Một tháng rưỡi sau cam kết giảm lãi suất, một số ngân hàng đã dành nghìn tỷ lợi nhuận để giảm lãi vay cho khách hàng.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng (thông qua kêu gọi của Hiệp hội ngân hàng) đã cam kết giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm ước tính 20.613 tỷ đồng.
Thực tế, lãi vay đã giảm nhưng không diễn ra đồng loạt mà tuỳ thuộc vào cam kết, tình hình sức khoẻ của mỗi ngân hàng. Hơn hết, việc giảm lãi suất vay ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kinh doanh và quyền lợi của cổ đông ngân hàng, do đó chính sách này "rộng rãi" tới đâu còn tuỳ thuộc vào "thiện chí" của cổ đông và đội ngũ ban lãnh đạo. Phó tổng giám đốc của một nhà băng tư nhân từng bày tỏ "khó giảm lãi suất đồng loạt" do việc này cần sự chấp nhận của cổ đông. Chính sách giảm lãi do đó tại nhà băng tư nhân này chỉ được áp dụng với các đối tượng thực sự khó khăn.
Các nhà băng có vốn nhà nước với quy mô cho vay lớn nhất như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank cam kết áp dụng giảm lãi suất đồng loạt. Còn tại các nhà băng tư nhân, chính sách giảm lãi suất áp dụng có chọn lọc - thường chỉ dành cho khách vay bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Tính đến hết tháng 8, Agribank đã dành hơn 4.700 tỷ đồng để giảm lãi vay cho trên 3 triệu khách hàng. BIDV giảm lãi hơn 1.000 tỷ cho 305.000 khách vay. VietinBank giảm gần 860 tỷ cho gần 303.000 khách. Còn tại Vietcombank, số tiền lãi giảm là hơn 950 tỷ, áp dụng cho gần 239.000 người vay. MB cũng giảm 550 tỷ cho gần 104.000 khách hàng.
Với quy mô khách hàng nhỏ hơn và chính sách giảm lãi suất có chọn lọc và mức độ ít hơn, các nhà băng tư nhân khác như Techcombank, VPBank, SHB đã giảm khoảng trăm tỷ...
Như vậy, sau hơn 1 tháng rưỡi triển khai, 16 nhà băng chiếm đến 75% dư nợ nền kinh tế, đã giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng, đạt 43% so với cam kết này.
Để đảm bảo các nhà băng thực hiện đúng như cam kết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên giám sát và yêu cầu báo cáo. Những nhà băng "không giữ lời hứa" và giảm lãi suất không thực chất có thể bị Ngân hàng Nhà nước hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Quỳnh Trang
Trải nghiệm của bạn khi làm thủ tục hành chính, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch gần đây, như thế nào? Vui lòng tham gia khảo sát này để chia sẻ về những trải nghiệm đó, làm cơ sở tham vấn cho Chính phủ đưa ra chỉ đạo phù hợp để cải thiện thủ tục hành chính.
Khảo sát do Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), các Hiệp hội thành viên Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng và Báo điện tử VnExpress thực hiện từ ngày 24/9 đến 30/09/2021.