Tháng ngày kinh hoàng của các siêu du thuyền

Lịch chuyển sang ngày 1/1/2020, hàng nghìn du khách cùng nâng ly đón năm mới trên biển qua các con thuyền neo đậu trên các đại dương.

Hàng trăm nghìn người khác vẫn đang ở trên bờ, chờ đợi đến lượt lên tàu - chuyến đi mà họ dành cả năm trời tiết kiệm để có được. Thủy thủ đoàn trên khắp thế giới sẵn sàng cho một năm bận rộn, những người đứng đầu ngành công nghiệp du lịch này dự đoán một năm "ăn nên làm ra" nữa. Những con tàu lớn hơn, tốt hơn đã sẵn sàng để hạ thủy. Tất cả đều vui mừng, háo hức chờ đón một năm đầy huy hoàng.

Nhưng chỉ vài tuần sau, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt.

Đại dịch trên du thuyền

Tháng 2/2020, Covid-19 gây xôn xao khắp thế giới nhưng nhiều người vẫn coi căn bệnh lây nhiễm này là vấn đề thuộc phạm vi khu vực, chỉ ảnh hưởng chủ yếu ở Trung Quốc với vài trường hợp cá biệt. Một trong những trường hợp đó xảy ra với tàu Diamond Princess khi 10 hành khách dương tính với nCoV. Trong bối cảnh hơn 2.600 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu có nguy cơ bị lây nhiễm, con tàu đã bị kiểm dịch tại cảng Yokohama, Nhật Bản.

4/2 được coi là ngày định mệnh đầu tiên của ngành du thuyền. Đó là ngày con tàu du lịch 16 năm tuổi được đăng ký tại Anh vào vùng biển Nhật Bản. Ảnh: AP

4/2 được coi là ngày định mệnh đầu tiên của ngành du thuyền. Đó là ngày con tàu du lịch 16 năm tuổi được đăng ký tại Anh vào vùng biển Nhật Bản. Ảnh: AP

Khách bị cấm xuống tàu, được yêu cầu đeo khẩu trang và buộc phải ở trong cabin của mình. Đó cũng là lúc, cả thế giới bắt đầu hoảng hốt nhìn vào Diamond Princess như một ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc và Covid-19 bắt đầu trở nên tồi tệ. Con tàu bị cách ly phản ánh một cách rõ nét nhất về tình trạng dễ tổn thương của những siêu du thuyền trước Covid-19, và những công ty tàu biển phải vật lộn và xử lý như thế nào để đưa hành khách rời khỏi những cung điện khổng lồ giữa biển vào đất liền.

Nhưng đó mới là tháng 2, và chỉ một con tàu bị ảnh hưởng.

Khi Diamond Princess bị phong tỏa, các tàu du lịch khác vẫn tiếp tục hành trình. Một số tàu bắt đầu điều chỉnh hành trình, tránh các cảng châu Á. Hành khách vẫn lên tàu, dù không ít người bắt đầu do dự. Bởi, đây là chuyến đi cả đời mới có một với nhiều người, họ đã dành cả năm trời để tiết kiệm, chờ đợi, hy vọng vào một kỳ nghỉ. Thật khó để có thể đưa ra quyết định hủy tour. Bên cạnh đó, các chuyên gia du lịch đưa ra cam kết rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa.

Tàu chở virus

Đến tháng 3/2020, càng ngày mọi người càng hiểu rõ rằng thảm họa Diamond Princess không phải là một sự cố cá biệt. Những con tàu du lịch chở hàng nghìn người, cùng hệ thống điều hòa tổng là môi trường lý tưởng để phát tán dịch bệnh. Các tàu dường như trở thành chất xúc tác của Covid-19. Đó cũng là lúc nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu hạn chế đi lại, phong tỏa hay đóng biên, còn các tàu du lịch bắt đầu bị đưa vào "tầm ngắm" như một nguồn đẩy nhanh mức độ lây lan dịch bệnh.

Vào thời điểm đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra rằng khách đi tàu biển chiếm 17% các ca nhiễm nCoV trên toàn quốc. Ngày 13/3, Hiệp hội Quốc tế các Hãng du lịch Tàu biển, đại diện cho 95% đội tàu du lịch toàn cầu, quyết định ngừng cập cảng ở Mỹ trong 30 ngày. Một ngày sau đó, CDC ban hành lệnh cấm ra khơi với các tàu du lịch Mỹ (lệnh này được gỡ bỏ vào cuối tháng 10). Vào thời điểm đó, nhiều du khách đã muốn rời tàu ngay lập tức.

