Những vị khách mắc kẹt góp 'cơm 5 sao' chống dịch

Đà NẵngThay vì chạy khỏi tâm dịch, những vị khách mắc kẹt ở lại, cùng cộng đồng F&B Đà Nẵng nấu hàng nghìn suất cơm gửi vào bệnh viện, khu cách ly.

Ngày Hà Nội hết cách ly xã hội, cuối tháng 4, Trần Phi Long lập tức bay vào Đà Nẵng để xây dựng một cơ sở mới, nằm trong chuỗi nhà hàng anh đang quản lý. Đó sẽ là một beer club có tầm nhìn về phía sông Hàn, nằm trên đường Trần Văn Trứ - khu phố mới tập trung hàng loạt nhà hàng ẩm thực của Đà Nẵng.

Ba tháng Việt Nam không xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng, đường bay quốc tế chưa nối lại, nhưng lượng khách nội địa đến Đà Nẵng tăng đến 90%. Hơn 1,4 triệu người đến thành phố này trong tháng bảy, đánh dấu những ngày hè sôi động của du lịch miền Trung. Cuối tháng bảy, nhà hàng hoàn thiện khâu trang trí cuối cùng, dự định khai trương vào ngày đầu tiên của tháng tám. Nhưng cách khai trương đúng một tuần, 24/7, Đà Nẵng xuất hiện ca nghi nhiễm nCoV. Người đàn ông 57 tuổi được xác nhận là "bệnh nhân 416" sáng 25/7.

Ba ngày sau, Đà Nẵng cách ly xã hội hơn 1,1 triệu dân, mọi phương tiện vận chuyển khách đến và đi tạm ngừng hoạt động. Anh Long mắc kẹt trong thành phố, không yên lòng khi mỗi ngày trôi qua nghe thêm hàng chục ca nhiễm, đỉnh điểm sáng 31/7 ghi nhận 45 ca.

Tình nguyện viên phục vụ bếp ăn đều phải được kiểm tra y tế hàng ngày. Ảnh: H.P.

Tình nguyện viên phục vụ bếp ăn đều phải được kiểm tra y tế hàng ngày. Ảnh: H.P

Ngày 1/8 đến, không có lễ khai trương nào diễn ra như dự tính, không có hoa tươi chúc mừng, không có thực khách ngồi chạm cốc, gọi món. Chỉ có hàng chục con người kín mít khẩu trang, găng tay ngồi đóng gói hơn 2.000 suất cơm canh chuyển đến các bệnh viện, khu cách ly trong thành phố. Hối hả, nhưng không lộn xộn.

Trần Phi Long có mặt trong bếp từ 8h. Anh đeo khẩu trang, đội mũ nylon trùm đầu, chia cơm canh, xếp đồ tráng miệng, đóng gói để kịp giao cơm đến các khu cách ly lúc 10h30 và 17h chiều. Công việc ngày đầu tiên kết thúc lúc 21h, khi đã dọn dẹp xong. Bộ quần áo trên người anh ám đầy mùi thức ăn, "không còn tí dáng vẻ nào của một quản lý cấp cao".

Nhà hàng anh Long làm quản lý trở thành bếp ăn thứ ba sau hai bếp ở quận Sơn Trà và Hải Châu của "Da Nang Kitchen" - một nhóm tình nguyện do bà Nguyễn Trúc Chi, vị khách Sài Gòn mắc kẹt lại Đà Nẵng sau ngày 28/7 sáng lập. Là chuyên gia ẩm thực, bà kêu gọi cộng đồng F&B Đà Nẵng (kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quầy ăn uống) tổ chức một bếp ăn, nấu cơm gửi vào bệnh viện, khu cách ly cho y bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Chỉ trong một ngày, hơn 100 thành viên là ông chủ, quản lý cấp cao của các nhà hàng lớn đang hoạt động ở Đà Nẵng tham gia, tinh thần "ai có gì góp nấy".

Bếp ăn có chuỗi cung ứng riêng, thực hiện theo quy định an toàn thực phẩm của Sở Y tế Đà Nẵng. Tình nguyện viên tham gia phải được xét nghiệm nCoV, khai báo y tế mỗi ngày. Họ chia ba ca làm việc, mỗi ca khoảng mười người, không quá đông để đảm bảo an toàn phòng dịch. Nguyên liệu được chuyển từ các nông trại Đà Lạt về, do đội cung ứng là các chủ nhà hàng phụ trách.

