Hai tháng trước, Trung Quốc công bố chiến lược "lưu thông kép" - dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa, nhưng không quay lưng với quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công để tập trung vào thị trường nội địa khổng lồ. Nhiều người cho rằng, đây là phản ứng hướng nội của Bắc Kinh trước thế giới thù địch bên ngoài. Quan điểm này sẽ định hướng các chính sách kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới.
Các chuyên gia kinh tế và cố vấn cho rằng, quá trình này cần đi cùng với tăng cường tự do hóa kinh tế để chuẩn bị cho sự cạnh tranh lâu dài về công nghệ - kinh tế với Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc vẫn cần hạ thấp các rào cản đối với các nhà đầu tư, tạo động lực để đảm bảo thực hiện hiệp định thương mại khu vực.
"Ưu tiên lưu thông trong nước đã chỉ ra tầm quan trọng của cải cách cấu trúc về mặt nguồn cung, nhằm tăng khả năng cạnh tranh nội địa và mở cửa ở cấp độ cao hơn", Peng Wensheng - kinh tế trưởng của China International Capital Corporation cho biết. Cụ thể hơn, về mặt nội bộ, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc cần bãi bỏ các quy định hơn nữa, dỡ bỏ rào cản thị trường và thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước với phương châm cạnh tranh bình đẳng.
Wang Yiming, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Chính phủ cho rằng Trung Quốc cần nâng cao hiệu suất trên sân nhà để tồn tại trong bối cảnh bị các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, kìm hãm về công nghệ.
"Mục tiêu cốt lõi là giảm sự thiếu cạnh tranh trên thị trường và phân bổ lao động, đất đai, các nguồn lực tài chính cho các khu vực năng suất cao hơn", ông viết trong một bài báo đề cập đến kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc bắt đầu từ năm sau.
Ông Wang cho rằng, để tăng hiệu suất, Trung Quốc cần khắc phục các vấn đề liên quan như nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu (hukou) để hỗ trợ lao động nhập cư, thương mại hóa nhiều hơn hoạt động xây dựng nông thôn và đất ở. Người nhập cư giữ hộ khẩu ở nơi sinh ra sẽ được hưởng rất ít quyền lợi đối với các dịch vụ công ở những nơi họ chuyển đến làm việc.
Ngoài ra, hỗ trợ các công ty nhỏ và tư nhân tiếp cận dịch vụ tài chính và IPO sẽ giúp các công ty khởi nghiệp và hãng công nghệ "trở về" từ Trung Quốc, ông nói thêm. Điều này là cần thiết bởi theo kế hoạch 5 năm tới, Trung Quốc hướng đến đột phá bằng cách nhắm vào dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Tại một diễn đàn cuối tuần trước, cựu thị trưởng Trùng Khánh Huang Qifan nói rằng Trung Quốc nên tăng mở cửa thị trường nội địa cho bên ngoài, để thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài ở lại trong bối cảnh rủi ro rời đi ngày càng tăng. Trung Quốc nên cắt giảm thuế nhập khẩu trung bình xuống 5% từ 7,5% trong vòng 3-5 năm tới và sử dụng các khu thí điểm thương mại tự do để xây dựng trung tâm sản xuất cạnh tranh quốc tế và cơ sở công nghiệp chiến lược.
Bắc Kinh cũng nên tăng đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc, tiến tới các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các hiệp ước đầu tư song phương với châu Âu và Anh, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Các cuộc đàm phán như vậy sẽ giúp ngăn cản tác động của Mỹ, đồng thời thu hút công nghệ, ngành công nghiệp, vốn và nhân tài nước ngoài đến Trung Quốc", ông Huang phát biểu.
Các hướng dẫn về tự do hóa và mở cửa nền kinh tế được Bắc Kinh ban hành vào tháng 4/2020. Trong đó, nước này nhấn mạnh cam kết đối với chính sách mở cửa và bảo vệ nền kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Dù vậy, những nghi ngờ về việc triển khai nội dung này vẫn ngày một tăng.
"Bắc Kinh lập luận rằng họ vẫn cam kết cải cách và mở cửa hơn bao giờ hết. Nhưng bằng chứng của nửa thập kỷ qua cho thấy điều ngược lại, "Daniel Rosen, Chuyên gia tại Rhodium Group, nhận xét, "Việc Trung Quốc thay đổi, từ dần dần theo cơ chế thị trường quay về lại nền kinh tế tự túc và do chính phủ kiểm soát, chính là điều buộc Mỹ phải nghĩ lại".
Trước mắt, việc dựa chủ yếu vào thị trường nội địa cũng không hoàn toàn thuận lợi. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ đã giảm 11,4% nửa đầu năm nay, xuống còn 17.200 tỷ nhân dân tệ (2.400 tỷ USD) vì cú sốc Covid-19.
Tiêu dùng bình quân giảm 5,9%, xuống còn 9.718 nhân dân tệ (1.392 USD) một người nửa đầu năm. Điều này có nghĩa, tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ là 13.600 tỷ USD trong giai đoạn này, chiếm chưa đầy 30% GDP.
Fu Peng - kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Northwest Securities, cho biết sức tiêu thụ của Trung Quốc hiện thấp hơn nhiều so với khả năng sản xuất của nước này. "Người dân bình thường không thể tiêu dùng nhiều hơn, vì họ đang phải gánh các khoản vay thế chấp cũng như triển vọng công việc và thu nhập hiện không chắc chắn", ông kết luận.
Phiên An (theo SCMP)