Nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho các nước ASEAN đã được các chuyên gia chỉ ra giữa những bất trắc do Covid-19 mang đến.
Do Covid-19, thế giới đang đối mặt với cuộc suy thoái nặng nề. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS 2020) sáng 13/11, ông Anger Gurria - Tổng Thư ký OECD đánh giá GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 4,5% trong năm 2020. Khối ASEAN dự kiến giảm 4,23%.
ASEAN cũng đối diện nhiều bất trắc dù đã sử dụng nhiều biện pháp ngăn ngừa, theo TS Aladdin D.Rillo, Phó tổng thư ký của khối. "Rủi ro do Covid-19 mang đến là rất cao, chúng ta chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới chấp dứt hoàn toàn", ông nói và nhấn mạnh nhiều nước trong khu vực đã bị tác động tiêu cực, tăng trưởng giảm mạnh, thậm chí đạt âm trong thời gian qua.
Trước những thách thức này, lãnh đạo của các nước trong khối đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục, giảm bớt những thiệt hại, dần đưa nền kinh tế trong khu vực bình thường. Theo ông Aladdin, trước đó một ngày, tại Hội nghị toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo các nước đã đồng thuận với một số giải pháp như thành lập quỹ ứng phó Covid-19, hỗ trợ trong vấn đề thiết bị, y tế hay thông qua khung khổi về hành lang trong khu vực ASEAN để phục hồi, kích thích các hoạt động kinh tế.
Ông Aladdin nhấn mạnh đến tính hợp tác giữa các nước trong khu vực ASEAN như là một nhân tố quan trọng giúp khối nhanh chóng vượt qua khủng hoảng. Ngoài ra, ông còn lưu ý đến dành nguồn lực khôi phục những nhóm ngành quan trọng, có những hoạt động kinh tế mạnh mẽ để bù đắp những mất mát do Covid-19 gây ra.
Nhưng ngoài những thách thức, đại dịch Covid-19 cũng khiến các quốc gia trong ASEAN có cơ hội thay đổi để vừa thích nghi, vừa phát triển.
GS Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, các nước đang có điều kiện bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số, dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó còn là cơ hội để tiếp tục hướng về con người nhiều hơn.
"Đại dịch là cơ hội để chúng ta chú trọng nhiều hơn tới sức khỏe người dân, tới hệ thống y tế, giáo dục", ông nói.
Ông Robert E Moritz, Chủ tịch PwC International Limited nhận xét, các nước trong ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, đã khống chế dịch vô cùng hiệu quả. Các nền kinh tế trong khối vì thế đã dần mở cửa lại. Tuy nhiên, ông cho rằng ASEAN phải tập trung vào một số điểm như thương mại đầu tư, nắm bắt xu hướng đa dạng hoá chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn. Các nước phải cân đối rủi ro, cân đối cán cân thương mại, tiền tệ để tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, tương tự GS Hidetoshi, ông Robert cũng đặc biệt lưu ý đến việc phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong khu vực vì điều này đảm bảo phát triển bền vững cũng như mục tiêu tăng trưởng của khối.
"Chúng ta có thể đạt được 400 triệu người sử dụng Internet trong khu vực, nó mang lại cơ hội việc làm, đối tác kinh doanh, nhà cung cấp, nhà đầu tư, doanh nghiệp, liên chính phủ", ông nói.
Còn bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho rằng ASEAN có thể nắm bắt được cơ hội từ xu hướng dịch chuyển của các nhà máy lớn trên thế giới, trở thành một trung tâm sản xuất mới.
Để làm được điều này, bà Nga nhận định cần thiết lập những ưu đãi liên khối dành cho các nhà đầu tư. "Tôi mong muốn không có cạnh tranh nội bộ giữa các nước ASEAN. Điều này làm cho khối chúng ta trở thành ‘One ASEAN’, giúp tăng tính cạnh tranh, sức hút với các khối khác trên toàn cầu", bà nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch BRG cũng đề nghị các nền kinh tế cùng xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt trong toàn khối ASEAN. "Việc này rất cần các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau dựa vào thế mạnh của mình. Chính công dân trong khu vực vừa là lao động, vừa là khách hàng trong chuỗi", bà nói.
Phương Ánh