Theo các doanh nghiệp taxi, nếu nhà chức trách không đưa ra phương án giảm thuế môi trường để kìm giá xăng, họ buộc phải điều chỉnh giá cước.
Sau lần tăng thêm gần 1.000 đồng một lít hôm 21/2, cộng với 4 lần điều chỉnh liên tiếp trước đó, giá xăng RON 95 đã cán mốc 26.280 đồng, vượt "đỉnh" của tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít). So với giữa tháng 12/2021, giá xăng loại này đã đắt hơn 3.480 đồng. Tương tự, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.450 đồng và lên cao nhất 8 năm qua.
Tại thị trường thế giới, xung đột Ukraine - Nga đang đẩy giá dầu vượt 100 USD một thùng, điều này càng khiến doanh nghiệp taxi như "ngồi trên đống lửa".
Chia sẻ với VnExpress, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho biết áp lực giá xăng lần này "đè" nặng doanh nghiệp khi giá mặt hàng này chưa có điểm dừng.
"Không chỉ chúng tôi, hầu hết doanh nghiệp taxi ở TP HCM đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không điều chỉnh thuế, phí xăng dầu trong tuần tới", ông Hỷ nói.
Tương tự, Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết đang không "gồng" nổi các loại chi phí. Ngoài giá nhiêu liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch mà họ phải gánh cũng đi lên.
Theo tính toán của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chi phí xăng dầu đang chiếm 30-35% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Đợt tăng lần thứ năm liên tiếp đang khiến chi phí nhiên liệu đầu vào của ngành này tăng tương ứng 13,8%. Do đó, đợt điều chỉnh này, nếu nhà điều hành không giảm thuế, phí để hạ giá xăng trong nước, các doanh nghiệp taxi thống nhất sẽ tăng giá cước ở mức 5-8%, tức 500-800 đồng mỗi km (tuỳ doanh nghiệp).
"Đây là năm thứ ba liên tiếp ngành vận tải đứng trước quá nhiều thách thức. Do đó, chỉ có điều chỉnh thuế, phí xăng dầu mới có thể giúp doanh nghiệp bớt khó và người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm với ông Hùng, các doanh nghiệp taxi cho rằng, cần giảm thuế môi trường với xăng, dầu "càng sớm càng tốt". Hiện, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 ở mức 3.800 đồng một lít, còn RON 95 là 4.000 đồng. Theo các doanh nghiệp, nếu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 2.000 đồng, không chỉ giá cước vận tải mà giá hàng hoá trên thị trường sẽ ổn định. Mặt khác, doanh nghiệp taxi sẽ không phải gánh thêm các chi phí phát sinh của quá trình điều chỉnh giá.
Hôm 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. "Chúng tôi đang rất ngóng thông tin này để có quyết định cuối cùng", ông Hỷ nói.
Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ được Thủ tướng yêu cầu báo cáo trước ngày 28/2. Hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Mức thuế này được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện "cõng" các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%. Tức là mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng, và dầu là 21-27 đồng.
Theo các hiệp hội taxi, doanh nghiệp chưa vượt qua được khó khăn khi 2 năm qua liên tục ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm qua, các hãng taxi được hoạt động nhưng rất cầm chừng vì phải chấp hành quy định không được phép chở quá 50% số ghế. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. Điển hình, tại Vinasun đã cắt giảm hơn 2.500 nhân viên, trong đó khoảng 1.800 tài xế, do hoạt động kinh doanh bị thu hẹp vì dịch bệnh.
Kết thúc năm 2021, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần giảm 52% so với thực hiện năm trước và lỗ ròng gần 274 tỷ đồng. Mai Linh chưa công bố báo cáo năm 2021 nhưng kết quả dự báo cũng không mấy sáng sủa do bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng năm 2020, Mai Linh báo lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng. Như vậy, đến 31/12/2020, tổng lỗ lũy kế tính hãng taxi truyền thống này lên đến 1.210 tỷ đồng.
Thi Hà