Alibaba không hiện diện nhiều tại phương Tây, nhưng vị thế là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng quá đủ để Washington nhắm đến.
Chính quyền Trump gần đây tăng tốc kìm hãm sức mạnh công nghệ ngày càng lớn của Trung Quốc. Họ đã có động thái nhắm vào hàng loạt đại gia công nghệ nước này, từ Huawei đến TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent. Giới quan sát cho rằng Alibaba - một trong những công ty Internet và bán lẻ lớn nhất thế giới, có thể là cái tên tiếp theo.
"Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính nền tảng", Alex Capri - nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, kiêm giảng viên Đại học Quốc gia Singapore nhận xét. Giới chức Mỹ đang "tăng cường cáo buộc" với các hãng công nghệ Trung Quốc, cho thấy "chính quyền Trump thực sự muốn chia tách" ngành công nghệ.
Capri nhận định không như ByteDance hay Huawei, Alibaba chưa có nhiều thành công trong việc thâm nhập thị trường phương Tây. Tuy nhiên, vị thế là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể là lý do quá đủ để Washington nhắm đến Alibaba.
Đến nay, Alibaba vẫn chưa bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hoặc trừng phạt như các hãng công nghệ Trung Quốc khác. Trump thậm chí còn nói lời tốt đẹp về đồng sáng lập Alibaba Jack Ma, gọi ông là "một người bạn của tôi" hồi đầu năm, khi tỷ phú Trung Quốc cho biết sẽ quyên góp vật tư chống lại đại dịch.
Tuy nhiên, công ty này vẫn luôn nằm trong suy nghĩ của giới chức Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề cập đến Alibaba tuần trước, khi thúc giục các công ty Mỹ gỡ bỏ công nghệ "không đáng tin cậy" do Trung Quốc sở hữu trong mạng kỹ thuật số.
Pompeo cho biết Washington muốn bảo vệ "những thông tin cá nhân nhạy cảm nhất và tài sản trí tuệ giá trị nhất của doanh nghiệp, trong đó có nghiên cứu về vaccine Covid-19, để chúng không bị tiếp cận trên các hệ thống dựa trên điện toán đám mây của những công ty" như Alibaba, Tencent và nhiều hãng khác.
Các công ty như Alibaba "được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn ở Trung Quốc, gần như đóng cửa với nước ngoài và giành thị phần mà không phải cạnh tranh với công ty ngoại", Capri nhận xét, "Giờ đây, khi họ muốn mạo hiểm, cạnh tranh trên thị trường mở, họ sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản".
Alibaba có nhiều nền tảng thương mại điện tử phổ biến, chủ yếu hoạt động tại thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ cũng có Alipay - ứng dụng thanh toán hàng đầu Trung Quốc bên cạnh WeChat Pay của Tencent.
Dù vậy, bất kỳ động thái nào của Washington có lẽ cũng khó ảnh hưởng đến mảng bán lẻ và thương mại điện tử của Alibaba tại Trung Quốc – thị trường đóng góp tới 80% doanh thu hàng năm cho công ty này. Trong tài khóa 2019, doanh thu Alibaba đạt 509,7 tỷ nhân dân tệ (73,5 tỷ USD). Mảng bán buôn và bán lẻ quốc tế chỉ đóng góp 7% số này.
Thậm chí, nếu Mỹ muốn trừng phạt mảng điện toán đám mây tại Mỹ của Alibaba, tác động của nó cũng sẽ rất nhỏ. Dịch vụ điện toán đám mây đóng góp chưa đầy 10% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, ngôn ngữ mơ hồ trong lệnh cấm với WeChat và TikTok cuối tuần trước cho thấy Washington có vẻ đang chuẩn bị quăng mẻ lưới lớn hơn. Ví dụ, lệnh cấm với WeChat có thể ngăn các cá nhân và công ty Mỹ làm việc với bất kỳ thứ gì liên quan đến ứng dụng nhắn tin này, theo Dan Wang – nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics. Ông nói rằng việc này có thể ngăn WeChat tiếp cận công nghệ Mỹ, khiến họ không thể có phần mềm và linh kiện bán dẫn cần thiết để duy trì hoạt động cho WeChat.
"Nếu Mỹ làm điều tương tự với Alibaba, đây sẽ là đòn giáng lớn", ông nói. Alibaba có hoạt động điện toán đám mây rất lớn tại Trung Quốc và "cần linh kiện bán dẫn, phần mềm của Mỹ để tiếp tục".
Dù Alibaba ghi nhận rất ít doanh thu từ Mỹ, đây vẫn là thị trường quan trọng của hãng. Năm ngoái, họ mở cửa mảng thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ của Mỹ và lần đầu tiên ra mắt phiên bản tiếng Anh của Tmall, nhằm tăng gấp đôi số thương hiệu nước ngoài trên nền tảng này, lên 40.000 trong 3 năm. Nhiều công ty Mỹ đã bán sản phẩm trên Tmall, như Apple, Nike và Johnson & Johnson.
Alibaba còn có nhiều mối liên kết khác tại Mỹ. Cổ phiếu hãng này đang niêm yết trên sàn NYSE. Năm 2014, họ làm IPO tại đây, huy động 25 tỷ USD – lập kỷ lục thời bấy giờ.
Dù vậy, nếu chính quyền Trump cấm đoán các hãng công nghệ Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Ví dụ, nếu Washington buộc Apple gỡ bỏ các ứng dụng "không đáng tin" của ByteDace, Alibaba và Tencent khỏi App Store tại Trung Quốc, iPhone sẽ mất sức hấp dẫn với người dùng nước này.
WeChat là ứng dụng thiết yếu với hàng trăm triệu người Trung Quốc. Nếu điều trên xảy ra, "thiệt hại với Apple sẽ lớn hơn nhiều so với Tencent", Chingxiao Shao – nhà sáng lập Red Gate Asset Management kết luận.
Hà Thu (theo CNN)