Lệnh cấm WeChat đe dọa thị trường 44 tỷ USD của Apple

Apple phải mất nhiều năm để biến Trung Quốc thành động cơ tăng trưởng, nhưng lệnh cấm của Trump đang làm lung lay thành quả này.

Khách hàng truyền thống của iPhone trên khắp Trung Quốc đang cân nhắc lại việc sử dụng điện thoại này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh , áp dụng từ cuối tháng 9. WeChat là siêu ứng dụng được người Trung Quốc sử dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Kenny Ou - một công dân Hong Kong cho biết lệnh cấm này có thể biến iPhone thành "rác thải điện tử đắt đỏ". Với anh, WeChat là một trong những ứng dụng thiết yếu.

Khi công bố báo cáo tài chính quý II hôm qua (12/8), lãnh đạo Tencent nhấn mạnh rằng lệnh cấm có lẽ và không ảnh hưởng đến phiên bản tại Trung Quốc Weixin. Dù vậy, họ cũng nói rằng đang tìm hiểu thêm cho rõ ràng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ mơ hồ trong sắc lệnh của Trump cũng cho thấy Apple có thể gặp rắc rối.

Khách hàng trong một cửa hàng của Apple tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Khách hàng trong một cửa hàng của Apple tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Kuo Ming-chi - nhà phân tích tại TF International Securities dự báo nếu Apple bị buộc gỡ ứng dụng này khỏi App Store, số iPhone bán ra hàng năm sẽ giảm 25 - 30%. Các thiết bị khác như AirPods, iPad, Apple Watch và Mac giảm 15 - 25%,.

Trung Quốc là thị trường quốc tế quan trọng nhất của Apple, với 42 cửa hàng hiện tại. Đây cũng là nơi sản xuất phần lớn iPhone cho thế giới. Ở thời kỳ đỉnh cao, Trung Quốc đóng góp 25% doanh thu cho Apple. Tỷ lệ này năm ngoái chỉ còn 17%, với doanh thu vào gần 44 tỷ USD.

Táo Khuyết đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ địa phương, như Huawei Technologies, tại thị trường này. Chiến lược của Apple - thu hút người dùng mới bằng các thiết bị giá rẻ như iPhone SE - có thể thất bại nếu họ không thể cho người dùng cài WeChat và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng cao.

Ứng dụng của Tencent hiện có một tỷ người dùng trên toàn cầu và được sử dụng trong mọi hoàn cảnh, từ tán gẫu với bạn bè, mua vé phim, vé tàu đến trả hóa đơn nhà hàng và điện nước. Bất kỳ lệnh cấm nào với việc sử dụng WeChat cũng có thể cắt đứt phương thức giao tiếp chủ chốt giữa Trung Quốc và thế giới, đồng thời ngăn các công ty Mỹ như Starbucks hay Walmart tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường khổng lồ này.

Một khảo sát trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc về việc chọn WeChat hay iPhone cũng thu hút hơn 1,2 triệu người trả lời. Trong đó, 95% nói rằng sẽ bỏ iPhone.

"Lệnh cấm sẽ buộc nhiều người dùng Trung Quốc bỏ Apple để sang thương hiệu khác, vì WeChat thực sự rất quan trọng vưới chúng tôi", Sky Ding - nhân viên một hãng fintech tại Hong Kong cho biết, "Gia đình tôi ở Trung Quốc đều dùng WeChat. Chúng tôi nói chuyện qua ứng dụng này".

iPhone có mặt tại Trung Quốc năm 2009 - hai năm sau khi được bán ở Mỹ. 5 năm qua, hãng này đã bán được hơn 210 triệu thiết bị tại đây. Theo hãng nghiên cứu QuestMobile, tính đến tháng 6, hơn 20% người dùng smartphone tại Trung Quốc sử dụng iPhone, chỉ sau Huawei (26%).

Apple đang trông chờ vào thế hệ thiết bị mới, dự kiến ra mắt vào tháng 10 và sử dụng công nghệ 5G, để thu hút người dùng tiềm năng như Vincent Han. Han đang muốn thay điện thoại Huawei bằng iPhone. Tuy nhiên, lệnh cấm của Trump khiến anh cân nhắc chuyển sang các thương hiệu khác, như Samsung.

"Tôi lo WeChat sẽ bị cấm trên iPhone. Việc này sẽ ảnh hưởng đến công việc của tôi rất nhiều. Vì 90% khách hàng và đồng nghiệp của tôi giao tiếp trên WeChat", Han nói, "Dù vậy, hệ điều hành Samsung đang sử dụng là Android, thuộc Google. Tôi sợ là Android cũng cấm WeChat".

Nếu iPhone mất thị phần, các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei sẽ sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống. Xiaomi vừa ra mắt điện thoại Mi 10 Ultra. Họ cũng có nhiều thiết bị thay thế được dải sản phẩm của Apple, từ tai nghe không dây, máy tính bảng, laptop đến đồng hồ theo dõi sức khỏe.

Còn với Ou - một người hâm mộ Apple, anh có thể sẽ phải ra quyết định khó khăn giữa iPhone và WeChat. "Tất cả sản phẩm tôi đang dùng đều của Apple, từ Macbook, iPad, iPhone và AirPods", anh nói, "Apple tạo ra sự kết nối giữa các sản phẩm và khiến tôi phụ thuộc vào thương hiệu của họ. Nếu lệnh cấm được áp dụng, đó sẽ là thảm họa với việc học hành và công việc của tôi".

Hà Thu (theo Bloomberg)

Let's block ads! (Why?)