Cách để không cảm thấy vô dụng khi mất việc

Một số xem công việc là sinh mạng và cảm thấy không còn ý nghĩa khi thất nghiệp. Nhưng mất việc không phải là mất đi con người bạn.

Công việc mang đến cho chúng ta không chỉ tiền lương, mà còn nhiều hơn nữa. Nó mang lại sự công nhận, địa vị, tài sản, lòng tự trọng, và củng cố thêm khái niệm về bản thân của chúng ta. Nghiên cứu cũng cho thấy có địa vị vững chắc trong công việc có thể liên quan đến phúc lợi của bạn.

Mất việc, nhất là khi danh tính cá nhân có liên quan chặt chẽ với công việc, thì dù không phải do lỗi nơi bạn - chẳng hạn như do suy thoái kinh tế hay tái cơ cấu – nó vẫn có thể trở thành thảm họa, gây nên cuộc khủng hoảng hiện sinh hoặc điều mà các tác giả quyển "Difficult Conversations" gọi là "chấn động về danh tính".

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến bạn nghi ngờ sâu sắc về giá trị của mình. Mặc dù có thể mất một thời gian, nhưng vẫn có vài cách bắt đầu quá trình lấy lại – và thậm chí xác định lại – ý thức về bản thân của bạn.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người bị mất việc sẽ nghi ngờ sâu sắc về giá trị bản thân. Ảnh: Pixabay.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người bị mất việc sẽ nghi ngờ sâu sắc về giá trị bản thân. Ảnh: Pixabay.

Tiếp cận bạn bè cũ

Các mối quan hệ phản ánh con người chúng ta. Tiếp cận bạn bè, những người vẫn giữ liên lạc, chẳng hạn như bạn thuở nhỏ hoặc lúc học đại học, trong công việc đầu tiên, có thể mang lại lời khuyên tốt.

Đây là những người biết bạn từ lúc trước khi bạn thành đạt. Họ hiểu rõ giá trị vốn có ở bạn, trước sự nghiệp to lớn sau này bạn có. Trò chuyện cùng họ có thể nhắc nhở bạn, ngoài danh tính trong công việc, bạn còn là những điều khác, chẳng hạn là một người bạn trung thành, một người cố vấn nhân hậu, một người chấp nhận rủi ro, hoặc là một người tư duy sáng tạo.

Kiểm tra quan niệm hạn hẹp của bạn

Bản sắc và ý thức về bản thân là kết cấu tinh thần. Khi chúng ta thấy bế tắc, thường là do chúng ta nhìn nhận bản thân qua góc nhìn riêng, được định sẵn - và thường không hiệu quả.

Nhằm thách thức hoặc kiểm tra quan điểm này, bạn hãy trò chuyện với các mối liên hệ cá nhân và công việc mà bạn tôn trọng, và hỏi họ hai câu. Đầu tiên: "Bạn đánh giá cao điều gì ở tôi?" để nhận ra những người khác có thể đánh giá bạn qua những điều khác hơn. Thứ hai: "Cách bạn nhìn nhận giá trị bản thân như là một con người?" để chỉ cho bạn thấy những cách đánh giá khác nhau về mình.

Những cuộc trò chuyện này sẽ giúp nới lỏng quan điểm hạn chế của bạn về "Giá trị của tôi chính là điều tôi làm được", để bạn có thể bắt đầu phân biệt giá trị cá nhân với giá trị bản thân qua thành quả lao động.

Tham gia vào các hoạt động rộng hơn

Tiến sĩ Neil Talkoff, Nhà phân tâm học ở San Francisco (Mỹ), cho biết "khi chúng ta đầu tư quá mức vào công việc, chúng ta sẽ bỏ qua các điều khác trong cuộc sống, nơi vốn có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích". Chúng có thể là các mối quan hệ cá nhân, sở thích, hoạt động tình nguyện...

Tham gia vào các hoạt động rộng hơn có thể giúp bạn sắp xếp thời gian, xây dựng quan hệ mới, bồi đắp những quan hệ hiện có, và nhận thức được ý nghĩa cuộc sống từ các nguồn khác. Điều này cuối cùng sẽ đa dạng hóa cách bạn nhìn nhận chính bản thân và xác định danh tính của mình.

Hình dung về tương lai

Danh tính của chúng ta không bất động. Chúng phát triển theo thời gian. Ít ai có thể khẳng định bản thân giống hệt 10 năm trước. Tuy nhiên, chúng ta có thành kiến khiến bản thân bị mắc kẹt trong một quan điểm trói buộc, nơi chúng ta nhận định danh tính hiện tại thành danh tính vĩnh viễn.

Vì vậy, hãy tự hỏi, "Tôi muốn trở thành ai trong 5 đến 10 năm tới?" Bằng cách tập trung vào tương lai bản thân muốn trở thành, bạn bắt đầu thay đổi tự sự về cá nhân – tức câu chuyện bạn tự kể về bản thân.

Điều này có thể giúp bạn thoát khỏi định kiến khiến bạn thấy bị mắc kẹt trong trạng thái hiện tại và cũng có thể bắt đầu chuyển hành vi theo hướng mong muốn. Và cũng giống như bất kỳ mục tiêu nào, bạn có nhiều khả năng đạt được thành công hơn nếu như bạn chia sẻ với người khác mục tiêu của bạn.

Xác định giá trị cốt lõi của bạn

Khía cạnh trong danh tính mà không bị ảnh hưởng bởi thời gian là các giá trị cốt lõi. Giá trị chính là điều chúng ta ủng hộ và coi trọng – chúng là bản chất con người. Đó có thể là những điều như hòa đồng, chính trực, sáng tạo, tự chủ, hay chân thành.

Điều có thể thay đổi theo thời gian là cách chúng ta thể hiện những giá trị này và tầm quan trọng tương đối của chúng. Mặc dù chúng có thể giúp bạn tìm được ý nghĩa và thành tựu trong công việc, chúng vượt qua danh tính trong công việc và cũng có thể thể hiện trong nhiều bối cảnh bên ngoài công việc.

Đây cũng chính là lăng kính khác để từ đó quan sát chính bạn. Hơn nữa, các giá trị cốt lõi có thể là nền tảng để bạn khám phá những cơ hội mới cho công việc tiếp theo, để biết bạn phù hợp với công việc gì.

Nhận trợ giúp

Bạn có thể nhận hỗ trợ từ huấn luyện viên hoặc chuyên gia trị liệu được đào tạo để giúp bạn kiểm tra, học hỏi, vượt qua trải nghiệm mất việc để đạt thành công ở chặng đường sự nghiệp mới.

Theo tiến sĩ Neil Talkoff, quá trình này thường yêu cầu trung lập về tinh thần và trí tuệ, nơi một cá nhân có thể dừng lại và xem xét bản thân một cách khách quan hơn và hỏi, "Điều này là gì đối với tôi?". Liệu pháp có thể đặc biệt hữu ích đối với những người mất việc làm ,à có quan niệm tiêu cực như nghĩ mình vô dụng.

Ông giải thích thêm rằng, "tiếp thu suy nghĩ, quan sát, và quan điểm của người khác có thể giúp bạn có những ý tưởng mới và quan điểm mới cho riêng mình". Làm như vậy, sau một thời gian, bạn có thể bắt đầu nhìn nhận bản thân và trải nghiệm chuyện mất việc một cách khác.

Chúng ta có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho công việc. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều thứ hơn là công việc. Mất việc không có nghĩa mất đi con người bạn.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Let's block ads! (Why?)