Sau khi có thông tin Tân Hoàng Minh xin chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất Thủ Thiêm, thị trường bất động sản khu vực cơ bản ổn định lại.
Nhận định được Bộ Xây dựng đưa ra cuối ngày 28/1 khi đánh giá về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua.
Cuối năm ngoái, thị trường chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá có kết quả cao gấp nhiều lần. Dù kết quả đấu giá đất cao có thể góp phần bổ sung vào ngân sách địa phương, một số trường hợp trúng giá cao bất thường so với giá khởi điểm bị đánh giá rủi ro, tác động đến thị trường mà trong đó vụ việc tại Thủ Thiêm là ví dụ điển hình. 4 lô đất tại đây có giá trúng cao gấp 7 lần so với khởi điểm, cá biệt lô đất được Tập đoàn Tân Hoàng Minh thắng thầu có giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2.
Theo Bộ Xây dựng, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất này đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm. Giá rao bán các dự án tại khu vực này sau kết quả trúng thầu đã đồng loạt tăng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lưu ý, giao dịch thực tế tại khu vực này lại rất ít.
Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, cơ quan này cho biết, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại. Phía Tân Hoàng Minh chiều qua cũng xác nhận Công ty Bất động sản Ngôi sao Việt (đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh và trực tiếp tham gia đấu giá) đã có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng đánh giá việc đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua được thực hiện công khai, khách quan, đúng quy định. Trừ trường hợp cá biệt tại Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá với giá bình quân ở nhiều địa phương không quá cao so với giá khởi điểm. Đơn cử, giá tại Sơn La tối đa cao hơn 85,68%, Cần Thơ (cao hơn 53%), Đắk Nông (cao hơn 50%), Đồng Tháp, Bến Tre (bình quân cao hơn 20%)...
Bên cạnh đó, phía Bộ Xây dựng cũng từng nhận định, đấu giá đất cao chỉ là một yếu tố tác động đến hiện tượng bất động sản sốt nóng.
Đức Minh