Khách Tây mở sạp áo phông khi mắc kẹt ở Việt Nam

Hà NộiĐặc trưng của Hà Nội như dây điện chằng chịt, bia hơi, điếu cày... được họa sĩ người Đức khắc họa trên những chiếc áo độc nhất.

Heiner Darrau, 32 tuổi, là một họa sĩ tranh minh họa người Đức. Ba năm qua, anh đi qua nhiều điểm đến ở Pháp, Bỉ, Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam... Mỗi nơi, anh đều ngồi lại bất kỳ đâu trên đường phố, phác họa những hình ảnh thú vị, đại diện cho quốc gia, miền đất đó trong mắt một du khách.

Họa sỹ Đức đi du lịch và vẽ lại những điều anh cho là ấn tượng nhất tại quốc gia đó. Ảnh: NVCC

Heiner Darrau, họa sĩ Đức, đi du lịch và vẽ lại những điều anh cho là ấn tượng nhất tại mỗi quốc gia. Ảnh: NVCC

Heiner từng đến Việt Nam lần đầu vào 2016, 2017, sau đó ở lại đây từ tháng 3/2020 đến nay do Covid-19. Trong thời gian "kẹt" tại Việt Nam, anh chuyển dự án "Heiner Darrau Travel and Draw" (Đi và vẽ) thành "Heiner Darrau Travel, Draw and Printing" (Đi, vẽ và in). Anh muốn biến những bức vẽ của mình thành đồ handmade, để mọi người có thể sử dụng hoặc giữ làm kỷ niệm. Vì vậy, những chiếc áo in được lựa chọn. Không chỉ lan tỏa dấu ấn cá nhân rộng rãi hơn, chúng còn là cách anh bày tỏ tình yêu mến với mảnh đất và con người Việt Nam.

Mỗi chiếc áo đều được Heiner làm thủ công từ bước vẽ đến in ấn. Anh vẽ bằng bút mực trên giấy lụa trước, sau đó căng lên khuôn, đổ mực, dập hình lên áo. Mặt sau có ghi ngày giờ hoàn thành, tượng trưng cho ngày ra đời của chiếc áo, thể hiện bản quyền và đánh dấu khoảnh khắc không thể có lại lần hai.

Địa điểm Heiner vẽ nhiều nhất là Hà Nội. Không phải danh lam thắng cảnh, anh vẽ bất cứ thứ gì mình tình cờ thấy từ dây điện chằng chịt, điếu cày, xe máy đến biển hiệu hoặc vài gương mặt thoáng qua. "Tôi thích kiến trúc ngẫu nhiên ở đây, có sự tương phản giữa cũ và mới, còn văn hóa đặc biệt kỳ lạ so với bất kể nơi nào tôi từng đi qua", anh chia sẻ.

Nhìn qua những tác phẩm của chàng họa sĩ Đức, nhiều người liên tưởng tới tranh doodle (dòng tranh vẽ nguệch ngoạc bằng trí tưởng tượng cá nhân). Thực chất, nó mang âm hưởng nghệ thuật graffiti với quy luật riêng, dựa trên những thứ Heiner trực tiếp nhìn thấy khi đi qua mỗi quốc gia. Anh vẽ theo mạch nhất định từ trung tâm tỏa ra, sau đó gập lại vẽ tiếp tạo thành một sắp đặt liền mạch lặp đi lặp lại.

"Bạn sẽ thấy những hình ảnh rất quen thuộc được lấy từ đường phố và càng nhìn thì bạn càng không biết điểm bắt đầu, kết thúc ở đâu. Nó giống như một bức tranh phong cảnh bất tận", Heiner chia sẻ.

Sản phẩm mới được mở bán lần đầu tại hội chợ Giáng sinh tại Royal City, ghi nhận sự ủng hộ của nhiều người dân. Vũ Huy Hoàng, 36 tuổi, ở Cầu Giấy, tin rằng đây là một cách hay để lưu giữ khoảnh khắc trên đường du lịch. "Góc nhìn của họ rất sáng tạo và tôi nghĩ mình có thể mặc chiếc áo này khoe bạn bè quốc tế mà không cần nói gì thêm", anh nói.

Mỗi chiếc áo trắng Heiner vẽ có 2 phiên bản: màu đen và màu loang, giá từ 290.000 đến 490.000 đồng. Để tạo ra áo màu loang, Heiner sử dụng kỹ thuật in lụa thử nghiệm (experimental screen printing). Cách in này không khó hơn bình thường nhưng mất nhiều công sức hơn vì anh phải thao tác hoàn toàn bằng tay, để mỗi lần in áo mang một màu sắc, vết loang độc nhất. Vì thế, áo loang bản đẹp có thể có giá đến hơn một triệu đồng và chỉ ai đặt hàng riêng Heiner mới làm.

Khách Tây mở sạp áo khi mắc kẹt ở Việt Nam

Quá trình in áo của Heiner. Video: NVCC

Trong thời gian ở lại Việt Nam, Heiner có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Họa sĩ nhớ về những lần bị đội trật tự "hỏi thăm", người đi đường dò xét khi anh ngồi vẽ bên đường. Đây cũng là thành phố đầu tiên khiến anh hoảng sợ vì phải tự lái xe máy ngoài đường, đi bộ giữa đêm, bị trộm điện thoại và đòi tiền chuộc... Đặc biệt, anh thấy đồ ăn Việt Nam rất ngon dù không biết đánh vần tên món nào.

Chàng trai Đức còn nhận thấy phụ nữ Việt có những trang phục kỳ lạ như áo chống nắng với hoa văn gần giống tranh của mình. "Đây là loại trang phục kén người mặc, không phải phụ nữ Đức nào cũng dám mặc ra đường nhưng phụ nữ ở đây rất tự tin mang trên người, cứ như một ‘văn hóa đường phố’ vậy", anh phấn khích nói.

Ngọc Diệp

Let's block ads! (Why?)