Thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực nhưng có cơ sở cho thấy, khả năng vượt Malaysia, Thái Lan để vươn thứ hai là trong tầm tay.
Đầu tháng 11, Tiki xác nhận gọi thêm được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn thứ năm từ một loạt nhà đầu tư như AIA, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund và STIC Investments. Thương vụ góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút hàng đầu của dòng vốn đổ vào kinh tế số ở Đông Nam Á.
Trong báo cáo "e-Economy SEA 2021" công bố gần đây, Google, Temasek và Bain & Co xác nhận "vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh" vào Việt Nam. Theo đó, vốn đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số tăng trưởng mạnh trong đại dịch, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.
Không phải ngẫu nhiên mà các "cá mập" đặt nhiều sự chú ý vào nền kinh tế số Việt Nam nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng. "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quá trình chuyển đổi số và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử", Jikwang Chung, Giám đốc Mirae Asset Capital, nói khi chốt thương vụ rót tiền vào Tiki.
Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.
Khi ấy, Thái Lan sẽ lui về vị trí thứ 3, với quy mô thị trường dự báo là 35 tỷ USD. Trong khi đó, nước đang có quy mô thương mại điện tử hiện xếp trên Việt Nam một bậc là Malaysia sẽ đứng thứ 5 khu vực.
Vậy điều gì giúp các dự báo về thương mại điện tử ở Việt Nam lạc quan đến như vậy?
Đầu tiên là dư địa tăng trưởng. Lợi thế lớn nhất để mở rộng quy mô thương mại điện tử Việt Nam chính là dân số. So với thị trường số 2 là Thái Lan, dư địa tăng trưởng nhờ vào quy mô người tiêu dùng Việt Nam còn khá lớn. Theo "e-Economy SEA 2021", Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu năm ngoái. Trong khi Thái Lan có thêm 9 triệu.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỷ lệ dân số chưa tham gia vào nền kinh tế số của Việt Nam còn đến 29,3%, trong khi Thái Lan là 10,1%. Con số này rất quan trọng nếu so với quy mô dân số của Việt Nam và Thái Lan theo nguồn dữ liệu của World Bank hiện lần lượt là 97,3 triệu và 69,8 triệu người.
Thứ hai là mức độ sôi động của thị trường. Theo các chuyên gia, mức độ sôi động này tạo thành bởi nhiều yếu tố như niềm yêu thích công nghệ của người Việt, độ phong phú của các nền tảng tham gia, và giãn cách xã hội vì Covid-19 cũng góp phần tăng tốc cho thương mại điện tử.
Báo cáo quý III do iPrice Group vừa công bố hôm 25/11 cho biết, tổng lượt truy cập trung bình top 10 trang thương mại điện tử Việt Nam đã gấp hai lần Thái Lan và gần ba lần Malaysia trong quý vừa rồi.
Đó là chưa kể, trong khu vực, người Việt chỉ kém người Malaysia về mức độ tương tác qua Facebook với các trang thương mại điện tử, với tỷ lệ là 36% so với 44%. Trong khi đó, người Thái thấp nhất khu vực về việc tương tác này (20%). Còn Napoleon Cat cho biết 81% dân số Việt Nam có Facebook, tính đến tháng 10/2021. Điều này cho thấy độ sôi động rất cao của thị trường Việt Nam.
Society Pass (Sopa) có lẽ là một trong những nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội từ sự sôi động đó, khi quyết định bỏ tiền hồi sinh thương hiệu Leflair ở Việt Nam. Họ đã có những quả ngọt đầu tiên.
Cách đây hơn một tuần, Leflair tuyên bố số đơn hàng của nền tảng tăng gấp 6 lần so với thời điểm mở giao dịch vào tháng trước, nâng tổng doanh số vượt gấp 3 lần so với kỳ vọng của đội ngũ và chủ đầu tư Sopa. Phía Sopa thì tuyên bố sẽ tiếp tục rót vốn vào nền tảng này nhằm mở rộng ra các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.
Những thành viên kỳ cựu như Shopee, Lazda, Tiki vẫn đều đặn công bố những kỷ lục mới. Dịp 11/11 vừa rồi là ví dụ. Tiki tuyên bố doanh thu tăng 9 lần, lượng khách hàng tăng 2 lần so với ngày thường. Trong khi, Lazada nói rằng doanh thu và số đơn đặt hàng tăng gần gấp 2 lần so với dịp 11/11/2020. "Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng trưởng vượt trội với những bứt phá mạnh mẽ về công nghệ", ông Jikwang Chung, đánh giá.
Thứ ba là tốc độ tăng trưởng - một lợi thế được hình thành từ sự sôi động của thị trường hiện tại. Trong tính toán của mình, Google và Temasek cho rằng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 là nhanh nhất khu vực, với 35%.
Trong khi, tốc độ của Indonesia, Thái Lan và Malaysia lần lượt là 18%, 14% và 8%. "Việt Nam đã và đang trở thành một trong những 'ngôi sao' trong thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á", nhóm chuyên gia iPrice kết luận.
Trong một buổi hội thảo diễn ra đầu tháng 11 bàn về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá trong khi một số lĩnh vực đang phục hồi chậm, một số khác được hưởng lợi trong đại dịch. Đó chính là thương mại điện tử, với mức tăng trưởng 18%, và đạt doanh thu hơn 11 tỷ USD vào năm 2020. "Thị trường này sẽ tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến", ông nói.
Ngoài ra, thương mại điện tử Việt Nam còn có thể đồ sộ cả ở những phần chưa thể thống kê hết. "e-Economy SEA 2021" thừa nhận số liệu của họ chỉ tính toán được quy mô của "thương mại điện tử chính thức", tức giao dịch được ghi nhận thông qua những nền tảng bán lẻ trực tuyến chuyên nghiệp.
Trong khi đó, người dùng còn tự trao đổi, mua bán trực tiếp thông qua các cộng đồng, nhóm trò chuyện, trang cá nhân trên mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin. Đó tạm được gọi là "thương mại điện tử không chính thức".
"Thương mại điện tử không chính thức tồn tại trên khắp Đông Nam Á và đặc biệt phổ biến ở Thái Lan và Việt Nam", báo cáo đánh giá. Tuy nhiên, về bản chất thì "phần chìm của tảng băng" này được đánh giá là khó định lượng.
Viễn Thông