Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất 6 năm, vàng trong nước vẫn đi lên

Giá thế giới mất 4% năm ngoái do kinh tế toàn cầu phục hồi, trong khi vàng trong nước lại tăng gần 6 triệu đồng một lượng.

Chốt phiên giao dịch 31/12, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng 15 USD lên 1.829 USD – cao nhất kể từ cuối tháng 11. Giá tăng nhờ đồng đôla yếu đi và chứng khoán Mỹ giảm phiên cuối năm.

Dù vậy, tính chung cả năm, giá vẫn giảm 4%. Đây là năm giảm mạnh nhất của kim loại quý kể từ 2015. Kinh tế toàn cầu hồi phục khiến nhà đầu tư tìm đến tài sản rủi ro nhiều hơn và các công cụ trú ẩn như vàng mất sức hấp dẫn.

Giá vàng thế giới hôm qua tăng mạnh.

Giá vàng thế giới hôm qua tăng mạnh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng ra tín hiệu sẽ tăng tốc rút lại các chính sách kích thích áp dụng từ đầu đại dịch. Dù vàng được coi là công cụ truyền thống phòng trừ lạm phát do kích thích quy mô lớn, lãi suất tăng sẽ khiến kim loại quý kém hấp dẫn.

"Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mốc 2% năm 2022 mà không gây ra lạm phát cao, và dĩ nhiên lãi suất cũng được nâng lên nữa, giá vàng sẽ lao dốc", Warren Venketas – nhà phân tích tại DailyFX cho biết trên Reuters.

Dù lo ngại về tác động của biến chủng Omicron có thể hỗ trợ vàng, lợi suất cao sẽ khiến kim loại quý không được chuộng như trước, Han Tan – nhà phân tích thị trường tại Exinity cho biết. Bên cạnh đó, "giá vàng có thể nhận được chất xúc tác để tăng mạnh năm sau, nếu Fed mắc sai lầm về chính sách, lạm phát tiếp tục tăng tốc hay căng thẳng địa chính trị trầm trọng hơn", ông nói.

Giá vàng trong nước biến động mạnh trong năm 2021 khi giá giao dịch ngày cuối năm dao động 61-61,65 triệu đồng một lượng, tăng khoảng 5,8 triệu đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với việc tích luỹ gần 13,5 triệu đồng trong năm 2020.

Giá vàng tăng nóng nhất vào giữa tháng 11 khi kéo dài mạch tăng tám phiên liên tiếp, leo lên 62,15 triệu đồng một lượng để thu hẹp khoảng cách so với vùng đỉnh lịch sử còn chưa đến 150.000 đồng.

Tổng cục Thống kê đánh giá thị trường kim loại quý trong nước thường xuyên biến động trái chiều với thế giới. Tính chung cả năm, giá vàng thế giới giảm gần 4% thì giá niêm yết tại của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), doanh nghiệp chiếm thị phần vàng miếng lớn nhất trong nước, tăng khoảng 8,7%.

Điều này dẫn đến chênh lệch khi giữa giá thế giới và trong nước khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng ngày càng nới rộng. Hồi đầu năm, mỗi lượng SJC đắt hơn thế giới khoảng 2,5 triệu đồng thì đến giữa tháng 11 lên đến 11,25 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, chênh lệch này xuất phát từ việc nguồn cung hiện độc quyền bởi Ngân hàng Nhà nước nên thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Việc siết chặt đường biên và các vụ buôn lậu vàng cũng khiến nguồn cung kim loại quý ngày một hạn chế. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước TP HCM lại cho rằng, nguồn cung không thiếu cho hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng hay phục vụ nhu cầu người dân nên chênh lệch là do doanh nghiệp phòng thủ, giảm rủi ro khi thị trường biến động mạnh.

Hà Thu - Phương Đông

Adblock test (Why?)