Trần Phi Long cùng hơn hai mươi nhân viên nhà hàng, giám đốc ẩm thực, bếp trưởng tình nguyện ở lại phục vụ. Mong muốn "Để dịch bệnh qua đi rồi nghĩ đến việc kiếm tiền, thời điểm này, bọn mình chỉ muốn chia sẻ cùng Đà Nẵng".

Lần đầu tiên làm món ăn kiểu cơm văn phòng cho khu cách ly khiến Long "có chút bối rối". Anh kể hôm đó, bếp trưởng mượn một chiếc lò có sức hấp 300 suất cơm trong vòng một tiếng. Vận hành chưa quen, họ phải điều chỉnh và cuối cùng cơm bị nhão. Anh chỉ mong "bữa ăn đó không quá khó nuốt".

Thực đơn mỗi bữa ăn đều cân đối giữa thịt, cá và rau để các y bác sĩ, người trong khu cách ly đỡ ngán. Ảnh: H.P.

Thực đơn mỗi bữa ăn đều cân đối giữa thịt, cá và rau để các y bác sĩ, người trong khu cách ly đỡ ngán. Ảnh: H.P

Trước thời điểm Đà Nẵng cách ly xã hội, thành phố chứng kiến từng đoàn người tháo chạy khỏi tâm dịch, khi sân bay, ga tàu chật ních. Bích Hương, giám đốc truyền thông một khu du lịch ở Đà Nẵng hay tin, liền bốc máy gọi về nhà "Lần này con không về đâu", mặc cho mẹ chị kêu than.

Chị nhớ những ngày đầu tháng ba, trong đợt dịch đầu tiên Đà Nẵng ghi nhận sáu ca mắc, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Bích Hương khi đó đã xách vali ra thẳng sân bay về miền Tây, ở quê nhà tránh dịch suốt hai tháng. "Nghe Covid đùng đùng tới là sợ. Gia đình hiện lên đầu tiên, Hương chỉ muốn về với ba mẹ", chị kể.

Nhưng lần này, Đà Nẵng đã trở thành tâm dịch, đi về không an toàn cho cả xóm, Hương quyết định ở lại. Cùng lúc biết ý tưởng của bà Trúc Chi, chị lập tức tham gia với vai trò trưởng nhóm truyền thông. Có ngày, Hương chỉ ngủ 3 - 4 tiếng để điều phối công việc.

Gần hai tuần trôi qua, bếp ăn vận hành gần như ổn định. Thực đơn mỗi bữa khác nhau, có đủ tinh bột, chất đạm, rau để người ăn không bị ngán. Số suất ăn, địa điểm hàng ngày, nhóm tiếp nhận từ Sở Y tế thành phố. Ban điều hành phân bố số lượng đến từng điểm, lưu mẫu để kiểm tra. Mỗi ngày hai lần 10h30 và 17h, các suất cơm được đưa đến một điểm để lực lượng phụ trách đưa vào khu cách ly, thay vì trao tay trực tiếp, đảm bảo an toàn mùa dịch.

Chị Bích Hương (bên phải) cùng tình nguyện viên chuẩn bị hộp đựng cơm. Ảnh: H.P.

Chị Bích Hương (bên phải) cùng tình nguyện viên chuẩn bị hộp đựng cơm. Ảnh: H.P

Kinh phí hoạt động của nhóm ngoài thành viên đóng góp, còn đến từ sự ủng hộ của cộng đồng. Các mạnh thường quân đôi khi chỉ là người dân Đà Nẵng, phóng xe qua xách theo 5 ký gà ta đã làm sạch. Hay ông chủ nông trại ở tận Đăk Lăk gửi vài thùng sữa dê...

Động lực để hàng trăm con người mười ba ngày chưa một buổi ngừng tay bên bếp lửa, đôi khi chỉ là lời nhắn "cơm ngon" gửi từ trong khu cách ly, hoặc tấm hình chụp báo suất cơm đã hết nhẵn. Nhưng có lúc, Hương cũng tiếc suất ăn mang đi còn nóng hổi, nhưng khi các bác sĩ, chiến sĩ xong việc, mở hộp cơm ra đã nguội bởi quá giờ ăn từ lâu.

Trần Long thấy mừng, khi một số buổi sáng đọc tin không có ca nhiễm mới. Anh mong những ngày nấu cơm cách ly sẽ nhanh kết thúc, bởi điều đó đồng nghĩa với dịch đã được khống chế.

Còn với Bích Hương, bao giờ Đà Nẵng hết dịch, cô sẽ đặt vé máy bay sớm nhất về miền Tây để ba mẹ thấy mặt, yên lòng.

Hoàng Phương

Let's block ads! (Why?)