Đổi đời nhờ sốt đất

Hà TĩnhNhận 1,9 tỷ đồng, bà Trần Thị Lân run rồi khóc vì chưa bao giờ dám tưởng tượng miếng đất cát cằn cỗi 1.800 m2 của gia đình lại có giá đó.

Bế đứa cháu ngoại hơn một tuổi đứng ngoài sân ngắm nhìn căn nhà cấp bốn và khoảnh vườn trồng cây lạc bên cạnh, bà Lân (thôn Phú Hoà, xã Yên Hoà, huyện Cẩm Xuyên) không khỏi lưu luyến. Đây là căn nhà cấp bốn khoảng 70 m2, xây hơn 20 năm trước, bên trong sơn bong tróc, nhiều chỗ tường bị thủng được vá víu bằng xi măng lốm đốm. Phòng ngủ có một chiếc giường. Phòng khách không bố trí bàn ghế, chỉ có chiếc chăn trải giữa nền làm chiếu để ngồi. Ảnh cưới của các con cũng phải đặt ở giữa nền vì không có kệ kê lên.

Thôn Phú Hòa cách biển 2 km, thời điểm trước năm 1980, thấy đất cát cằn cỗi để không, người dân trong thôn thường cải tạo đất trống để trồng cây phi lao bán, gần đây thì chuyển sang gieo cây lạc.

Các gia đình sau này đã xây nhà trên những khu đất hoang, làm đơn gửi lên chính quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số hộ, trong đó có nhà bà Lân, được chấp thuận, sở hữu những khoảnh vườn rộng 5.000-10.000 m2. Từ sau năm 1980, khi Nhà nước quản lý chặt chẽ, tình trạng này không còn, nhiều trường hợp khai hoang hàng nghìn m2 đất nhưng nay không được cấp bìa đỏ.

Bà Lân vui khi kể về việc gia đình thu số tiền lớn từ bán đất. Ảnh: Đức Hùng

Bà Lân vui khi kể về việc gia đình thu số tiền lớn từ bán đất. Ảnh: Đức Hùng

Chồng sức khỏe yếu bữa đi làm bữa không, tiền lời mỗi ngày 100.000-200.000 từ việc bán hải sản của bà Lân chỉ đủ lo cho gia đình 6 miệng ăn. Bốn người con vì bố mẹ túng thiếu nên học đến lớp 5-7 rồi nghỉ.

Trước khi bán miếng đất này, hai mươi năm qua, gia đình người phụ nữ 61 tuổi ở thôn Phú Hoà này vẫn được đánh giá là nghèo nhất xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên.

Tuy nhiên, giá đất tại hai thôn cạnh nhau là Phú Hòa và Bắc Hòa thay đổi chóng mặt từ giữa năm 2021, sau khi có tin một doanh nghiệp xin làm sân golf và khu du lịch sinh thái trên diện tích hơn 480 ha giáp ranh giữa xã Yên Hòa và Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên. Khu vực này cách vị trí quy hoạch dự án hơn 3 km.

Đất thôn Phú Hòa và Bắc Hòa sốt trong ba đợt. Đợt một từ tháng 8/2021, giá một m2 khoảng 800.000 đồng. Đợt hai diễn ra vào tháng 12 cùng năm, một m2 từ một triệu đến 1,2 triệu đồng. Tăng mạnh nhất là đợt ba, đầu tháng 2/2022, giá một m2 3-4 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2019, khi chính quyền đấu giá, miếng đất 300 m2 tại đây giá 60 triệu đồng, tức trung bình một m2 chỉ 200.000 đồng.

Bà Lân cho biết, từ tháng 8/2021 thấy nhiều khách đến hỏi mua đất cũng hơi "sinh nghi". Điện thoại cục gạch không thể lướt mạng xem tin tức, bà hỏi han một số hàng xóm thì cũng biết loáng thoáng sắp có dự án sân golf về đây nên chối không bán. Sau một đợt trì hoãn không bán, vợ chồng cũng cần tiền nên bàn với các con, đồng ý bán miếng đất rộng 1.800 m2 vào cuối năm 2021, với giá 1,9 tỷ đồng. Hai bên viết giấy thỏa thuận, bà Lân nhận trước tiền cọc 200 triệu đồng.

