tượng có khả năng bị trừng phạt theo cách gợi lên hình ảnh về việc có súng.

Và đây có thể là một phần của vấn đề. Các biện pháp trừng phạt sử dụng ngôn ngữ chiến tranh có xu hướng làm cho những người ra quyết định lạc quan quá mức. Họ tự tin về những gì các biện pháp có thể đạt được thay cho vũ lực quân sự.

Các cơ chế tài chính thường được kỳ vọng mang lại những kết quả chính trị cụ thể hơn những gì chúng có thể đạt được. Bạn không thể ngăn các xe tăng hoặc tàu chở dầu trực tiếp bằng ngân hàng. Có thể thúc đẩy sự thay đổi chính trị thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế. Chẳng hạn lệnh cấm vận đã giúp hạ bệ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi hoặc sự sụp đổ kinh tế của Liên Xô. Nhưng cả hai đều là những cuộc bóp nghẹt chậm chạp trong nhiều thập kỷ.

Lịch sử gần nhất là trải nghiệm ê chề của đội cố vấn cựu tổng thống Donald Trump về cách trừng phạt Iran và Venezuela. Dưới áp lực phải mang về chiến thắng nhanh chóng cho một tổng thống không có sự kiên nhẫn, các chiến dịch "gây áp lực tối đa" để làm suy yếu ý chí của cả chế độ Venezuela và Iran.

Với Venezuela, họ chặn thị trường dầu mỏ và phong tỏa tài sản. Các lệnh trừng phạt Iran "căng" tới mức cấm vận toàn bộ cũng như các nghĩa vụ trừng phạt thứ cấp, tức buộc các nước thứ ba có quan hệ thương mại hoặc tài chính với Iran cũng phải chịu các hình phạt của Mỹ. Theo từng giai đoạn, việc gia tăng áp lực được thiết kế để buộc giới lãnh đạo Iran quay trở lại bàn đàm phán.

Vào thời điểm đó, các nhà quan sát coi những chính sách này là sự leo thang không thể tưởng tượng được và sự lạm dụng quyền lực tài chính vào chính trị của Mỹ. Nhưng ngay cả những người theo đường lối cứng rắn của Trump cũng đang sử dụng công cụ này theo cách tương đối truyền thống. Họ muốn có kết quả càng sớm càng tốt, nhưng không có một mốc thời gian cụ thể. Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như phải chấm dứt ngay xung đột quân sự trong vài tuần, hay kỳ vọng của Mỹ hiện nay.

Nga có một số điểm tương đồng với Iran và Venezuela vì cả 3 đều là các nước khai thác dầu khí lớn. Ở mỗi quốc gia, sự yếu kém về kinh tế trong nước đã làm cho việc lưu trữ lợi nhuận bằng USD từ dầu mỏ ở nước ngoài trở nên an toàn hơn. Những khoản lợi nhuận này được tích lũy bởi các công ty nhà nước và gắn liền với các quỹ tài sản hoặc tài sản của ngân hàng trung ương, tạo cơ hội cho Mỹ gây áp lực.

Do đó, tương tự Nga lúc này, Venezuela và Iran cũng bị đóng băng các tài sản nhà nước có nguồn gốc năng lượng được giữ ở nước ngoài và áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu. Nhưng không giống Iran và Venezuela, Nga là một quốc gia G-20 và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Iran đã bị loại khỏi các thị trường phương Tây trong nhiều năm. Vì vậy, việc áp đặt sự cô lập kinh tế đột ngột với Nga có thể gây ra những hậu quả to lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Điều gì xảy ra lúc này? Chiến lược trừng phạt của phương Tây là một cuộc chạy đua giữa hai chiếc đồng hồ. Một đồng hồ là tài chính - mất bao lâu để đưa nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới đi xuống - và một đồng hồ là quân sự, Nga cần bao lâu để đánh bại các lực lượng Ukraine.

