Lời cuối của phi công trước khi máy bay rơi

Trên một chiếc máy bay sắp rơi, những lời trăn trối của phi công thường được ghi lại mãi mãi.

Máy ghi âm đặt trong buồng lái là một trong những thứ quan trọng nhất còn sót lại sau một vụ tai nạn máy bay. Dưới đây là một số lời nói sau cùng gây ám ảnh nhất từ buồng lái, thể hiện sự hoảng loạn, bối rối và đôi khi là sự chấp nhận từ tổ bay trong những phút giây cuối cùng.

Một trong hai bộ phận tạo nên hộp đen của máy bay là máy ghi âm đặt trong buồng lái. Chúng có tác dụng ghi lại các cuộc trò chuyện của phi hành đoàn và cảnh báo trên những chiếc máy bay gặp nạn, giúp các nhà điều tra xác định được chuyện gì đã xảy ra. Ảnh: How Stuff Work

Một trong hai bộ phận tạo nên hộp đen của máy bay là máy ghi âm đặt trong buồng lái. Chúng có tác dụng ghi lại các cuộc trò chuyện của phi hành đoàn và thông tin cảnh báo, giúp các nhà điều tra xác định được chuyện gì đã xảy ra trên những chiếc máy bay gặp nạn. Ảnh: How Stuffs Work

"Mayday, mayday, mayday"

Đại dịch khiến ngành hàng không thế giới đình trệ. Nhưng 2020 lại là một trong những năm ghi nhận vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất lịch sử. Đó là chuyến bay mang số hiệu PK8303 của hãng hàng không Pakistan International Airlines, gặp nạn tại Karachi vào tháng 5.

Nhà chức trách Pakistan kiểm tra hiện trường vụ tai nạn máy bay tại một khu dân cư ở Karachi. Ảnh: AFP

Nhà chức trách Pakistan kiểm tra hiện trường vụ tai nạn máy bay tại một khu dân cư ở Karachi. Ảnh: AFP

Cuộc trao đổi cuối cùng của phi công với kiểm soát không lưu là về chiếc Airbus A320 đang gặp sự cố động cơ: "Chúng tôi đang quay trở lại, thưa ngài, chúng tôi đã mất hai động cơ. Thưa ngài, mayday, mayday, mayday Pakistan 8303". Mayday là mã hiệu quốc tế được sử dụng như một tín hiệu cấp cứu trong liên lạc thông tin qua sóng radio. Từ này được mượn từ thuật ngữ tiếng Pháp venez m'aider có nghĩa là "Hãy đến giúp tôi".

Và sau đó là sự im lặng kéo dài vĩnh viễn. 97 người trên máy bay thiệt mạng, hai người sống sót sau khi máy bay mất hai động cơ và lao xuống một khu dân cư sau nhiều lần hạ cánh bất thành xuống sân bay quốc tế Jinnah.

Mohammad Zubair, người may mắn sống sót trong thảm họa, nói rằng lời cuối anh nghe được từ phi công trước khi máy bay rơi là thông báo về trục trặc động cơ và "khó khăn" khi hạ cánh.

"Chúng ta chết chắc"

Tháng 6/2009, tất cả 228 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay 447 của Air France từ Rio de Janeiro, Brazil đến Paris, Pháp thiệt mạng khi máy bay lao xuống Đại Tây Dương.

Trong nhiều năm, nguyên nhân của vụ tai nạn được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử Air France vẫn là một bí ẩn. Các bản ghi âm buồng lái sau đó cho thấy sự hỗn loạn, phi công có kinh nghiệm đang ngủ và để một tân binh phụ trách khi trục trặc kỹ thuật xảy ra. Thời điểm cơ trưởng kiểm soát buồng lái, mọi thứ đã quá muộn.

"Chúng ta đang rơi. Điều đó không đúng, nhưng chuyện gì đang xảy ra vậy?", cơ phó David Robert hét lên khi cơ phó tập sự Pierre-Cedric Bonin vật lộn để điều khiển máy bay.

