Chẳng may chuyển nhầm tiền cho người lạ, nhiều khách hàng dù đã biết thông tin người nhận cũng không lấy lại được tiền vì những lý do tréo ngoe.
Hai tháng trước, anh Lê Minh Tự (ngụ tại TP HCM) chuyển nhầm 57 triệu đồng cho một chủ tài khoản Vietcombank có tên Hoàng Minh Hiếu - cùng tên nhưng khác họ với người cần nhận.
Anh gọi lên ngân hàng và làm truy soát giao dịch nhưng tới nay vẫn chưa thể lấy lại tiền vì "ngân hàng không liên lạc được với người nhận". Qua trao đổi với nhân viên ngân hàng, anh được biết số tiền vẫn nằm nguyên trong tài khoản. Người nhận thậm chí không dùng Internet Banking nên nhiều khả năng cũng chưa biết tới sự tồn tại của số tiền này.
Bằng mối quan hệ riêng, anh có được họ tên, địa chỉ và số điện thoại người nhận. "Nhưng gọi thì thuê bao cả tháng trời không liên lạc được, tôi đoán người ta đã không còn dùng số điện thoại này. Tôi cũng chưa tìm đến gặp trực tiếp được vì mình làm việc tại TP HCM nhưng địa chỉ người nhận thì lại ở tận Hà Nam", anh cho hay.
Không riêng anh Tự, giới ngân hàng cho biết, đã có hàng loạt vụ khách hàng chuyển nhầm tiền cho người lạ nhưng sau đó mãi không lấy lại được tiền chỉ vì "tài khoản người nhận bị bỏ không". Ngân hàng không liên lạc được với khách vì tài khoản người nhận lâu ngày không giao dịch, điện thoại cung cấp cho nhà băng cũng không còn sử dụng....
Cũng vào tháng 10/2020, một chủ tài khoản Ngân hàng Á Châu (ACB) mở tại Hà Tĩnh chuyển nhầm 250 triệu đồng sang tài khoản của người lạ mở tại Ngân hàng Quân đội (MB) chi nhánh Hà Nam. Lần này, người chuyển tiền liên hệ được với người nhận nhưng không may họ nói đang ở nước ngoài và họ cũng không có thiện chí trả lại tiền.
Ông Đậu Bá Hoan, Giám đốc ACB Hà Tĩnh xác nhận với VnExpress, khách hàng này dùng dịch vụ mobile banking để giao dịch nhưng không may nhầm lẫn và đã làm đơn truy soát gửi ngân hàng. ACB Hà Tĩnh đã gửi yêu cầu rà soát sang MB. Hiện số tiền chuyển nhầm vẫn đang ở trong tài khoản MB, chưa giao dịch.
Ông cũng cho biết đại diện MB cũng thông báo đã liên hệ với người được nhận tiền, song họ đang ở nước ngoài và cũng chưa có thiện chí trả lại tiền. "Với trường hợp này, chúng tôi đã hướng dẫn khách hàng nộp đơn lên công an để họ đứng ra giải quyết", ông Hoan nói.
Quy định hiện nay không cho phép ngân hàng tiết lộ thông tin cá nhân của người nhận cho người chuyển tiền và cũng không được phép can thiệp tài khoản người nhận, tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận. Hay nói cách khác, ngân hàng cũng chỉ có thể hỗ trợ người chuyển tiền nhầm bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền.
Để tránh những bất cập này, trong Dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất cho phép nhà băng phong tỏa tài khoản người nhận nếu người chuyển tiền sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tiền chuyển nhầm. Tuy nhiên, Nghị định chính thức đến nay vẫn chưa được ban hành nên việc lấy lại tiền cho người chuyển nhầm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi chờ quy định mới từ phía Ngân hàng Nhà nước, luật sư Nguyễn Văn Phi, Phó giám đốc Công ty luật LawKey cho biết, người chuyển tiền nhầm có thể khởi kiện dân sự hoặc báo công an để lấy lại tiền.
Người chuyển tiền nhầm có thể khởi kiện dân sự nếu xác định được thông tin cá nhân của người nhận. Nếu không liên lạc được cũng như không có thông tin người nhận hoặc nhận thấy họ cố tình không hoàn trả, người chuyển nên báo công an đề nghị hỗ trợ. Người nhận tiền cố tình không hoàn trả có thể bị truy cứu trách nhiệm trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Trên thực tế, cũng đã có trường hợp người nhận tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự do cố tình không hoàn trả tiền. Tuy nhiên, việc tố giác và kiện tụng trước nay vẫn được xem như là giải pháp bất đắc dĩ. Với số tiền không quá lớn cũng như tâm lý e ngại phiền hà thời gian thủ tục, đa phần người chuyển tiền nhầm vẫn thường phải chấp nhận mất đi số tiền do sơ suất, nếu người nhận cố tình không hoàn trả hoặc không liên lạc được với họ.
Quỳnh Trang - Đức Hùng