Tiếp viên làm gì khi có người chết trên máy bay?

Khi chắc chắn một hành khách đã tử vong, tiếp viên di dời thi thể đến hàng ghế trống cuối cabin hoặc cố định tại chỗ.

Sheena Marie, 25 tuổi, chủ nhân tài khoản TikTok @sheenie_weenie_, có kinh nghiệm 2 năm làm tiếp viên hàng không cho 3 hãng khác nhau tại Mỹ. Trong video mới của mình, cô giải thích "Chuyện gì xảy ra khi có người chết trên máy bay?". Video nhận được hơn 2,8 triệu lượt xem, 920.000 lượt thích và hàng nghìn lượt chia sẻ.

Tiếp viên tiết lộ làm gì khi có người chết trên máy bay

Video trên TikTok của cựu tiếp viên hàng không Mỹ. Video: Sheena Marie

Sheena cho biết, khi có hành khách tử vong trên máy bay, thi thể vẫn được đặt tại chỗ ban đầu: "Nếu hành khách bị đau tim và qua đời, chúng tôi không thể làm gì, không thể hồi sức tim phổi (CPR)".

Cô nói rằng, các tiếp viên hàng không sẽ kiểm tra mạch để xác nhận hành khách đã tử vong trước khi phi hành đoàn di chuyển thi thể tới hàng ghế cuối, nếu còn chỗ tại đó. Nếu không còn ghế trống cuối cabin, thi thể hành khách có thể được giữ tại chỗ ban đầu, che bằng chăn cho tới khi máy bay hạ cánh.

Ngoài ra, thi thể cũng cần được cố định bằng dây an toàn. Nhiều người cho rằng thi thể hành khách xấu số có thể bị để trong nhà vệ sinh, song Sheena phủ nhận vì không cố định được.

Các hãng hàng không có thể đặt ra quy định khác nhau về xử lý thi thể hành khách, nhưng theo kinh nghiệm của Sheena, phần lớn quy trình tương tự nhau. Khi tất cả hành khách xuống máy bay, các chuyên gia y tế sẽ có mặt tại hiện trường để giám định thi thể, trước khi hãng hàng không thông báo cho thân nhân của người quá cố.

Nếu có thể hồi sức cho một hành khách đang nguy kịch, phi hành đoàn sẽ hỏi xem liệu có chuyên gia y tế nào tình cờ có mặt trên máy bay. Sheena cho hay, các bác sĩ có chứng chỉ sẽ được phép điều trị cho hành khách. "Chúng tôi có đủ thiết bị để làm phẫu thuật trên máy bay", cô nói.

Nếu không có chuyên gia y tế trên máy bay, các tiếp viên sẽ thông báo tình hình cho phi công - những người có thể liên hệ với những bác sĩ của MedLink, tổ chức tư vấn y tế cho các hãng hàng không. Những người này sẽ hướng dẫn tiếp viên nên làm gì.

Theo kinh nghiệm của Sheena, một khi thực hiện CPR, tiếp viên phải làm liên tục tới khi có chuyên gia y tế tới. Bởi, phi hành đoàn không có đủ chuyên môn y tế để tuyên bố hợp pháp rằng một ai đó đã qua đời.

Cuối cùng, máy bay có người chết sẽ tạm dựng hoạt động để phục vụ công tác điều tra và vệ sinh. Đôi khi, những tấm thảm lót sàn và ghế ngồi sẽ được thay mới.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), có thể dừng thực hiện hô hấp nhân tạo nếu tất cả những người tham gia cứu hộ kiệt sức để tiếp tục. Và chỉ có thể cho rằng một người đã chết sau khi hô hấp nhân tạo liên tục trong 30 phút hoặc lâu hơn mà không còn dấu hiệu của sự sống. Ảnh: Flight Safety Foundation

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), có thể dừng thực hiện hô hấp nhân tạo nếu "tất cả những người tham gia cứu hộ kiệt sức để tiếp tục". Và chỉ có thể cho rằng một người đã chết sau khi "hô hấp nhân tạo liên tục trong 30 phút hoặc lâu hơn mà không còn dấu hiệu của sự sống". Ảnh: Flight Safety Foundation

Đối với một tiếp viên hàng không bay 10 chuyến một tuần như Sheena, những trường hợp cấp cứu y tế có thể thường xuyên xảy ra, nhưng không quá phổ biến đối với hành khách thông thường thường. Tiến sĩ Claudia Zegans, phó giám đốc y tế của Global Rescue, tổ chuyên cung cấp dịch vụ xử lý khủng hoảng cho khách du lịch, trả lời Conde Nast Traveler: "Trường hợp khách tử vong trên các chuyến bay thương mại thực sự khá hiếm".

Bà Zegans nói rằng, trường hợp cấp cứu xảy ra trên khoảng 1 trong 600 chuyến bay, hoặc 16 trường hợp trên một triệu hành khách. Chỉ 0,3% trong số đó dẫn đến tử vong, theo một nghiên cứu thu thập dữ liệu trong hai năm của tạp chí y học New England Journal of Medicine từ 2013.

Khánh Trần (Theo Insider)

Let's block ads! (Why?)