Điện gió ngoài khơi sẽ giúp thay thế dần nguồn điện than nhưng chuyên gia cho rằng, năng lượng này cần có "đất" phát triển bằng cơ chế rõ ràng.
Các tính toán kỹ thuật cho thấy, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi khoảng 160 GW. Trong phương án tính toán mới nhất cập nhật tháng 11 của dự thảo quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nâng công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi (offshore) lên 4 GW vào năm 2030, tăng 1 GW so với các phương án công bố trước đó.
Công suất nguồn đặt điện gió ngoài khơi sẽ tăng lên 10 GW vào năm 2035, lên 23 GW vào 2040 và đạt 36 GW vào 2045. Với mức công suất này, tỷ trọng điện gió ngoài khơi trong hệ thống điện khoảng 2,6% vào năm 2030 và tăng lên gấp hơn 4 lần (10,8%) vào năm 2045.
"Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của điện gió ngoài khơi trong tương lai. Đây cũng là nguồn điện giảm thiểu carbon nhiều nhất, có thể thay thế các nguồn điện than dự kiến cắt giảm tới đây để giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050 theo cam kết tại COP 26", bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á (Hội đồng Điện gió toàn cầu, GWEC) nói tại diễn đàn Điện gió Việt Nam 2021, ngày 1/12.
Theo bà Liming, kinh nghiệm của các nước trên thế giới phát triển loại năng lượng này cho thấy, điện gió ngoài khơi giúp giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Với Việt Nam, nhờ nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi có thể đạt công suất lớn hơn 50%, tương đương hệ số công suất của thuỷ điện.
Loại hình năng lượng này còn có khả năng chạy phụ tải nền, có tính đoán định cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sạch khác, đồng thời hỗ trợ an ninh năng lượng.
Đại diện GWEC cho rằng, với 4-5 GW điện gió ngoài khơi phát triển đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiết kiệm khoảng 800 triệu USD nhập khẩu than mỗi năm, và giúp tạo ra 40.000 việc làm tại địa phương.
Là nhà đầu tư các dự án điện gió trên bờ hơn chục năm qua, ông Bùi Văn Thịnh - CEO Thuận Bình Wind không phủ nhận mức độ hấp dẫn của điện gió ngoài khơi. Ông cho rằng, Việt Nam cần xác định điện gió ngoài khơi là nguồn điện chủ đạo trong phát triển năng lượng tái tạo tới năm 2030.
"Không phải điện gió trên bờ hay điện mặt trời, mà là điện gió ngoài khơi với hệ suất gấp 3-4 lần điện mặt trời, sẽ là nguồn điện có thể thay thế các nguồn năng lượng hoá thạch, giúp đảm bảo mục tiêu đủ điện, an ninh năng lượng và giảm phát thải khí carbon theo cam kết của Chính phủ tại COP 26", ông nói.
Nhưng có khá nhiều thách thức cho Việt Nam trong quá trình phát triển loại năng lượng tiềm năng này.
Dự thảo quy hoạch điện VIII đã nâng công suất đặt điện gió ngoài khơi đến 2030 lên 4 GW, nhưng các nhà đầu tư vẫn chờ đợi một cơ chế rõ ràng, chắc chắn hơn, cũng như sự nhất quán các khuôn khổ pháp lý để vững tâm hơn trong các quyết định đầu tư ở Việt Nam.
Ông Niels Holst, đại diện Copenhagen Offshore Partners, đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, nhắc tới các thách thức tài chính khi phát triển dự án điện gió ngoài khơi cũng như sự thấp thỏm chờ đợi chính sách. Đó là chưa kể những rủi ro từ việc cắt giảm công suất ảnh hưởng tới bài toán huy động vốn của dự án trong bối cảnh năng lượng tái tạo bị cắt giảm nhiều thời gian qua.
Khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện theo ông cũng rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá FIT nên nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án với giá trị lên tới cả tỷ USD như điện gió ngoài khơi sẽ phải cân đối nhiều yếu tố.
Vì thế, điều các nhà đầu tư mong mỏi là một cơ chế ổn định lâu dài cho điện gió ngoài khơi, chẳng hạn thủ tục xin cấp các giấy phép thực hiện khảo sát ngoài khơi, lộ trình để có được giấy phép đầu tư hay cách nào để có hợp đồng mua bán điện (PPA)...
Ông Stephan Ciniselli, Giám đốc kinh doanh toàn cầu điện gió ngoài khơi Bureau Veritas, cũng nhìn nhận tính rõ ràng của chính sách quan trọng với nhà đầu tư. "Lộ trình cam kết phát triển điện gió ngoài khơi đã khá rõ ràng tại dự thảo quy hoạch VIII, bước tiếp theo là về chính sách như cam kết chính sách ưu đãi giá thế nào hay cơ chế đấu thầu giá ra sao... Cơ chế càng rõ ràng, càng hút vốn đầu tư", ông nói.
Ngoài yếu tố vốn, công nghệ, ông Bùi Văn Thịnh, CEO Thuận Bình Wind, cho rằng các yếu tố liên quan tới an ninh quốc phòng khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi cũng khiến nhà đầu tư băn khoăn. Ông đề xuất, cơ quan quản lý khảo sát thực địa, tham khảo kinh nghiệm thực tế phát triển điện gió ngoài khơi ở Đài Loan để "giải toả các lo lắng về an ninh quốc phòng, có chính sách cho điện gió ngoài khơi".
Mối lo khác được các nhà đầu tư nêu, là cơ chế giá FIT ưu đãi cho điện gió, gồm cả điện gió ngoài khơi đã hết hạn từ 30/10/2021. Điện gió ngoài khơi có bản chất khác với các dự án điện gió trên bờ, gần bờ. Mặt khác, giá bán điện đảm bảo và hợp đồng PPA quốc tế là điều cần thiết để đảm bảo dự án có thể huy động được các nguồn tài chính quốc tế trước khi xây dựng. Nếu áp dụng ngay cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi sẽ khiến nhà đầu tư gặp không ít rủi ro, khó huy động vốn cho dự án.
Nêu kinh nghiệm từ các nền kinh tế đã phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Anh, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), các nhà đầu tư đề xuất cần có giai đoạn chuyển tiếp trên cơ sở giá FIT, trước khi chuyển sang cơ chế đấu thầu. Chẳng hạn, nên kéo dài áp dụng giá FIT cho 4-5 GW đầu tiên trên thị trường.
"Cơ chế hỗ trợ giá FIT trong giai đoạn đầu là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro và giúp các nhà đầu tư tự tin hơn với chi phí đầu tư khổng lồ của các dự án điện gió ngoài khơi tại một thị trường hoàn toàn mới. Khi đã có dự án được xây dựng, vận hành thì cùng với công nghệ, giá đầu tư sẽ rẻ đi", ông Micheal Stephenson, Phó giám đốc RCG nhận xét.
Về giá FIT, trong các chia sẻ trước đây, bà Liming Qiao cũng cho rằng với những thị trường mới như Việt Nam, điều quan trọng là những dự án đầu tiên phải được phát triển và đưa vào vận hành thành công. Điều này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo của ngành này trong nước, khi nhà đầu tư có thêm tự tin và chuỗi cung ứng trong nước cũng phát triển qua các dự án đầu tiên này.
Anh Minh