Quý III, giao dịch các tài sản văn phòng, trung tâm bán lẻ, khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương giảm mạnh 35-87% so với cùng kỳ.
JLL vừa công bố báo cáo thị trường đầu tư tài sản với lượng giao dịch bất động sản tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục xu hướng giảm sâu do tác động nặng nề của đại dịch. Toàn khu vực ghi nhận giao dịch văn phòng giảm 35%, trong khi giao dịch bất động sản bán lẻ và khách sạn rớt 51-87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có nhiều giao dịch hơn nhờ một số hoạt động kinh tế bắt đầu được mở cửa trở lại, song chỉ số phục hồi đầu tư vẫn chưa thể cải thiện ngay. Tại Trung Quốc, chỉ số phục hồi đầu tư quý III giảm 10% theo năm, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt giảm 2-18% so với cùng kỳ. Hoạt động đầu tư ở Australia, nơi vừa trải qua mùa đông khó khăn kiểm soát đại dịch đã giảm 45% theo năm và Hong Kong cũng giảm đến 27%.
Dù giao dịch của nhóm tài sản thương mại vẫn ảm đạm, bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong quý III, thị trường đầu tư bất động sản công nghiệp hoạt động mạnh mẽ với lượng giao dịch tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được thúc đẩy bởi các giao dịch về trung tâm dữ liệu và hậu cần. Các tài sản này lần lượt chiếm 70% và 31% giao dịch tại Nhật Bản và Trung Quốc.
Covid-19 tuy làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do đây được xem là điểm nóng công nghiệp mới nổi ở khu vực. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư vào mảng trung tâm dữ liệu và hậu cần.
Theo đánh giá của JLL, Việt Nam vẫn đang có nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư trong nước có danh mục phát triển quy mô lớn, hiệu suất sinh lợi cao. Thị trường Việt Nam cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường còn non trẻ và đang phát triển. Dù các giao dịch này vẫn trong giai đoạn được đàm phán và rà soát pháp lý. Đây vẫn là yếu tố tích cực bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của đất nước và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý kế tiếp.
Thống kê của đơn vị này cho thấy, hoạt động đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương có dấu hiệu phục hồi trong quý III với 35 tỷ USD giao dịch trực tiếp được cam kết trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2020. Lượng giao dịch đã phục hồi 35% so với quý trước, dù vẫn còn thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Tín