Tháng 3 cũng là thời điểm nổ ra một cuộc tranh giành bến cảng an toàn trên toàn cầu. Các con tàu đang lênh đênh trên các đại dương phải đưa ra quyết định nhanh chóng về biện pháp tối ưu đưa khách và nhân viên cập bến an toàn. Không ít tàu du lịch tuyệt vọng xin cập cảng. Một ví dụ là tàu Norwegian Jewel, nặng 92.000 tấn có khả năng chở 2.300 hành khách. "Viên ngọc Na Uy" của Norwegian Cruise Line mắc kẹt giữa biển sau khi bị Polynesia thuộc Pháp, Fiji và New Zealand từ chối. Cuối cùng, nó phải đi một hành trình rất dài để trở lại Hawaii.

Jay Martinez, một hành khách trên tàu, bỗng chốc trở thành trợ thủ đặc biệt cho những hành khách ít hiểu biết về công nghệ. Nhiệm vụ của Martinez là giúp họ liên lạc với người thân trên đất liền. Martinez cố gắng giữ thái độ tích cực, kết nối hành khách từ khắp nơi trên thế giớivà chia sẻ thông tin mới nhất mình cập nhập được. Anh rất tự hào về "cộng đồng nhỏ" mà mình và các hành khách tạo ra trên Norwegian Jewel. Điều đó chỉ ra rằng các quốc gia có thể xích lại gần nhau nhiều như thế nào khi đối mặt với đại dịch.

Jay Martinez chụp bức ảnh này trên tàu Norwegian Jewel hồi tháng 3. Martinez đôi khi cũng cảm thấy mơ hồ về số phận của mọi người trên tàu, gồm cả bản thân mình. Ảnh: Jay Martinez

Jay Martinez chụp bức ảnh này trên tàu Norwegian Jewel hồi tháng 3. Martinez đôi khi cũng cảm thấy mơ hồ về số phận của mọi người trên tàu, gồm cả bản thân mình. Ảnh: Jay Martinez

Christine Beehler, 72 tuổi, đến từ New Hampshire, lên du thuyền Coral Princess, một con tàu chở 2.000 hành khách đã bị từ chối cập cảng ở Brazil. Nhiều hành khách đã có vé máy bay để về nước cũng không được phép lên bờ. Không còn lựa chọn nào khác, con tàu hướng đến Miami.

Beehler bị cô lập trong cabin của mình, cảm thấy mệt mỏi khi ngày ngày đối diện với 4 bức vách. Bà thường xuyên liên lạc với các hành khách khác, cùng cổ động tinh thần cho nhau. Beehler rất hài lòng với những gì mà cơ trưởng, thủy thủ đoàn làm trong lúc đó vì họ công khai minh bạch số lượng các ca nhiễm, tử vong trên tàu. Chủ sở hữu Princess Cruises sau đó cho biết không thể xác nhận có bao nhiêu người nhiễm virus trên tàu hoặc chết sau khi rời khỏi tàu. Nhiều con tàu khác cũng gặp tình huống tương tự.

Chuyến đi cuối cùng

Tính đến đầu tháng 4/2020, hầu hết tàu du lịch lớn đã tìm cách cập cảng. Nhưng số ít vẫn ở ngoài đại dương, quyết tâm tiến đến những bến cảng cuối cùng trong hải trình.

Ngày 20/4, ba tàu du lịch lớn cuối cùng chở khách cập cảng. Tại Marseille, Pháp, MSC Magnifica đưa 1.769 hành khách vào đất liền, kết thúc chuyến hành trình vòng quanh thế giới bắt đầu từ tháng 1. Trước đó nó chỉ được phép dừng tại cảng để tiếp nhiên liệu và thực phẩm từ ngày 10/3.

Cùng ngày, du thuyền Pacific Princess đến Los Angeles, Mỹ chở theo 119 vị khách cuối cùng còn ở trên tàu vì lý do y tế. Phần lớn du khách khác đã bay về nhà sau khi nhập cảnh Australia từ tháng 3. Cuối cùng, ngày 22/4 tàu Costa Deliziosa - đã rời Venice để thực hiện chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới vào ngày 5/1 - trở về điểm xuất phát với 1.519 du khách.

