Dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, một số doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn có một năm kinh doanh thành công.
Trong hội nghị tổng kết cuối năm, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVOil) đưa ra ước tính doanh thu hợp nhất cả năm đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 884 tỷ đồng, hoàn thành hơn gấp đôi kế hoạch năm.
Ở mảng nhiên liệu dạng khí, Tổng công ty khí Việt Nam (PVGas) cho biết, các chỉ tiêu tài chính năm nay đều hoàn thành và vượt kế hoạch 13-66%. Trong đó, doanh thu đạt gần 80.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác như Petrolimex (PLX); Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)... năm nay cũng có kết quả kinh doanh rất khả quan.
Điểm chung trong động lực tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn này là tận dụng diễn biến giá nhiên liệu tăng mạnh trong năm qua, đặc biệt từ cuối tháng 5. Trong đó, đợt điều chỉnh hồi cuối tháng 10 đưa giá xăng lên sát mốc 25.000 đồng một lít, cao nhất kể từ tháng 9/2014. Giá gas hồi tháng 11 cũng tiến tới 500.000 đồng một bình 12 kg.
Việc giá dầu thô đi lên từ đáy cũng đã cho phép các doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho đồng thời góp phần vào đà hồi phục của giá bán lẻ xăng và giá dầu DO.
Ngoài ra một số công ty con, công ty liên kết kinh doanh nhiên liệu hàng không, hóa dầu, gas, bảo hiểm, ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần tích cực vào kết quả kinh doanh chung.
Theo các báo cáo gần đây, ước tính lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi hơn 35% trong năm 2021 nhưng vẫn giảm 17% so với 2019.
Nói về kịch bản năm 2022, VNDirect ví von ngành dầu khí có thể đón thời cơ "khi gió Đông tới". Đơn vị này kỳ vọng giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong khi nguồn cung có thể không bắt kịp.
Với kịch bản giá dầu Brent đạt trung bình 75 USD một thùng trong năm 2022, ngành này sẽ hưởng lợi trong bối cảnh Việt Nam có thể hình thành chuỗi giá trị LNG và nhu cầu sử dụng phục hồi sau giãn cách.
Tất Đạt