ItalyVào mùa lụt, nước tràn qua quảng trường St. Mark, biến điểm du lịch hút khách này thành hồ nước lớn cho những con mòng biển bơi lội.
Tại vương cung thánh đường có tuổi đời hàng thiên nhiên kỷ gần đó, nước lũ vẫn còn xâm xấp trong hầm mộ sau một ngày dùng máy bơm hút nước ra ngoài. Xung quanh các khu vực nhộn nhịp nhất của thành phố, nước tràn vào các cửa hàng cà phê, thấm vào hành lang các khách sạn và để lại mùi như nước thải sau khi rút đi.
Nhân viên quét nước ra khỏi các cửa hàng, kiểm kê thiệt hại. Một số điểm du lịch đóng cửa. Khách du lịch xếp hàng di chuyển trên các lối đi bộ hẹp mà chính quyền dựng lên cao hơn so với mực nước ngập tại một số điểm du lịch. Cảnh sát nhắc nhở liên tục những du khách dừng lại để chụp ảnh "tự sướng" trong nước lũ.
Đó là những gì mà người dân Venice đã quen thuộc trong nhiều năm nay, khi nơi đây bắt đầu vào mùa lụt mà người dân hay gọi là Acque alte - kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3.
Nhìn bề ngoài, nhiều du khách nghĩ rằng Venice có thể phục hồi nhanh chóng, ngay cả sau những trận lụt thảm khốc nhất. Đó là lý do khách du lịch vẫn đổ xô tới đây trước dịch, bất chấp khi đó thành phố đang ngập đến gối. Họ vẫn xếp hàng để mua bánh, nhiều người chụp ảnh khi đứng trong nước lũ và vẫn có các cặp đôi tới đây để chụp ảnh cưới.
Nhưng người dân thì không cảm thấy vui vẻ trước những gì mình trải qua. Việc thành phố đối mặt với lũ lụt lặp đi lặp lại nhiều năm gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, các tác phẩm nghệ thuật, kiếm trúc quý giá của thành phố. Và trên hết, cuộc sống của người dân luôn khó khăn và bất tiện.
Flavia Feletti, 77 tuổi, người sống ở đây suốt 60 năm qua, cho biết mình đã khóc, dù du khách vẫn thi nhau chụp ảnh. "Tôi e rằng chẳng còn giải pháp nào. Tôi ra ngoài vào ngày hôm sau trận lụt, thành phố lúc đó trông chẳng khác gì một đám tang", ông nói.
Venice phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ thứ 5 bằng cách chế ngự các vùng nước xung quanh nó. Trong những thập kỷ gần đây, ngay cả khi mực nước biển dâng cao đe dọa nhấn chìm đất liền, nhiều người dân Venice tin rằng chính quyền vẫn tìm ra cách để phát triển, tồn tại. Nhưng những trận lụt lớn vào cuối năm 2019 khiến 85% diện tích thành phố chìm trong biển nước, đã khiến niềm tin đó lung lay.
Với những cư dân lớn tuổi, trận lụt năm 2019 khiến họ nhớ về trận lụt kỷ lục năm 1966. Với họ, trận lụt lịch sử đó là một nỗi đau, ký ức về nó tồi tệ không khác chiến tranh. Lũ lụt tuần này chỉ thấp hơn mốc đó 7 cm.
Maurizio Calligaro, 65 tuổi, cảm nhận của mình về việc đối mặt với những trận lụt: "Về mặt tâm lý, đó là một cú đánh".
Thành phố đang có nguy cơ chìm xuống và biến mất trong vòng một thế kỷ nữa, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia. Điều này không chỉ đơn giản là thế giới mất đi một điểm du lịch nổi tiếng, mà hơn 50.000 người sinh sống ở đây không còn chốn dung thân.
Aline Cendon, 52 tuổi, cho biết sau trận lụt năm 1966, nhiều người dân đã rời Venice. "Có quá nhiều du khách so với cư dân ở đây. Một thị trấn, một thành phố, mà không có người ở, thì sẽ còn lại gì? Nó mất đi bản chất của chính mình", Cendon cho hay.
Vladimiro Cavagnis, một người lái thuyền gondola bi quan về việc Venice rồi sẽ kết thúc giống Atlantis. Nhiều người e ngại rằng, việc Venice chìm dưới nước chỉ là sự khởi đầu. Nhiều thành phố châu Âu tiếp tục nối dài danh sách đó.
Trong nhiều thế kỷ, thành phố đã chuyển hướng dòng chảy các con sông để bảo vệ đầm phá, mở rộng các công trình chắn lũ. Nhưng hiện nay, mực nước biển vẫn dâng cao vài mm mỗi năm.
Tuy vậy, mọi thứ đỡ hơn phần nào vào mùa lụt năm nay, khi chính quyền thành phố cho thử nghiệm các rào chắn lũ để cản thủy triều. Ngày 3/10 được nhiều người coi là ngày lịch sử, đánh dấu cột mốc thành phố không còn ngập trong biển nước nhờ hệ thống chắn lũ.
Hệ thống rào cản trị giá 6 tỷ euro này được gọi là Moses, gồm 78 tấm chắn lũ lắp dưới đáy biển tại ba lối vào chính của đầm phá. Khi triều lên, những tấm chắn này cũng dâng theo, tạo thành con đập ngăn nước biển Adriatic tràn vào thành phố. Moses mới chỉ là bước đầu trong việc bảo vệ thành phố và đầm phá. Chính quyền tiếp tục thực hiện dự án nâng vỉa hè ở những nơi thấp trong thành phố, cũng như tạo các bức tường phòng thủ kiên cố gần các hàng rào ngăn lũ.
Dự án này được hoàn thành vào tháng 12/2021. Cho đến lúc đó, chính quyền thống nhất rằng từ bây giờ, rào chắn được nâng lên mỗi khi thủy chiều dâng cao đến mức 130 cm. Điều đó có nghĩa là những trận lũ lụt tàn phá như năm ngoái chỉ còn là dĩ vãng. Khi dự án được hoàn thành trọn vẹn, các rào cản sẽ được nâng lên sớm hơn, khi thủy triều ở mức 110 cm.
Anh Minh (Theo Washington Post)