Dòng vốn đầu tư rời Trung Quốc tăng mạnh

Trung QuốcĐồng nhân dân tệ chịu áp lực trong bối cảnh dòng vốn chảy ra "chưa từng có" sau khi Nga tổ chức chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nhà đầu tư toàn cầu đã rút tiền khỏi các danh mục, từ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. "Dòng chảy từ Trung Quốc về quy mô và cường độ mà chúng tôi đang thấy là chưa từng có, đặc biệt là vì chúng tôi không thấy dòng chảy tương tự từ phần còn lại của các thị trường mới nổi", IIF cho biết.

Theo tổ chức này, thời điểm dòng vốn chảy ra là từ sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang nhìn nhận Trung Quốc dưới góc độ mới, mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chính xác nào về vấn đề này.

Theo China Central Depository & Clearing, một cơ quan lưu ký trái phiếu chính phủ, giá trị nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm 67 tỷ nhân dân tệ (10,5 tỷ USD) trong tháng 2. "Có khả năng là dòng vốn chảy ra sẽ còn lớn hơn vào tháng 3", Macquarie Capital cho biết.

Trong 21 ngày đầu tiên của tháng 3, Trung Quốc cũng đã chứng kiến dòng chảy ròng 59 tỷ nhân dân tệ thông qua chương trình Kết nối chứng khoán hướng bắc với Hong Kong. Dù vậy, con số này vẫn nhỏ hơn mức 70 tỷ nhân dân tệ dòng vốn chảy ra vào tháng 3/2020, theo báo cáo của Macquarie.

Bên ngoài một điểm thu đổi ngoại tệ ở Hong Kong. Ảnh: AP

Bên ngoài một điểm thu đổi ngoại tệ ở Hong Kong. Ảnh: AP

Các nhà phân tích dự báo dòng vốn chảy ra khỏi các tài sản bằng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục biến động trong những tuần tới, làm dấy lên lo ngại về cách Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ quản lý đồng nội tệ của mình khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất giải quyết lạm phát. Động thái đó có thể làm tăng dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.

Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc vào tuần trước cho biết họ sẽ theo dõi dòng vốn xuyên biên giới chặt chẽ hơn trong khi cố gắng giúp các công ty phòng thủ trước rủi ro ngoại hối.

"Trong mọi trường hợp, áp lực đối với dòng vốn chảy ra vẫn tăng trong năm nay, do chu kỳ tăng lãi suất của Fed và chiến sự. Do đó, chúng tôi kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu một cách khiêm tốn khi 1 USD đổi được 6,5-6,6 tệ vào cuối năm ", Larry Hu, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital cho biết.

Freya Beamish, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu của công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại London, nhận định: "Tăng trưởng yếu kéo dài sẽ dẫn đến đồng nhân dân tệ mất giá. Nếu các nhà chức trách không thể sáng tạo trong việc tạo ra tính thanh khoản, Trung Quốc sẽ có thể gặp tình cảnh như một cuộc suy thoái".

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc - vốn lớn nhất thế giới - đã giảm xuống 3.214 tỷ USD vào cuối tháng 2, từ 3.222 tỷ USD, mặc dù tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với USD ở mức cao.

Nhu cầu tín dụng yếu hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 2. Cho vay mới ở Trung Quốc giảm xuống còn 1.230 tỷ nhân dân tệ (193,2 tỷ USD), giảm mạnh so với mức kỷ lục 3.980 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 1, gây áp lực lên ngân hàng trung ương về việc nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% vào năm 2022.

Nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên dự kiến chịu thiệt hại do đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong hơn hai năm, khi các ca nhiễm mới gia tăng trong vài tuần qua.

"Vì đã là cuối quý đầu tiên, nguy cơ tăng trưởng GDP theo quý giảm xuống còn 4% đang gia tăng. Nếu đúng như vậy, mục tiêu tăng trưởng của cả năm, ở mức 5,5%, cũng sẽ đối mặt với những bất ổn lớn", Commerzbank đánh giá.

Hiện tại, các động thái của Mỹ nhằm giải quyết lạm phát đã khiến ngân hàng trung ương Trung Quốc do dự về mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ - bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất - để thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời cố gắng tránh gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ.

Diễn biến tỷ giá nhân dân tệ - USD đến hôm 26/3. Đồ họa: SCMP

Diễn biến tỷ giá nhân dân tệ - USD đến hôm 26/3. Đồ họa: SCMP

Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá nhẹ lên 6,3666 tệ đổi một USD vào thứ bảy (26/3), phục hồi từ mức thấp nhất trong 10 ngày ghi nhận hôm 24/3. Đồng tiền này nằm trong số ít đồng tiền khu vực đang có xu hướng kết thúc tuần mạnh hơn so với đầu tuần.

UBS dự đoán tuần trước rằng Trung Quốc sẽ cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá "có giới hạn". "Việc đồng nhân dân tệ giảm giá hạn chế trong mọi trường hợp một phần là do UBS toàn cầu cho rằng đồng USD sẽ suy yếu so với mức hiện tại, nhưng cũng vì chúng tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không muốn đồng tiền mất giá đáng kể và có khả năng thắt chặt kiểm soát vốn", UBS nêu.

Macquarie Capital đánh giá thặng dư thương mại tăng cao và lượng USD lớn do các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc tích lũy trong vài năm qua có thể giúp giảm bớt những cú sốc từ bên ngoài. "Do đó, áp lực từ dòng vốn chảy ra sẽ không cản trở việc nới lỏng chính sách trong năm nay", tổ chức này nhận định.

Phiên An (theo SCMP)

Adblock test (Why?)