Navigos: Nhân sự cấp càng cao bị giảm lương nhiều trong 'năm Covid'

Khảo sát của Navigos cho thấy nhân sự cấp càng cao thì càng kém lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2021 và đây cũng là nhóm bị giảm lương nhiều trong năm 2020.

Báo cáo "Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm – Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương hiện hành của người lao động", do Navigos phân tích dựa trên khảo sát gần 6.000 ứng viên thuộc 35 ngành.

Khảo sát trong thời kỳ Covid-19 nhưng tâm lý người lao động cũng khá lạc quan, không chỉ tiền lương mà còn về triển vọng kinh tế nói chung. Có đến hơn 50% thể hiện lạc quan nhất định, trong khi 31% dự đoán kinh tế sẽ suy giảm.

Sự lạc quan về triển vọng kinh tế thay đổi theo cấp bậc, cấp càng cao mức độ lạc quan càng giảm. Cụ thể, 58% nhóm ứng viên mới ra trường cho rằng kinh tế sẽ giữ vững ổn định hoặc tăng trưởng. Tuy nhiên, với nhân sự thuộc ban điều hành, cấp tổng giám đốc/phó tổng giám đốc, thì tỷ lệ này giảm còn 51%.

Khảo sát cũng cho thấy có 26% ứng viên tham gia cho biết họ bị cắt giảm lương năm 2020 ở nhiều mức khác nhau, từ 10% - 50% so với trước khi có dịch Covid-19. 74% ứng viên còn lại cho biết lương của họ không bị thay đổi.

Nhóm ứng viên cấp cao, như ban điều hành, cấp tổng giám đốc/phó tổng giám đốc là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. 40% người tham gia khảo sát thuộc nhóm này cho biết mức lương của họ bị cắt giảm ở nhiều tỷ lệ khác nhau. Chịu ảnh hưởng kế đến là nhóm giám đốc, phó giám đốc.

Về mặt phúc lợi, chỉ có 30% người tham gia khảo sát thấy hài lòng, với 24% cảm thấy khá hài lòng, và chỉ 6% cảm thấy hoàn toàn hài lòng. Trong khi đó, 45% cảm thấy "bình thường" so với sự hài lòng của họ. Ngoài ra, 20% cảm thấy không hài lòng và 5% cảm thấy hoàn toàn không hài lòng.

Về năm 2021, 61% người lao động được hỏi kỳ vọng được tăng từ 3% đến trên 20% lương trong năm nay và 10% nghĩ lương sẽ giảm. Ngoài ra, 52% cho biết sẽ tìm việc trong 3–6 tháng tới; và 13% tìm việc trong 12 tháng nữa.

Hiện tại, tháng lương thứ 13 đang là phúc lợi lớn nhất của người lao động, với 82% ý kiến đồng thuận. Đứng thứ hai là các phúc lợi về sức khỏe và y tế, chiếm 51%. Phụ cấp đi lại, ăn uống, tiếp khách đang đứng thứ ba, với 31% ý kiến.

Đối với người lao động, lương thưởng và chế độ đãi ngộ là yếu tố quan trọng hàng đầu khi họ cân nhắc chuyển việc, với 74% ý kiến khảo sát đồng tình. Tiếp theo là các cơ hội thăng tiến (37%) và các cơ hội được đào tạo và phát triển (34%).

Theo Navigos, để có thể cạnh tranh hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi, các doanh nghiệp nên lưu ý đến: cải tiến, xây dựng cơ chế lương thưởng cạnh tranh dựa trên thực tế của thị trường và tiềm lực doanh nghiệp; hiểu rõ đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao để xây dựng các cơ chế lương, thưởng và phúc lợi phù hợp; xây dựng, cải tiến lộ trình về nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên.

Viễn Thông

Let's block ads! (Why?)