Edwin Ymsom vướng lao lý vì trộm cắp. Dù đang thụ án, anh có thể tự do bán bánh quy và đậu phộng cho bọn trẻ bên một bể bơi.
Chếch sạp hàng của Edwin là hàng trăm tù nhân đang cầm dao cắt cỏ. Đó là khung cảnh quen thuộc của nhà tù và trại cải tạo Iwahig, Phillippines - một trong những nhà tù ngoài trời lớn nhất thế giới. Thay vì có những bức tường bê tông cao ngất kèm thép gai phía trên, nhà tù này chỉ có hàng rào lưới mắt cáo bao quanh và cánh cổng luôn mở cửa đón khách. Chỉ có một bảo vệ đứng tại cổng tiếp du khách, hay người thân của tù nhân.
Nhà tù có khoảng 3.000 tù nhân này chỉ cách 14 km từ Puerto Princesa, thủ phủ của Palawan, thiên đường du lịch với hệ thống sông ngầm khổng lồ hay những điểm lặn tuyệt đẹp. Tọa giữa trùng điệp núi non và khu rừng ngập mặn rậm rạp bên bờ biển, nhà tù rộng hơn 26.000 hecta - gấp đôi Paris - mở ra một không gian hoàn toàn khác so với những trại cải tạo thông thường.
"Tôi đâm chết một người đàn ông", tù nhân Effren Espinosa Jr. vừa nói vừa vung con dao phát cỏ. "Điều kiện ở đây tốt hơn những nhà tù khác, và cai ngục tôn trọng chúng tôi", anh nói trước khi trở lại với nhiệm vụ dọn dẹp trong vườn.
Có khoảng 200 tù nhân bị quản thúc ở mức tối thiểu phụ trách đồng áng và làm cả những công việc liên quan đến văn phòng, cũng như giám sát những tù nhân bị quản thúc ở mức trung bình. Khoảng 1.000 phạm nhân bị quản thúc ở mức trung bình, mặc áo xanh, chăm nom những cánh đồng lúa, đồn điền dừa, đồng ngô, vườn rau... rải rác khắp nhà tù.
Chỉ có ba cai ngục - đứng dựa vào bức tường có mái che - quan sát những người từng trộm cắp, giết người và phạm những trọng tội khác đang cắt cỏ trên đồng. Dù chỉ mất nửa giờ để tẩu thoát với con dao phát cỏ trong tay, những tù nhân này lại đứng yên cho cai ngục điểm danh - thủ tục phải thực hiện ba lần một ngày.
Bên cạnh những phạm nhân bị quản thúc ở mức cao nhất - trong phòng biệt giam, toàn bộ tù nhân trong trại đều phải học một nghề, từ nông lâm nghiệp, đánh cá, cho đến nghề mộc. Những hoạt động đem lại thu nhập này cho phép ban quản lý phần nào bù lại chi phí trông coi tù nhân.
"Ý tưởng của nhà tù này là cải tạo tội phạm, để những tù nhân bị quản thúc tối thiểu có thể cảm thấy hòa nhập trong cộng đồng. Sứ mệnh chính của chúng tôi không chỉ là trừng phạt, mà còn thông tin và phục hồi công lý", giám thị trại giam Antonio C Cruz trả lời Al Jazeera.
Ra đời vào năm 1904, nhà tù Iwahig được đặt ở một vùng hẻo lánh, có thể cách biệt những tội phạm nguy hiểm nhất khỏi cộng đồng.
Khi Philippines giành độc lập sau Thế chiến II, những người mãn hạn tù còn được chia đất miễn phí, tùy thuộc vào ý thức cải tạo. Khi các biện pháp an ninh được nới lỏng vào thập niên 70, vài gia đình có người phạm tội được phép chuyển vào sống trong trại cải tạo.
Ngày nay, chỉ có 20 tù nhân bị quản thúc ở mức tối thiểu sống cùng gia đình ở Iwahig. Những người trong nhóm này được trả công 200 peso (khoảng 4 USD) một tháng cho việc cắt cỏ, trong khi những tù nhân ở mức quản thúc trung bình chỉ kiếm được một nửa số đó. Một ban cố vấn sẽ đánh giá định kỳ từng trường hợp, để xác định các tù nhân thuộc nhóm quản thúc nào. Một phần thu nhập của tù nhân phải được gửi vào một tài khoản tín thác cho đến ngày mãn hạn, để họ có chút tiền tiết kiệm khi được trả tự do.
