Nhà giàu Trung Quốc chi gần 54 tỷ USD mua đồ xa xỉ năm qua

Dù 2020 là năm đại dịch nhưng doanh số hàng xa xỉ ở Trung Quốc tăng đến 48% do giới giàu có tiêu tiền ngay tại quê nhà khi không thể ra nước ngoài mua sắm.

Do Covid-19, năm vừa qua đã tạo ra một thách thức mới với các gia đình giàu có ở Trung Quốc. Đó là họ không biết làm sao để chi tiêu hàng chục tỷ USD cho các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức và đồng hồ, khi không thể đi du lịch nước ngoài để mua sắm.

"Trước khi dịch bệnh bùng phát, hàng năm chúng tôi đi du lịch nước ngoài rất nhiều, thậm chí sống xa đại lục một thời gian. Năm ngoái, tôi đã chuyển sang mua sắm đồng hồ, kim cương và vàng ở trong nước nhiều hơn để bù đắp cho sự tiếc nuối vì không thể đi du lịch nước ngoài", Rachel, sống ở Thâm Quyến, cùng chồng điều hành một công ty thương mại điện tử, cho biết.

Cô này cũng cho rằng không tính toán cụ thể mình đã chi bao nhiêu cho tiêu dùng trong gia đình. "Tôi nghĩ rằng bản thân đã chi khoảng 600.000 nhân dân tệ (93.000 USD) cho các sở thích, mua sắm và du lịch trong nước", Rachel nói.

Đối với Rachel và chuyên gia công nghệ thông tin Liang Jialin sống tại Hàng Châu, ngay cả khi đại dịch xảy ra, chi tiêu cá nhân và gia đình trong năm qua của họ vẫn tương tự như năm 2019. Rachel đã mua một chiếc đồng hồ Breguet sang trọng vào năm ngoái nhân sinh nhật, trong khi Liang mua một bộ đồ sứ Flora Danica sáu chiếc của Royal Copenhagen trị giá khoảng 70.000 nhân dân tệ (11.000 USD) vào tháng trước.

"Tôi cũng thích bộ sưu tập của các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản và kinh đô đồ sứ Cảnh Đức Trấn của Trung Quốc. Tôi còn mua nhiều đồ sứ do các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc làm với giá lên tới 8.000 nhân dân tệ vì tôi đánh giá cao chúng", Liang nói.

Theo báo cáo của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company và bộ phận bán lẻ trực tuyến Tmall, doanh số bán hàng xa xỉ ở Trung Quốc đã tăng 48% trong năm ngoái lên 346 tỷ nhân dân tệ (tương đương 53,5 tỷ USD).

Thị phần của Trung Quốc trên thị trường hàng xa xỉ toàn cầu tăng gần gấp đôi, lên 20% vào năm 2020. Trong đó, ngành hàng da và đồ trang sức dẫn đầu, với mức tăng hơn 70%. Quần áo may sẵn cũng cải thiện hơn 40%. Cùng với đó, chi tiêu làm đẹp xa xỉ tăng 25% và đồng hồ cao cấp tăng 20%.

Khách hàng xếp hàng để vào cửa hàng Gucci tại Khu phức hợp mua sắm miễn thuế quốc tế Sanya, ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc ngày 27/8/2020. Ảnh: Reuters.

Khách hàng xếp hàng để vào cửa hàng Gucci tại Khu phức hợp mua sắm miễn thuế quốc tế Sanya, ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc ngày 27/8/2020. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc có 1,58 triệu gia đình có tài sản ít nhất 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD) có thể dùng đầu tư vào năm 2020. Chi tiêu hộ gia đình bình quân năm ngoái của họ là 1,75 triệu nhân dân tệ, theo "China HNWIs Quality of Life Report 2020" của Hurun.

Báo cáo cho biết, chỉ số giá tiêu dùng xa xỉ dành cho các gia đình giàu có của Trung Quốc tăng 3,4% trong năm 2020, ngược mức giảm 0,3% năm 2019. Chỉ số này đại diện cho một rổ gồm 129 hàng hóa và dịch vụ cao cấp, bao gồm bất động sản, y tế và quản lý nhà, giáo dục, du lịch, đồng hồ và đồ trang sức, phụ kiện và chăm sóc da, ôtô, du thuyền và máy bay phản lực kinh doanh, giải trí, thuốc lá, rượu, trà và tiệc cưới.

Các trung tâm mua sắm cao cấp, khách sạn và ngành công nghiệp ôtô trong nước cũng cho biết đang chứng kiến sự phục hồi đáng kể vào nửa cuối năm ngoái, khi tầng lớp trung và thượng lưu tìm cách tiêu tiền ngay tại quê nhà khi không thể ra nước ngoài tiêu xài.

Tại đảo Hải Nam, doanh số bán hàng miễn thuế đạt 19,99 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) năm 2020, tăng 191,6% so với cùng kỳ 2019. Vào tháng 6/2020, Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch biến Hải Nam thành một 'thương cảng tự do' tương tự như Hong Kong. Họ đang tôn tạo hòn đảo này như một thiên đường mua sắm trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của nó và giữ cho chi tiêu tiêu dùng ở lại trong nước.

Và tháng 7 năm ngoái, Hải Nam đã tăng hạn ngạch miễn thuế cho người mua sắm từ các nơi khác trên đại lục từ 30.000 nhân dân tệ (4.634 USD) lên 100.000 nhân dân tệ mỗi người mỗi năm và mở rộng danh mục hàng hóa miễn thuế bao gồm các sản phẩm điện tử và rượu.

"Do ảnh hưởng của đại dịch, SKP đã thu hút nhiều người tiêu dùng từng mua sắm những thứ xa xỉ phẩm cao cấp ở nước ngoài," Xie Dan, Phó tổng giám đốc công ty chuyên kinh doanh hàng xa xỉ SKP, cho biết.

Doanh số bán xe hạng sang của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm ngoái cũng vượt quá 3 triệu chiếc, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Hiệp hội các đại lý ôtô Trung Quốc.

"Có vẻ khá chắc chắn rằng chúng tôi vẫn sẽ không thể ra nước ngoài trong năm nay. Vì vậy, tôi có thể chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch và ôtô được thiết kế riêng ở đại lục. Và đây vẫn sẽ là khoản chi lớn nhất ngay cả khi tôi có thể mua sắm và đi du lịch nước ngoài", Liang nói thêm.

Cửa hàng bách hóa SKP Bắc Kinh, trung tâm mua sắm thời trang cao cấp và sang trọng nhất quốc gia này, dự kiến đạt doanh thu khoảng 17,5 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, đẩy tốc độ tăng trưởng doanh thu trong năm nay lên khoảng 15%.

Phiên An (theo SCMP)

Let's block ads! (Why?)