Giữa những tin xấu, vẫn có những điểm sáng trong ngành tàu biển. Đó là không có trường hợp nhiễm nCoV nào được phát hiện trên các con tàu như Deliziosa, Magnifica hay Pacific Princess. Nicolò Alba, thuyền trưởng của Deliziosa, cho biết cuối cùng con tàu đã chứng minh được nó là nơi an toàn nhất dành cho hành khách.

Những nạn nhân bị lãng quên

Tháng 5/2020, hầu hết khách du thuyền đã về nhà. Sự tập trung thay đổi. Trong thời gian ngành du lịch tàu biển gặp khủng hoảng, các thủy thủ trên tàu phần lớn đều im lặng. Họ bị cấm tiết lộ mọi thứ theo những gì ký kết trên hợp đồng. Nhưng nhiều tháng sau đó, nhiều nhân viên vẫn bị mắc kẹt trên tàu và bị nợ lương ngay cả khi khách du lịch đã an toàn rời đi.

Vào ngày 5/5, hơn 57.000 thành viên thủy thủ đoàn vẫn ở 74 tàu trong và xung quanh các cảng của Mỹ, Bahamas và trên biển Caribbean. Hàng trăm người khác bị mắc kẹt trên các con tàu khắp các đại dương.

Nhiều nhân viên trên du thuyền cho biết họ bị xa lánh, kỳ thị vì nghề nghiệp của mình trong đại dịch. Ảnh: AFP

Nhiều nhân viên trên du thuyền cho biết họ bị xa lánh, kỳ thị vì nghề nghiệp của mình trong đại dịch. Ảnh: AFP

Caio Saldanha, một DJ đến từ Brazil làm trên tàu Celebrity Equinox, bức xúc: "Chúng tôi bị đối xử không khác gì hàng hóa". Anh và hôn thê phải ở trong một cabin chật chội, không có cửa sổ.

Còn MaShawn Morton, một nhân viên của Princess Cruise trên tàu Sky Princess, nói rằng sau khi hành khách được phép rời đi từ giữa tháng 3, thủy thủ đoàn phải tự cách ly. Ban đầu, tâm trạng của anh cùng đồng nghiệp rất tích cực bởi họ vẫn được trả lương. Nhưng khi một tháng trôi qua, họ bắt đầu tự hỏi vì sao mình không được phép rời đi. Tình hình bắt đầu tồi tệ hơn khi có báo cáo về những cuộc biểu tình từ nhân viên trên những con tàu khác, hay thậm chí có người tự tử - những thông tin được hãng du thuyền anh làm việc xác nhận.

Con tàu cuối cùng giữa biển

Ngày 8/6/2020, con tàu du lịch cuối cùng còn lênh đênh trên biển cập bến tại Đức. Đó là tàu MV Artania chở theo 8 vị khách, 75 thủy thủ đến với một thế giới đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm họ rời đi vào ngày 21/12/2019.

Đại dịch xuất hiện trên Artania vào tháng 3, khi cơ quan y tế kiểm tra con tàu cập cảng Fremantle, Australia. 36 hành khách dương tính với virus, 3 người sau đó tử vong. Những hành khách khỏe mạnh phải cách ly trên tàu cho đến khi được phép rời đi và bay về nhà vào cuối tháng 3.

8 người còn lại quyết định quay về Đức bằng đường biển. Một tin tốt lành đến với thủy thủ đoàn trước khi tàu rời Perth, Australia: hai thuyền viên nảy sinh tình cảm giữa hoàn cảnh éo le vì đại dịch đã quyết định kết hôn ngay trên tàu.

MV Artania đi đường vòng từ Australia, qua Đông Nam Á để hồi hương thủy thủ đoàn về châu Âu, cùng 8 hành khách. Ảnh: AFP

MV Artania đi đường vòng từ Australia, qua Đông Nam Á để hồi hương thủy thủ đoàn về châu Âu, cùng 8 hành khách. Ảnh: AFP

Sự trỗi dậy của những con tàu ma

Cuối tháng 6.2020, hoạt động du lịch tàu biển tạm ngừng vì dịch bệnh đồng nghĩa rằng phần lớn du thuyền "đắp chiếu" tại các cảng biển, tạo ra một khung cảnh ảm đạm đến ám ảnh - nhưng lại hút khách lạ thường. Những thành phố nổi khổng lồ trên biển bình thường chở theo hàng nghìn người như Anthem of the Seas, Jewel of the Seas và Allure of the Seas của Royal Caribbean nay trống không.