Nhưng không phải mọi phạm nhân đều hạnh phúc ở Iwahig. Jeffrey, người bán tranh trong tù, cho rằng mình không đáng phải ngồi tù đến 15 năm vì ăn trộm một chiếc ôtô. "Tôi chẳng thích ở đây chút nào. Gia đình không thể đến thăm tôi vì hòn đảo này quá xa Manila", Jeffrey nói, và phàn nàn chuyện thiếu ăn trong tù.
Tương tự, bà Araceli Gaddi, ngoài 60, bức xúc với quy định của nhà tù. "Luật lệ ngày càng chặt chẽ. Chồng tôi không thể sống ở bên ngoài nữa". Bà Gaddi sống trong một căn lều dựng cho người nhà của các tù nhân, nhưng chồng bà phải ngủ trong nhà lao. Từ khi bà chuyển đến đây vào năm 1993 cùng người chồng tù tội của mình, ông Dick, họ sống cùng nhau trong một căn lều và nuôi dạy ba đứa con, một cháu trai. Nhưng giờ họ không còn lựa chọn đó nữa.
Dù chỉ có 20 phạm nhân vượt ngục trong 10 năm qua - con số khiêm tốn hơn những nhà tù khác ở Philippines, trại cải tạo Iwahig từng ghi nhận một trường hợp 7 tù nhân tẩu thoát thành công vào tháng 6/2014. Từ đó, ban quản lý cấm phạm nhân ngủ ngoài trại.
Ngược lại, vài tù nhân tố cáo những thiếu sót của ban quản lý. Một báo cáo đăng tải trên tờ Ombudsman vào năm 2007 viết về nạn "bảo kê chính trị hoặc hối lộ" tại nhà tù này, cũng như thiếu minh bạch trong quản lý thu nhập của tù nhân. Báo cáo chỉ ra vấn đề với "Balsahan", bể bơi tự nhiên trong Iwahig. Dù khách du lịch phải mua vé vào cổng, báo cáo khẳng định họ không hề nhận lại "hóa đơn chính thức hay giấy tờ chứng minh chi trả nào... Do đó, khả năng cao là có nạn tham nhũng".
Nhưng James Ali, cha của một trong những đứa bé đang tắm trong bể bơi Balsahan, cho rằng vượt lên những lo ngại về minh bạch chính là những lợi ích nhà tù mở này đem lại. "Tôi không nghĩ họ là người xấu", Ali nói và chỉ vào một trong các tù nhân. "Bất kỳ ai có thể làm những điều họ từng làm, nếu bị hoàn cảnh ép buộc. Mọi người đều xứng đáng có một cơ hội thứ hai".
Bảo Ngọc (Theo Al Jazeerai)
Ngày nay, Iwahig tiếp tục phát triển thành một điểm du lịch, một hình mẫu cho những phương pháp tiếp cận thay thế để cải tạo tù nhân. Đây là một trong 7 nhà tù của Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp (DOJ).
Vào tháng 12/2019, công ty Philippines AgriNurture Inc. thông báo hợp tác cùng DOJ để phát triển nhà tù mở này thành một điểm du lịch nông nghiệp. Doanh nghiệp này cho biết đã được chính quyền phê duyệt, cho phép phát triển du lịch trên diện tích ít nhất 2.000 hecta đất trồng ngô quanh nhà tù.
Để đến thăm nhà tù, du khách cần thuê xe tư nhân với giá 700 peso (hơn 14 USD) một chuyến khứ hồi từ Puerto Princesa. Cổng vào nhà tù nằm bên đường cao tốc quốc gia, khách du lịch đăng ký tham quan tại đây và đi khoảng 3 km vào trung tâm trại giam. Một tour trọn gói tham quan Puerto Princesa, lịch trình bao gồm ghé nhà tù Iwahig có giá từ hơn 150 USD.
Xem thêm