Rào cản về logistics, tài chính, pháp lý khiến doanh nghiệp Trung Quốc khó lấp chỗ trống khi đối thủ phương Tây rút khỏi Nga.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt về tài chính và kiểm soát xuất khẩu với Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Tuân thủ các lệnh trừng phạt, nhiều hãng công nghệ lớn như Apple, Samsung, HP, Dell, Ericsson đã dừng bán hàng tại Nga.
Tuy nhiên, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn im lặng và chưa có dấu hiệu rời đi. Hành động của họ dĩ nhiên phù hợp với lập trường của Trung Quốc - nước đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ. Vài thập kỷ qua, họ đã xây dựng mối quan hệ bền chặt ở Nga và chiếm hơn 40% thị phần với một số sản phẩm.
Xiaomi là hãng điện thoại số 2 tại Nga, theo Counterpoint Research. Lenovo là công ty bán PC nhiều thứ nhì ở đây, theo International Data. Trong khi đó, Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu cho Nga, cạnh tranh với Ericsson về các hợp đồng 5G.
Các chuyên gia cho rằng tình hình tại Nga đang mở ra cơ hội cho một số thương hiệu Trung Quốc. Tuy nhiên, để tận dụng được cũng không hề dễ dàng.
Dù Nga là thị trường công nghệ nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng điện thoại thông minh và PC xuất xưởng toàn cầu, đây lại là thị trường điện thoại lớn nhất châu Âu. Nga cũng là chiến trường khốc liệt, nơi các thương hiệu phương Tây cạnh tranh vị trí hàng đầu với các đối thủ Trung Quốc.
"Đây là sự khởi đầu tuyệt vời", Tarun Pathak, Nhà phân tích tại Counterpoint cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các công ty phải đối mặt với nhiều rào cản hơn nếu muốn tăng doanh số bán hàng ở Nga. "Chúng tôi thấy mọi thứ đang trở nên khó khăn một chút", ông nói thêm.
Những trở ngại mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt bao gồm khó khăn về logistics ở Nga, sự phức tạp về thanh toán do các lệnh trừng phạt và nguy cơ vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu rất phức tạp của Mỹ và đồng minh.
"Các công ty Trung Quốc, cũng như bất kỳ công ty nào khác, không muốn đối mặt với các hóa đơn chưa thanh toán, những thách thức lớn về logistics hoặc thậm chí gián tiếp vi phạm các lệnh trừng phạt. Danh sách các cá nhân, thực thể bị trừng phạt đang tăng lên liên tục", Duncan Clark, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư BDA Trung Quốc, đánh giá.
Các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ, tương tự biện pháp mà Washington đã áp lên Huawei năm 2020. Khi đó, các công ty trên khắp thế giới - ngay cả ở Trung Quốc - đã buộc phải ngừng bán hàng cho gã khổng lồ viễn thông vì sự hiện diện rất lớn của thiết bị và phần mềm Mỹ trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã thông qua một đạo luật nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với người dân và công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty công nghệ phải tuân thủ quy tắc xuất khẩu của phương Tây thì vẫn có nguy cơ bị các nước đó trừng phạt.
"Các công ty Trung Quốc mất nhiều hơn được khi vi phạm các lệnh trừng phạt. Đối với hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc, Nga chỉ là một thị trường quá nhỏ, không đáng để chịu rủi ro hoặc bị trừng phạt", báo cáo phân tích của Gavekal Dragonomics đánh giá.
Theo Counterpoint Research, các công ty Trung Quốc kiểm soát khoảng 41% thị trường điện thoại thông minh Nga năm ngoái. Đó là Xiaomi, Honor và Realme. Quyết định tạm ngừng bán hàng của Apple có khả năng giúp họ tăng thị phần.
Tuần trước, Lenovo - hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới còn trở thành mục tiêu gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi truyền thông Belarus đưa tin hãng ngừng bán hàng cho Nga.
Còn với các hãng bán thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, rủi ro lại nằm ở chỗ khác. Kevin Wolf, Cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho biết thị phần mảng này khó chiếm hơn so với điện thoại thông minh hay thiết bị tiêu dùng.
Điều đó có nghĩa là Huawei có thể không dễ dàng giành được thị phần tại Nga từ đối thủ Ericsson (Thụy Điển). Công ty Trung Quốc đã và đang xây dựng mạng 5G ở đây và có mối quan hệ sâu sắc với thị trường mà họ đã tham gia từ thập niên.
Phiên An (theo WSJ)