Trong những tuần tới, có khả năng giá trị đồng ruble tiếp tục giảm khi Nga tận dụng các nguồn tài chính còn lại để chống chọi với cuộc khủng hoảng tiền tệ. Lợi tức trái phiếu sẽ tăng và xếp hạng tín dụng sẽ giảm, làm dấy lên lo ngại rằng Nga sẽ vỡ nợ, đặc biệt là khi trái phiếu đến kỳ hạn trong tháng này. Các phát hiện kinh tế ban đầu dự đoán rằng Nga sẽ bị sụt giảm năng suất tồi tệ hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1998. Tuy nhiên, lần này, IMF khó can thiệp.

Các nhà kinh tế chỉ có thể suy đoán sự sụp đổ nhanh chóng của một quốc gia G-20 có ý nghĩa như thế nào ới phần còn lại của thế giới. Giá năng lượng có thể tăng lên mức không thể chi trả được, bất chấp việc giải phóng các nguồn dự trữ chiến lược. Giá hàng hóa tăng cao có thể khiến các nước đang phát triển phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga và Ukraine rơi vào cảnh nợ nần chồng chất hơn sau Covid.

Sự lây lan về tài chính và nợ có thể xuất hiện ở những nơi không lường trước được. Điều này có thể bắt đầu ở Trung Á, nơi các nền kinh tế bị ràng buộc chặt chẽ bởi tài chính và thương mại với Nga, và có khả năng mở rộng sang Bắc Phi và thậm chí ở châu Âu, nơi các công ty con của Nga đã nộp đơn phá sản.

Nếu các lệnh trừng phạt không kết thúc xung đột - mục tiêu tối đa mà phương Tây mong muốn - sẽ dễ dàng kết luận rằng, khả năng dùng tối đa sức mạnh tài chính của Mỹ vẫn có giới hạn. Lỗ hổng cơ bản từ đầu là giả định rằng các biện pháp trừng phạt là "vũ khí" và đi kèm với hy vọng rằng kiểm soát tài chính có thể là một cái phanh hiệu quả cho hành động quân sự.

Thay vào đó, các quốc gia bị trừng phạt sẽ giảm hơn nữa đòn bẩy của phương Tây vì nhận thấy việc trữ tài sản ở nơi an toàn nhất cũng có thể là rủi ro nhất. Điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức vì thế giới vẫn bị đôla hóa quá mức, nhưng chính Bộ Tài chính Mỹ cũng đã thừa nhận rằng hệ quả lạm dụng trừng phạt kinh tế là sức mạnh tài chính của Mỹ có thể bị xói mòn theo thời gian. Nói cách khác, Mỹ càng đẩy những bên đối đầu khỏi hệ sinh thái tài chính của mình, thì càng ít đòn bẩy để từ chối quyền tiếp cận như một hình phạt trong tương lai.

Tóm lại, Mỹ và các đồng minh đã quyết định chấp nhận những rủi ro đó. Theo cách này, "canh bạc" lần này gồm 3 cuộc đánh cược thành phần. Thứ nhất, liệu các lệnh trừng phạt có thể mang lại thiệt hại tài chính đủ để khiến Putin rút quân, hoặc ít nhất là đàm phán với Ukraine một cách thiện chí. Thứ hai, những tác động tiềm tàng gây ra với nền kinh tế toàn cầu đến đâu. Và thứ ba là chứng minh ý tưởng về việc dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế để bảo vệ một quan điểm chính trị hiệu quả mức nào.

Đây được cho là các biện pháp kinh tế được tung ra với mục tiêu địa chính trị lớn và được kỳ vọng hiệu quả nhanh nhất trong lịch sử. Nếu nó tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực hoặc thậm chí toàn cầu nhưng vẫn ngăn chặn được chiến sự, đó là một giải khuyến khích cho phương Tây.

Nhưng nếu nước Nga nghèo đi mà chẳng lung lay được quyết tâm chính trị của ông Putin, sẽ rất khó để các chính phủ phương Tây giữ được niềm tin vào sức mạnh của các lệnh trừng phạt.

Phiên An (theo Politico)

Adblock test (Why?)