Một năm nhiều cảm xúc của cổ phiếu 'họ FLC'

FLC, ROS và các mã liên quan ông Trịnh Văn Quyết trong một năm trải qua hai đợt sóng, từ vùng thấp được kéo lên cao kèm thanh khoản đột biến rồi đột ngột lao dốc.

Ông Trịnh Văn Quyết từng đề cập tới giấc mơ giúp "cả nhà đầu tư dài hạn và lướt sóng" làm giàu nhanh chóng. Nhưng thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam tối 29/3 với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán" đồng thời dập tắt giấc mơ này. Cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC kéo dài chuỗi giảm hết biên độ.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-03-7352-3989-

Cổ phiếu họ FLC liên tục ở tình trạng "trắng bảng bên mua". Trong ảnh là diễn biến giao dịch tới 10h ngày 30/3, một ngày sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Ảnh: VNDirect

"Không dừng ở mệnh giá", "vô địch thanh khoản" là hai trong số rất nhiều cụm từ thường xuyên được ông Quyết nhắc đến khi bình luận về các cổ phiếu trong hệ sinh thái. Ông cũng từng khẳng định sẽ phá sản nếu cổ phiếu FLC không vượt 10.000 đồng trong năm 2020.

Thực tế, đến tháng 3 năm ngoái, cổ phiếu này mới trở lại mệnh giá và đánh dấu sự khởi đầu cho một năm đầy biến động của chính mình và 5 mã khác gồm ROS (Cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros), KLF (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), AMD (Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone), HAI (Công ty cổ phần Nông dược HAI) và ART (Công ty cổ phần Chứng khoán BOS).

4 trong 6 cổ phiếu liên quan đến ông Quyết có mức tăng hai chữ số khi so sánh thị giá hiện tại với cách đây một năm. ROS vượt trội nhất với mức tăng gần 60%, còn KLF, AMD và HAI dao động từ 26 đến 43%. Nếu tính chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất trong thời gian này, tăng trưởng các mã này đều không dưới 150%.

Ở chiều ngược lại, so sánh giữa hai mốc thời gian cách nhau một năm, FLC và ART lần lượt mất 6,3% và 2,2%. Tuy nhiên, tương tự các cổ phiếu trên, giá cao nhất của FLC và ART trong giai đoạn này cũng gấp đôi giá thấp nhất.

Kịch bản những lần các mã này tạo sóng không khác nhau khi từ "chân sóng" đến đỉnh thường kéo dài không quá hai tháng và được tạo thành bởi nhiều chu kỳ tăng mạnh 3-4 phiên (thậm chí tăng trần), sau đó điều chỉnh 1-2 phiên. Dấu hiệu đỉnh của những đợt sóng này là cổ phiếu sẽ lao dốc nhiều phiên với thanh khoản giảm dần hoặc mất thanh khoản.

Giai đoạn đầu tháng 12/2021 đến giữa tháng 1/2022 và giữa tháng 3 đến nay hội đủ những dấu hiệu của một đợt sóng lớn.

Trong đợt sóng đầu tiên, FLC tăng 60%, từ 15.000 đồng lên 24.000 đồng và thanh khoản phiên 11/1 lập kỷ lục gần 155 triệu đơn vị - gấp 5 lần thanh khoản cách đó một tháng. ROS khi đó cũng chạm đỉnh 17.100 đồng và sang tay gần 99 triệu cổ phiếu một phiên. ART, AMD, HAI và KLF đều xác lập mức giá cao nhất một năm trước đó một ngày.

Đợt sóng này trùng giai đoạn cơ quan điều tra xác định ông Quyết dùng nhiều tài khoản để tạo cung cầu giả đến khi chỉ đạo người thân đặt lệnh bán được 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Sau khi bị phát hiện, các mã này đều giảm hết biên độ 9 phiên liên tiếp. Nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy bằng mọi giá nhưng không phải ai cũng thành công khi số lượng dư bán mỗi phiên lên đến vài chục triệu đơn vị.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, nhóm thuộc cấp của ông Quyết sử dụng 20 tài khoản để mua bán chứng khoán với tần suất cao. Trong giai đoạn 1/12/2021 đến 10/1, nhóm của ông Quyết tham gia toàn bộ cả 28 phiên giao dịch, chiếm 12% khối lượng đặt mua và 7% lượng bán ra cổ phiếu FLC của toàn thị trường.

Do đó, biến động tiêu cực của những cổ phiếu này trong giai đoạn cuối đợt sóng đầu tiên tác động rất mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, bất chấp tỷ trọng vốn hoá không đáng kể. VN-Index giảm 5 trong số 6 phiên trong một tuần từ khi sự việc xảy ra, trong đó có những phiên bán tháo đẩy thanh khoản sàn TP HCM lên gần 42.000 tỷ đồng.

"Vốn liếng dồn vào đánh FLC, ROS hết nên cái Tết xem như mất trắng. 40 tuổi nhưng vẫn chịu một vố quá đau", ông Thành, một nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán hai năm, nhớ lại.

Sau vốn đòn đau đó, cũng như ông Thành, nhiều nhà đầu tư quả quyết không bao giờ mua lại cổ phiếu liên quan đến ông Quyết.

Thế nhưng, những chuỗi tăng dựng đứng và niềm tin "người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả" như một ma lực khó cưỡng. Dòng tiền vẫn đổ vào 6 cổ phiếu trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC từ giữa tháng 3, cộng thêm việc ông Quyết (theo cáo buộc của cơ quan điều tra) tiếp tục giao cho người thân đặt lệnh mua lượng lớn để "thổi giá", đã hình thành nên đợt sóng thứ hai.

Điểm khác biệt lớn trong đợt sóng này là dòng tiền chỉ tập trung vào hai mã FLC và ROS, thể hiện qua việc giá tạo "đồ thị cây thông" chỉ trong một tuần khi lần lượt tăng 25% và 19%. Trong khi đó, 4 mã còn lại giao dịch giằng co và chỉ tích luỹ không quá 10% trong cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin cơ quan điều tra làm việc với ông Quyết, mọi kỳ vọng nhân đôi, nhân ba tài khoản nhờ FLC và ROS bỗng chốc tan biến. Nhà đầu tư lại tháo chạy.

Ngay khi tiệm cận vùng giá 15.000 đồng nhờ chuỗi tăng 5 phiên (trong đó 2 phiên tăng trần), lực bán tại FLC bắt đầu xuất hiện. Cổ phiếu này vừa nối dài chuỗi giảm hết biên độ ba phiên liên tiếp, xuống 11.800 đồng. Dư bán giá sàn có thời điểm hơn 103 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh chưa bằng 1% con số này.

ROS cũng quay đầu giảm sau khi tăng 8/9 phiên giao dịch giữa tháng. Từ sát mệnh giá, cổ phiếu này giảm còn 7.590 đồng và dư bán lên đến 94 triệu đơn vị, tương đương khoảng 16% cổ phiếu đang lưu hành.

"Tôi mới ôm FLC bình quân giá 14.000 đồng, có hôm lãi 7%, có hôm huề vốn nhưng tới chiều nay đã mất 16% mà không thể cắt được vì bán không ai mua", ông Thành than thở.

Phương Đông

Adblock test (Why?)