Paul Derham, một doanh nhân Anh, bắt đầu mở các tour du lịch "tàu ma" ven bờ biển quê nhà. Khách du lịch sẽ có 2,5 giờ đi thuyền trong bán kính 50 mét để quan sát một số du thuyền bỏ không. Derham đã sử dụng kiến thức sâu sắc của mình trong 27 năm hoạt động trong ngành du lịch tàu biển để chinh phục một số lượng lớn khách tham quan không thể du lịch nước ngoài vì dịch bệnh.

Ngày trở lại mong manh

Khi hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa được dỡ bỏ do các ca nhiễm giảm, một số công ty du lịch châu Âu bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến du thuyền. Ngày 16/8, MSC Grandiosa rời cảng Genoa, Italy để du ngoạn Địa Trung Hải kéo dài 7 ngày, hoạt động với khoảng 60% sức chứa 6.300 khách. Một hành khách còn tin tưởng rằng du thuyền là kỳ nghỉ an toàn nhất giữa đại dịch.

Nhưng không có gì chắc chắn, khi Covid-19 bắt kịp một số con tàu khác chỉ vừa hoạt động trở lại. Khoảng 41 thủy thủ đoàn và 21 khác dương tính nCoV sau khi lên tàu MS Roald Amundsen của Na Uy.

Mọi thứ lần nữa rơi vào bế tắc dù một số tàu du lịch châu Âu thận trọng hoạt động lại vào tháng 10. Đây cũng là lúc nhiều công ty vận tải nhận ra họ đang dư thừa tàu, báo lỗ sau nhiều tháng bị hủy tour. Nhiều hành khách bắt đầu phàn nàn về việc các công ty du thuyền giữ tiền cọc của họ ngay cả khi các chuyến đi trong tương lai không hẹn ngày khởi hành.

Không thể chịu thêm gánh nặng tài chính từ những du thuyền đứng yên, Holland America công bố kế hoạch bán 4 trong số 14 tàu của mình, bao gồm cả tàu Rotterdam nổi tiếng. Tuy nhiên, thị trường tàu du lịch không còn màu mỡ như trước đây. Thay vào đó, thị trường mua bán phế liệu lại sôi động hơn bao giờ hết. Vài du thuyền có thể đi vòng quanh thế giới trong hàng chục năm, nhưng phần lớn những con tàu bị cho "về hưu" sẽ kết thúc cuộc đời huy hoàng tại những bãi phá tàu như Gadani, gần cảng Karachi của Pakistan, hoặc Alang, Ấn Độ.

Du thuyền sang trọng thành sắt vụn vì không có khách

Khi một công ty du thuyền dừng hoạt động một con tàu mà không thể thanh lý cho doanh nghiệp nào khác, họ sẽ bán sắt vụn. Video: SCMP

Tháng 11, đại dịch diễn biến phức tạp hơn khiến các đội tàu một lần nữa bất động, đặc biệt là tại Mỹ và Caribbean. Lệnh cấm du thuyền của CDC được dỡ bỏ, nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 đem lại vẫn còn đó.

Tháng 12, các hãng tàu du lịch rục rịch mở bán những hành trình không đi đến đâu, một giải pháp tình thế giống ngành hàng không. Tuy nhiên, ngày 9/12, một hành khách, 83 tuổi, trên du thuyền "không điểm đến" Quantum of the Seas tại Singapore, dương tính nCoV. Dù kết quả xét nghiệm cuối cùng là âm tính, hãng tàu Royal Caribbean phải cắt ngắn chuyến đi vừa khởi hành từ 7/12 với 1.680 khách và 1.148 thủy thủ đoàn.

Mọi nỗ lực khôi phục thị trường du lịch tàu biển năm nay đều không đem lại trái ngọt. Ngành công nghiệp từng rất huy hoàng vẫn khắc khoải chờ đợi năm mới 2021 với vô vàn lo lắng và mông lung.


Anh Minh (Theo CNN)

Let's block ads! (Why?)