Khi chuông báo động liên tục vang lên, một giọng nói vang lên: "Chúng ta chết chắc". Cuối cùng là những lời nói của cơ trưởng Marc Dubois với giọng lạnh lùng và bình tĩnh: "Nghiêng 10 độ". Hai giây sau đó, máy bay lao xuống vùng biển ngoài khơi Brazil, với vận tốc 200km/h.

Hải quân Brazil thu hồi các mảnh vỡ của máy bay Air France

Hải quân Brazil thu hồi các mảnh vỡ của máy bay Air France. Ảnh: AP

"Allahu Akbar"

Một trong những thảm kịch hàng không tồi tệ nhất gần đây là vụ rơi máy bay của Lion Air xuống biển Java, ngoài khơi Indonesia vào tháng 10/2018. 189 người trên khoang đều thiệt mạng.

Sáu tháng sau vụ tai nạn, đoạn ghi âm trong buồng lái được tiết lộ. Vào những khoảnh khắc cuối cùng, các phi công cố gắng tìm hiểu tại sao máy bay lại gặp trục trặc. Các nguồn tin cho biết cơ trưởng, người đang cầm lái, yêu cầu cơ phó xem sổ tay để biết danh sách các sự kiện bất thường.

Chín phút tiếp theo, các phi công vẫn bình tĩnh khi cố gắng điều khiển máy bay. Trong những giây cuối cùng, cơ trưởng người Ấn Độ im lặng và cơ phó đến từ Indonesia nói "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại).

"Mẹ, con yêu mẹ"

Tháng 9/1978, chuyến bay 182 của Pacific Southwest Airlines (PSA) va chạm với một máy bay hạng nhẹ Cessna khi đang hạ độ cao để đáp xuống sân bay Lindbergh Field (nay là sân bay quốc tế San Diego, Mỹ). 135 trên máy bay cùng 2 người trên chiếc Cessna và 7 người trên mặt đất thiệt mạng.

Đoạn ghi âm từ máy bay của PSA cho thấy cơ trưởng hỏi: "Có chuyện gì vậy?". Cơ phó trả lời: "Va chạm, chúng ta bị đâm rồi". Sau đó, cơ trưởng liên lạc với kiểm soát không lưu để thông báo máy bay đang rơi. Lời cuối cùng cơ trưởng nói trước khi máy bay gặp nạn là: "Mẹ, con yêu mẹ".

Chiếc Pacific Southwest Airlines bốc cháy sau khi va chạm với một máy bay hạng nhẹ trên bầu trời nước Mỹ. Ảnh: News

Chiếc Pacific Southwest Airlines bốc cháy sau khi va chạm với một máy bay hạng nhẹ trên bầu trời nước Mỹ. Ảnh: News

"Chúc ngủ ngon, tạm biệt, chúng ta sẽ chết"

Chuyến bay số hiệu 5055 của hãng hàng không Ba Lan Polish Airlines LOT với 183 hành khách và phi hành đoàn cất cánh từ sân bay Frederick Chopin, Warsaw, đến sân bay quốc tế Kennedy, New York, Mỹ vào ngày 9/5/1987. Nhưng nó đã không bao giờ có thể rời khỏi Ba Lan. Khoảng 30 phút sau khi động cơ đầu tiên nổ, máy bay hạ cánh xuống rừng Kabaty ở ngoại ô Warsaw.

Bản ghi âm buồng lái cho thấy tổ bay thảo luận về các lựa chọn của họ với kiểm soát không lưu. Quyết định cuối cùng được đưa ra là thử hạ cánh xuống Warsaw, nhưng máy bay không thực hiện được. Những lời cuối cùng kinh hoàng của cơ trưởng chính là: "Chúc ngủ ngon, tạm biệt, chúng ta sẽ chết".

Anh Minh (Tổng hợp)

Let's block ads! (Why?)