Theo người phụ nữ 61 tuổi, những ngày sau đó, người lạ liên tục gọi điện, nhiều nhóm khách đỗ hàng chục chiếc ôtô trước cổng nhà đặt vấn đề mua lại khu đất, ra giá 3-3,5 tỷ đồng. Hai tuần đi thăm con ở miền Nam, điện thoại của bà đổ chuông từng hồi. Khi bốc máy thì nhận được vô vàn lời khuyên của dân môi giới rằng "nên hủy giao dịch trước để chờ giá tăng, hưởng tiền lời gần gấp đôi". Khi về quê, hàng xóm cũng nói tương tự.

Một nhà dân ở thôn Phú Hòa nay trở thành điểm mua bán nhà đất. Ảnh: Đức Hùng

Một nhà dân ở thôn Phú Hòa nay trở thành điểm mua bán nhà đất. Ảnh: Đức Hùng

Thấy chồng dao động tư tưởng, định "bẻ cọc", bà Lân phân tích mức giá "trên trời" đó có thể do dân môi giới nói với nhau để dụ đối tác hủy giao dịch nhằm phạt tiền cọc. Nếu tham tiền thì dính cú lừa, mất cả chì lẫn chài.

"Tôi đắn đo hết sức, hàng đêm đấu tranh tư tưởng, nằm ngủ mà tiền tỷ cứ lởn vởn trong đầu. Tôi nói với chồng, mình khổ hơn nửa đời rồi, phải giữ vững lập trường. Trời cho sao thì hưởng vậy chứ không nên tham, phải giữ ý định bán ban đầu", bà Lân kể.

Giữa tháng 3, bà Lân nhận đủ 1,9 tỷ đồng. Thấy vợ chồng thật thà, giữ chữ tín, đối tác còn tặng thêm 20 triệu đồng. Dù sau đó, miếng đất này được sang tay với giá 2,5 tỷ đồng, nay chủ mới đang rao bán hơn 3 tỷ đồng. Song bà Lân tâm sự không tiếc, hài lòng với hiện tại. "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng miếng đất trên có giá cao. Cầm bọc tiền tỷ trong tay mà run, rơi nước mắt", bà Lân kể.

Vợ chồng dự tính sắp tới sẽ trích 500 triệu đồng xây nhà ống cách vị trí đất cũ khoảng 800 m để ở, chia cho các con một ít, còn lại gửi ngân hàng. Hàng xóm thấy bà vẫn đi chợ buôn bán cá cả ngày, nói: "Sao bán đất rồi vẫn khổ". Bà Lân đáp: "Khoản nào ra khoản đó. Hiện tại có sức thì làm, tiền tỷ tiêu hai ba năm rồi cũng hết, sau lấy gì ăn. Mình không có lương, đó là khoản tuổi già".

Giáp Phú Hòa của nhà bà Lân là Bắc Hòa. Dọc đường chính của thôn, hàng chục ngôi nhà một đến hai tầng, diện tích 100-150 m2 đang được xây. Một số công trình mới hoàn thành khoảng một tháng trước, còn thơm mùi sơn, bên trong gia chủ đã sắm nhiều vật dụng đắt tiền như tivi màn hình rộng, tủ lạnh, máy giặt... Vài hộ trước sân có ôtô 4-7 chỗ đỗ một góc. Theo lãnh đạo thôn, những căn nhà mới, tài sản đắt tiền trên được người dân xây và sắm mới nhờ tiền bán đất trong ba đợt sốt.

Một người đàn ông 50 tuổi ở thôn Bắc Hòa chia sẻ, gia đình sống bằng nghề đánh cá và nuôi gà, chỉ đủ trang trải bữa ăn hàng ngày, nếu đất không tăng giá thì không biết bao giờ mới có một chỗ nghỉ ngơi, đi ra đi vào tươm tất. Nhận hơn hai tỷ đồng tiền bán miếng đất rộng 1.200 m2 do tổ tiên để lại, ông đập bỏ ngôi nhà cấp bốn cũxây từ năm 1995, trích 900 triệu xây căn mới rộng hơn 150 m2 cách khu đất vừa bán 40 m, số còn lại đầu tư làm ăn.

