Kiến nghị gỡ khó pháp lý cho 64 dự án địa ốc

TP HCMHoREA vừa đề nghị thành phố gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở bị ách tắc hồ sơ 5-10 năm, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trong số 57 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 64 dự án phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây Sài Gòn bị "treo" pháp lý gửi đơn cầu cứu, có nhiều đại gia tên tuổi như: Novaland, Nam Long, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Him Lam... Trong danh sách 64 dự án này, có 3 nhóm cần được thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ ách tắc.

Nhóm thứ nhất là các dự án nhà ở xã hội, được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội nhưng vướng pháp lý. Danh sách này khá dài, có thể kể đến các dự án nhà ở xã hội bán lẫn cho thuê của các công ty: Lê Thành, Nam Long, Đầu tư Thủ Thiêm, Thiên Phát, Phú Cường, Vạn Thái, Saigonres...

Chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành, Địa ốc Thảo Điền và Công ty Thiên Phát nếu sớm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, kịp khởi công xây dựng trong 6 tháng đầu năm nay ước tính sẽ giúp thành phố có thêm 5.209 quỹ nhà cho người lao động giai đoạn 2024-2025. Theo HoREA, nhóm dự án này cần được ưu tiên khuyến khích phát triển để cung cấp thêm nguồn cung nhà ở xã hội bán và cho thuê đang thiếu hụt tại TP HCM.

Nhóm thứ hai là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý. Đây là nhóm dự án không vướng quy định kiểm tra, thanh tra, điều tra, thành phố cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Cấp bách nhất là hoàn thiện các bước thủ tục nộp tiền sử dụng đất, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

Hiệp hội kiến nghị UBND TP HCM cùng các sở ngành giải quyết dứt điểm các thủ tục chấp thuận đầu tư, tính tiền sử dụng đất, phê duyệt quy hoạch 1/500... Trong đó, cần đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). Bởi lẽ, theo HoREA, hiện nay ước tính còn khoảng hơn 20.000 căn hộ dự án nhà chung cư trên địa bàn thành phố chưa được cấp sổ hồng thuộc nhóm này.

Thị trường bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thị trường bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhóm thứ ba là các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh - kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Nhiều trường hợp các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện trong nhiều năm trước đây, hay đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, thành phố cần xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thành phố cần sớm có kết luận cuối cùng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát, bổ sung pháp lý hoặc phải thanh tra việc tính tiền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính. Nguyên tắc xử lý là không làm thất thu ngân sách nhà nước, tránh thất thoát tài sản công, đồng thời tạo điều kiện ổn định an cư cho người mua nhà.

Theo ông Châu, bên cạnh một số sai sót của các chủ đầu tư, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến 64 dự án bất động sản vướng pháp lý kéo dài cả thập kỷ qua.

Đầu tiên là do một số điều trong Luật Nhà ở 2014 chưa thống nhất với các quy định của Luật Đất đai 2013 đã dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án ách tắc ở khâu công nhận chủ đầu tư. Cụ thể với nhóm dự án có xen cài quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở, đất nông nghiệp, hiện bị vướng ở khâu chưa được công nhận chủ đầu tư. Đa phần các hồ sơ bị ách tắc rơi vào các dự án nhà ở có quy mô rất lớn.

Kế đến, do thời gian qua thành phố tiến hành rà soát lại pháp lý, thanh kiểm tra thậm chí điều tra hàng loạt dự án, khiến thủ tục đầu tư bị đình trệ. Các dự án rơi vào tình trạng rà soát này thường phải dừng triển khai, hay dừng thủ tục cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư lẫn người mua nhà.

Nguyên nhân thứ ba, theo ông Châu, là do trong khâu thực thi pháp luật nhà đất vài năm gần đây xuất hiện tình trạng một số cán bộ sợ trách nhiệm, "sợ vướng rủi ro trong thi hành công vụ". Tâm lý này dẫn đến việc công chức có biểu hiện đùn đẩy, chuyển hồ sơ lòng vòng hoặc không nêu rõ chính kiến khi trình hồ sơ dự án bất động sản, nhà ở thương mại.

Đến cuối tháng 3, số hồ sơ vướng pháp lý vẫn còn ở mức 64 dự án tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản TP HCM, là nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở bị đình trệ, sụt giảm mạnh trong khi giá bán nhà tăng liên tục 2-3 năm qua. Dắt dây theo nhiều dự án không thể hoàn thành việc cấp sổ hồng gây bức xúc cho hàng chục nghìn hộ dân trong cả thập niên qua.

Để ổn định thị trường địa ốc trong 12-24 tháng tới, theo Chủ tịch HoREA, thành phố cần đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc pháp lý cho 64 dự án này nhằm thúc đẩy tốc độ triển khai xây dựng trước 6 tháng đầu năm 2022. "Đây cũng là cách giúp tăng nguồn nhà ở phục vụ nhu cầu rất lớn của thị trường, giảm thế độc quyền tăng giá bán và tăng nguồn thu cho ngân sách từ việc các doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất ", ông Châu nhận định.

Trung Tín

Adblock test (Why?)