Vượt ngoài dự đoán của giới phân tích, VN-Index năm ngoái tăng 35,7% và nằm trong nhóm 10 chỉ số chứng khoán đi lên mạnh nhất thế giới.
Số lượng tài khoản mới của nhà đầu tư trong nước nhảy vọt và dòng tiền nhàn rỗi chảy ồ ạt vào chứng khoán khi lãi suất tiết kiệm thấp là động lực chính để VN-Index đóng cửa tại 1.498,28 điểm. Chỉ số tích luỹ hơn 394 điểm, tương ứng tăng 35,72% so với cuối năm ngoái.
Theo dữ liệu của StockQ.org, chứng khoán Việt Nam xếp thứ bảy trong danh sách những thị trường tăng mạnh nhất năm qua. Dẫn đầu là thị trường Abu Dhabi, Argentina, Iceland, Áo, Cộng hoà Czech.
Tính trong khu vực, thứ hạng của chứng khoán Việt Nam còn cao hơn bởi các thị trường phát triển tăng trưởng tương đối khiêm tốn. Điển hình như Đài Loan tăng 24,04%, Nhật Bản tăng 4,91%, Hàn Quốc tăng 3,63%, Thái Lan tăng 14,37%, Singapore tăng 8,97%. Một số thị trường như Hong Kong, Malaysia thậm chí còn đi lùi.
2021 là năm thứ ba liên tiếp VN-Index giữ mạch đi lên. Mức tăng các năm trước lần lượt là 7,61% và 14,68%. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng ấn tượng thứ hai trong vòng một thập kỷ, xếp sau năm 2017 tăng gần 48%.
Diễn biến của chỉ số vượt xa dự đoán theo kịch bản thận trọng và cơ sở của nhiều công ty chứng khoán. Điển hình như VNDirect đầu năm ngoái cho rằng chỉ số chỉ có thể chạm mốc 1.180 điểm, còn Chứng khoán Yuanta kỳ vọng chạm 1.364 điểm trong khi Mirae Asset nhận định dao động trong vùng 1.355-1.425 điểm.
Chỉ số tăng mạnh nhưng P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) của thị trường mới khoảng 17,47 lần, thấp hơn nhiều so với những nước trong khu vực lẫn vùng đỉnh cũ trong lịch sử như đầu năm 2018.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index còn ghi nhận đà tăng ấn tượng hơn. Chỉ số này đóng cửa tại 473,99 điểm, tích luỹ hơn 270 điểm trong năm qua, tương ứng 133%.
Vốn hoá thị trường của sàn TP HCM sau phiên 31/12/2021 là 5,83 triệu tỷ đồng, còn sàn niêm yết Hà Nội hơn 500.000 tỷ đồng. VCB, VHM, VIC, HPG và MSN là năm cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường.
Phương Đông