Theo thống kê, hơn 100 hộ dân trong hai thôn có hoàn cảnh khó khăn được cải thiện kinh tế trong dịp sốt đất giữa năm 2021 đến nay. Họ có đất vườn rộng, cắt từ 500-5.000 m2, thu từ 500 triệu đồng đến 8,5 tỷ đồng. Thời điểm này đất tại đây giá cao nhất một m2 hơn 4 triệu đồng. Dân hai vùng này chủ yếu chăn nuôi gia cầm, làm ruộng và đi biển. Đa số khi có số tiền lớn đều trích một phần xây nhà, sắm thêm ngư cụ, chia cho con cháu, số còn lại gửi tiết kiệm.

Một căn nhà mới tại thôn Bắc Hòa do người dân trích từ tiền bán đất xây lên. Ảnh: Đức Hùng

Một căn nhà mới tại thôn Bắc Hòa do người dân trích từ tiền bán đất xây lên. Ảnh: Đức Hùng

Vùng này trước đây hẻo lánh, người dân nhờ chăm chỉ khai hoang nên sở hữu nhiều đất. Đất rộng, song họ cũng chỉ biết chăn nuôi gà vịt, lứa được lứa mất nên không giàu.

"Nếu tính theo mặt bằng chung, giá đất tại đây cũng không đắt, vì dân bán với diện tích rộng. So với một số vùng nông thôn khác trong tỉnh, giá thấp hơn nhiều, như đất xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, giá 8-9 triệu đồng một m2", lãnh đạo thôn Bắc Hòa, ông Trần Văn Thuần, cho hay.

Nhưng bên cạnh chuyện khiến nhiều người đổi đời, sốt đất tại đây cũng để lại hệ lụy. Bà Nguyễn Thị Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hòa, cho biết một số gia đình bất hoà vì chuyện này. Khi thấy giá đất tăng cao, một số gia đình có con cái đi làm ăn xa ở miền Nam trở về yêu cầu bố mẹ bán để chia tiền. Khi không được, họ to tiếng, bất hòa.

Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng nảy sinh ý định cơi nới khu vườn hiện tại ra các diện tích đất do xã quản lý với mục đích sau này hợp thức hóa làm hồ sơ cấp bìa đỏ. Song xã đã phát hiện ra ý định này, cử cán bộ xử lý đề phòng những phức tạp về sau.

Tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, nơi xảy ra sốt đất nông thôn cùng thời điểm với xã Yên Hòa, có hai chị em chung tiền mua miếng đất rộng hơn 1.000 m2. Giữa năm 2021, giá đất ồ ạt tăng vì có thông tin khu công nghiệp sắp được xây tại thôn Lộc Thọ, một trong hai người đã đổi ý, muốn được hưởng phần đất nhiều hơn so với thỏa thuận ban đầu. Sự việc khiến các thành viên của hai gia đình nhiều lần mâu thuẫn, to tiếng, một thời gian dài không nhìn mặt nhau.

"Ngày xưa đất đai rẻ ít người quan tâm. Một số gia đình thỏa thuận miệng, ký giấy bán miếng đất đang ở rồi đưa con cái vào miền Nam làm ăn, lập nghiệp tại đó. Gần đây, khi sốt đất, họ lại về quê đòi chia tiền phần trăm. Tuy nhiên, những khu vườn đó nay đã cấp bìa đỏ và sang tên chủ mới, việc đòi chia chác không có cơ sở", ông Bùi Trung Hậu, cán bộ địa chính xã Việt Tiến, kể. Ông nhẩm tính, vài tháng qua xã đã tiếp nhận khoảng 7 hồ sơ khiếu kiện kiểu này.

Hiện, với các dự án làm sân golf tại xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) và khu công nghiệp ở xã Việt Tiến (Thạch Hà), UBND tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ cho các doanh nghiệp khảo sát để lập quy hoạch, chưa có động thái gì thêm.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra tình trạng "sốt đất" từ nông thôn đến thành thị. Nửa quý đầu năm nay, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai như: đăng ký biến động hơn 7.000; chuyển nhượng, tặng cho hơn 9.000; trích đo, tách thửa gần 5.000... Các huyện có đất nông thôn như Cẩm Xuyên, Thạch Hà có hồ sơ phải xử lý nhiều nhất với hơn 9.000 bộ. Trong khi đó, năm 2020, tổng giao dịch phải xử lý của cả tỉnh khoảng 84.000 hồ sơ, năm 2021 là hơn 122.000.

Đức Hùng

Adblock test (Why?)