Nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc 'chia đôi' kinh tế Australia

Việc Trung Quốc tăng mua quặng sắt đang vực dậy vùng phía Tây giàu tài nguyên của Australia, trong khi các bang phía Đông vẫn chật vật với Covid-19.

Sự khác biệt được tạo ra bởi nhu cầu từ Trung Quốc - quốc gia đầu tiên tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Khi hoạt động tại các nhà máy ở Trung Quốc hồi sinh, số quặng sắt xuất khẩu từ cảng Hedland thuộc bang Western Australia cũng lên kỷ lục.

Hiện tại, quặng sắt giao dịch với giá hơn 100 USD một tấn. Giá vàng cũng đang ở gần mức kỷ lục. Các hãng khai mỏ ở Western Australia (bang khai mỏ chủ chốt tại nước này) vì thế phải tăng tốc đầu tư để thay thế nhà xưởng, máy móc, thiết bị và mỏ tài nguyên đang già cỗi. BHP Group và Fortescue Metals Group đang đầu tư hơn 3 tỷ USD cho hoạt động này.

Tàu chờ quặng sắt tại cảng Hedland thuộc bang Western Australia. Ảnh: Reuters

Tàu chờ quặng sắt tại cảng Hedland thuộc bang Western Australia. Ảnh: Reuters

Bang Western Australia "có thể tiếp tục khai thác tài nguyên an toàn trong đại dịch. Nhu cầu ổn định từ Trung Quốc và giá hàng hóa tăng giúp xuất khẩu của chúng tôi tiếp tục phát triển", Chris Rodwell - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp bang này cho biết.

Tác động kinh tế còn đang lan đến cả thị trường bất động sản của Australia. "Thị trường đang rất nóng", Bev Haymans - một nhân viên môi giới bất động sản tại khu vực Cottesloe thuộc Perth - thủ phủ bang Western Australia cho biết, "Tâm lý thực sự tích cực".

Ngược lại, cách đó 3.300km về phía Đông, Bronte - vùng ngoại ô ven biển của Sydney, nhân viên môi giới bất động sản Hannan Bouskila lại đang chật vật. Đợt phong tỏa tháng 4 "rất khó khăn" với thị trường bất động sản, Bouskila cho biết. Việc đại dịch tái bùng phát tại bang Victoria càng khiến mọi người e ngại. Niềm tin tiêu dùng tại New South Wales - bang đông dân nhất nước này - đã lao dốc trong tháng 7.

Sự khác biệt này là thách thức với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Philip Lowe khi ông đang tìm cách giải quyết tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng và nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm.

Cơ quan này đã hạ lãi suất tham chiếu xuống thấp kỷ lục 0,25% hồi tháng 3 và được kỳ vọng duy trì mức này để hỗ trợ nền kinh tế. Số liệu GDP quý II của nước này dự kiến công bố trong vài ngày tới. Các nhà kinh tế học dự báo mức giảm là 6% so với quý I.

"Sự khác biệt giữa các bang hiện lớn hơn bình thường rất nhiều, do tốc độ mở cửa nền kinh tế khác nhau", Stephen Walters - kinh tế trưởng tại Sở tài chính New South Wales giải thích, "Đây là vấn đề cố hữu với Ngân hàng Trung ương".

Dù vậy, Walters cho rằng các chính sách phi truyền thống của ngân hàng trung ương đã giúp họ giải quyết tình trạng tốc độ tăng trưởng khác nhau giữa các vùng trong cả nước. "Họ khá thận trọng khi chọn loại trái phiếu để mua. Vì thế, họ có thể thực sự tác động đến kinh tế các địa phương", ông nhận xét.

Đồng đôla Australia đã tăng 28% kể từ ngày 19/3, khi RBA hạ lãi suất và đặt mục tiêu lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm là 0,25%. Hiện tại, mỗi đôla Australia đổi được 0,74 USD. Westpac Banking dự báo tỷ giá này cuối năm sau là 0,8 USD.

Sức tăng của đồng tiền này "một phần liên quan đến sự hồi phục mạnh của kinh tế Trung Quốc và có thể kéo dài ít nhất 2 năm", Bill Evans - kinh tế trưởng tại Westpac nhận định. Ông dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của nước này sẽ lên 33,6 tỷ USD năm nay, càng hỗ trợ thêm cho nội tệ.

Với Haymans, sự tự tin vào Perth và thị trường bất động sản tại đây cũng đang đi lên cùng với đồng đôla Australia. "Rất nhiều người làm việc trong ngành khai mỏ hoặc liên quan đến tài nguyên đang lạc quan về Western Australia. Tất cả mọi người đều vui vẻ", Haymans nói.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Let's block ads! (Why?)