Bảo hiểm, di chúc - hai lưu ý trong kế hoạch tài chính của bậc cha mẹ

Martin Scott, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Mỹ, chỉ ra hai lưu ý nếu các bậc cha mẹ muốn duy trì nền tảng tài sản cho con cháu mình.

"Sự giàu có truyền đời" (generational wealth) luôn là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh nhưng vẫn có nhiều cách hiểu về khái niệm này. Một số người có thể nghĩ rằng, sự giàu có truyền đời là để lại một khoản tiền đáng kể trong tài khoản ủy thác cho những người thừa kế. Một số người khác có thể định nghĩa nó đảm bảo linh hoạt về tài chính cho những người thừa kế bằng cách để lại một ngôi nhà, một doanh nghiệp cho những người thừa kế vận hành hoặc bán đi... Trong khi một số gia đình khác có thể tập trung vào việc giúp con cái đã trưởng thành trang trải các chi phí lớn trong cuộc sống như đám cưới, trả trước tiền mua nhà, tiền để trở thành doanh nhân...

Bất kể định nghĩa điều này như thế nào, Martin Scott - nhà sáng lập Lasting Wealth Principles, một công ty lập kế hoạch tài chính toàn diện cho các chuyên gia trong độ tuổi 30-40 ở Mỹ, cho rằng cần lưu ý hai điều để đạt được mục tiêu này.

Martin Scott - nhà sáng lập Lasting Wealth Principles. Ảnh: Business Insider

Martin Scott - nhà sáng lập Lasting Wealth Principles. Ảnh: Business Insider

Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm

Thông thường, bảo hiểm nhân thọ khi được cấu trúc hợp lý và phù hợp với cá nhân là một công cụ tài chính tốt. Bảo hiểm có thể là chất xúc tác cho việc xây dựng sự giàu có truyền đời. Nói về vai trò của loại hình này, ông Martin lấy hai ví dụ thực tế từ khách hàng của mình.

Mike và Sarah đều đang có sự nghiệp thành công, không ai trong số họ lớn lên trong những gia đình nhiều tiền. Họ kết hôn cách đây 3 năm và vừa có một cậu con trai tên Jack. Theo đề nghị của người lập kế hoạch tài chính, cả hai đều mua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với số tiền tương đối cao. Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo rằng, sẽ có đủ vốn để chu cấp cho việc nuôi dạy con trai họ, bao gồm cả học phí đại học, trong trường hợp một trong hai người chết sớm.

Thật không may, Mike phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và qua đời. Sarah suy sụp nặng nề, nhưng cô không phải đối mặt bất kỳ nỗi lo nào về tài chính vì chính sách bảo hiểm nhân thọ của Mike sẽ chi trả rất nhiều tiền cho cô. Trong trường hợp một người trong họ qua đời, một phần tiền bồi thường từ bảo hiểm nhân thọ sẽ dùng để lập ra một tài khoản đặc biệt, nhằm tài trợ học phí đại học trong tương lai của Jack.

Từ đó, Sarah tự tin rằng, việc xây dựng sự giàu có truyền đời đã bắt đầu đối với Jack khi cậu con trai sẽ không phải chịu gánh nặng với các khoản vay sinh viên trong tương lai. Điều này giúp cậu bé linh hoạt hơn nhiều về tài chính để phát triển bản thân.

Trường hợp thứ hai là John và Mary, đã kết hôn hơn 50 năm. Họ có hai người con trưởng thành và năm đứa cháu. Hai vợ chồng đã phải đối mặt với những khoản thời gian khó khăn về tài chính trong suốt cuộc đời của mình, nhưng họ đã ưu tiên mua bảo hiểm nhân thọ vì cả hai muốn làm điều gì đó "có ảnh hưởng tích cực đến tài chính" cho mỗi đứa cháu của mình.

Đáng buồn thay, John qua đời sau khi chiến đấu với bệnh tật trong nhiều năm. Các cháu của ông là người thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và mỗi người được nhận một phần quyền lợi.

Barbara - một người cháu của ông, luôn muốn trở thành doanh nhân, nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình có đủ khả năng tài chính để làm điều đó. Khi nhận được số tiền từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của ông mình, Barbara đã sử dụng tất cả làm vốn kinh doanh. Cô luôn tin rằng kinh doanh là con đường rất thành công và cũng sẽ mang đến cho cô cơ hội tiếp tục tạo ra tài sản cho riêng mình.

Lập kế hoạch di sản hợp lý

Chuyên gia Martin Scott tin rằng, mọi người nên tham khảo ý kiến của luật sư về việc lập kế hoạch di sản. Ít nhất mỗi người cần lập chuẩn xác các thành tố cơ bản như di chúc, giấy ủy quyền... Để duy trì sự giàu có qua các thế hệ, có một di chúc được thực hiện đúng cách là điều rất quan trọng vì nó giúp điều phối tài sản của bạn sau khi chết. Sử dụng di chúc sẽ tăng thêm hiệu quả cho việc chuyển giao các tài sản cụ thể cho thế hệ tiếp theo. Nói cách khác, tài sản sẽ đến đúng đối tượng theo ý muốn của người quá cố.

Ông Martin lấy ví dụ về trường hợp một khách hàng có thật. Cụ thể, Harry chưa bao giờ kết hôn và không có con, nhưng ông đã tích lũy được một số tài sản đáng kể trong suốt cuộc đời của mình. Với tâm nguyện mang lại sự linh hoạt về tài chính cho một người cháu trai tên Larry, ông muốn để lại cho anh ấy một ngôi nhà.

Harry đã làm di chúc và chỉ rõ rằng sau khi chết, Larry sẽ là chủ sở hữu của ngôi nhà trên. Điều này giúp Larry có cơ hội bớt lo toan về tiền mua nhà. Từ đó, cháu trai của Harry có thể dồn sức lo cho các kế hoạch tài chính khác và tiếp tục tạo ra sự giàu có truyền đời cho riêng mình.

Tất Đạt (theo Business Insider)

Adblock test (Why?)