Doanh nghiệp muốn giải toả hàng nghìn container vô chủ ở cảng

​Để đối phó tình trạng khan hiếm container rỗng có thể kéo dài, các hãng tàu đề xuất cơ quan chức năng giải toả hàng nghìn container vô chủ ở cảng.

Tại cuộc họp về việc tăng giá cước vận tải đường biển mới đây, các hãng tàu đánh giá tình trạng thiếu container rỗng có thể kéo dài đến hết tháng 3, thậm chí hết quý II/2021 nếu Covid-19 chưa chấm dứt. Để ứng phó với tình trạng này, các hãng tàu đề xuất cơ quan chức năng giải quyết tình trạng hàng nghìn container vô chủ tồn đọng ở cảng để lấy nguồn container rỗng.

Container vô chủ là những kiện hàng không có doanh nghiệp hoặc người nhận đến lấy, hoặc chủ hàng từ bỏ hàng hoá do vi phạm diện cấm nhập khẩu. Tính đến hết tháng 10, Tổng cục Hải quan cho biết, có khoảng hơn 3.300 container phế liệu vô chủ tồn đọng từ hơn 90 ngày trở lên tại các cảng biển.

Các doanh nghiệp vận tải cũng lý giải, do ảnh hưởng Covid-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ gần đây cũng tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng. Một số hãng tàu cho biết, số chuyến đi từ Việt Nam không hề bị cắt giảm, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng nên dẫn tới tình trạng đội giá container hiện nay.

Khu cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức), tháng 9/2020. Quỳnh Trần.

Khu cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức), tháng 9/2020. Quỳnh Trần.

Theo đó, giá thuê phương tiện này liên tục tăng trong hơn 3 tháng trở lại đây, theo các chủ hàng thuộc các ngành thuỷ sản, nhựa và gỗ. Từ mức tăng ban đầu chưa đến 1.000 USD mỗi container 40 feet, nay đã đội lên gấp 8 lần, thậm chí là 10 lần tuyến Việt Nam – Anh.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), việc tăng giá cước vận tải lên gấp 3-4 lần gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ngành nhựa, khiến giảm doanh số xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp nhựa đang bán hàng gần như không lợi nhuận nhưng lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm, số lượng hàng tồn kho hiện nay so với thời điểm này năm ngoái lên đến 50%.

Thậm chí, bà Mỹ cho biết, một doanh nghiệp Ấn Độ trong khu công nghiệp Việt Nam – Singapore chuyên sản xuất sợi xuất khẩu đã tuyên bố đóng cửa nhà máy cuối năm ngoái. Nguyên nhân là giá cước vận tải biển quá cao tác động đến xuất khẩu và chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn rẻ như trước.

"Hiệp hội kiến nghị Cục Hàng hải xem lại cách tính cước của các hãng tàu và trong thẩm quyền phối hợp với các cơ quan khác tiến hành thanh tra, kiểm tra lại giá cước vận chuyển", bà nói. Đồng thời VPA cũng đề xuất xem xét lại chính sách đã ban hành, bởi hiện nay chưa có quy định, chế tài cụ thể về việc niêm yết giá vận tải biển container. Điều này nhằm tránh lặp lại tình trạng tăng giá 400% như hiện nay.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng tăng giá bất hợp lý của các hãng tàu, Cục đã có văn bản đề nghị hãng tàu thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá. Đồng thời, Cục Hàng hải và Cục Xuất nhập khẩu đã có cuộc gặp các hãng tàu, chủ hàng và hiệp hội tại khu vực phía Bắc vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần, các hãng tàu vẫn chưa có văn bản báo cáo gửi về Cục.

"Tôi cho rằng việc giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng là cung cầu của thị trường nhưng các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu của Cục Hàng hải trong việc minh bạch giá. Riêng với các đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng... chúng tôi sẽ có những cân nhắc phù hợp", ông nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận xét, quan hệ giữa chủ tàu, chủ hàng là phụ thuộc lẫn nhau. Theo đó, các hãng tàu cần minh bạch giá cước, chia sẻ chi phí với chủ hàng để tránh tăng giá quá cao. "Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị cho tình hình thiếu container còn có thể kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế ở nhiều nơi trên thế giới. Từ đó, doanh nghiệp có kế hoạch trao đổi với đối tác giãn tiến độ giao hàng, đồng thời nghiên cứu việc vận chuyển sang châu Âu bằng đường sắt để tránh phụ thuộc vào đường biển.

Đức Minh

Let's block ads! (Why?)