Chưa điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu năm 2021

Quốc hội thống nhất chưa điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu năm 2020 và 2021 do ngân sách chưa cân đối được nguồn.

Chiều nay (12/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Trong đó, Quốc hội thông qua việc chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo trong năm tới. Điều này cũng được thực hiện trong năm 2020, nhằm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Giải trình ý kiến của đại biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết lý do chưa điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu là do "chưa cân đối được nguồn để thực hiện".

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, thu ngân sách năm 2020 hụt khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán, dự toán thu cân đối ngân sách năm 2021 giảm trên 170.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Năm tới, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, đồng thời tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển.

Về mục tiêu cụ thể, dự toán tổng số thu ngân sách năm tới là hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tổng số chi hơn 1,68 triệu tỷ đồng. Theo đó, mức bội chi ngân sách năm tới khoảng 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.

Với lo ngại của đại biểu về việc ngân sách vay nhiều, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đã chạm trần, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách đồng tình thực trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, ông Hải cũng thông tin, con số nợ công vẫn chưa vượt mức trần mà Quốc hội cho phép.

Nguyên nhân của khả năng vượt ngưỡng có thể kể đến là tình hình thu năm 2020, 2021 dự báo gặp nhiều khó khăn, nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi tăng cao một số năm, chủ yếu do nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu phát hành trong giai đoạn trước đến hạn trả nợ.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại nợ thông qua việc đa dạng kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành kỳ hạn dài và thực hiện hoán đổi trái phiếu trong danh mục nợ để góp phần giãn nghĩa vụ trả nợ gốc.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)