Biểu giá điện mới vẫn khó tránh 'hoá đơn điện tăng sốc'

Dù tính theo 5 bậc thang hay một giá điện, theo chuyên gia, chưa khắc phục được bất cập "tiền điện nhảy vọt vì nắng nóng".

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành và phương án 2 là cho khách hàng lựa chọn một trong hai cách tính: 5 bậc thang hoặc một giá điện.

Với phương án 1, khoảng cách tiêu thụ giữa các bậc và sản lượng tiêu thụ điện ở bậc cao hơn (701 kWh trở lên) được nới rộng nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện, hạn chế một phần tiền điện tăng cao trong những tháng đổi mùa. Người sử dụng dưới 200 kWh và 301-400 kWh một tháng sẽ giữ nguyên hoặc giảm 12.000 đồng một tháng.

Phương án 2 gồm giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc và một giá, giữ nguyên giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá luỹ tiến 5 bậc và chỉ thay đổi ở bậc cuối cùng nhằm "không tác động tới khách hàng thu nhập thấp, trung bình".

Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bình luận: "Biểu giá càng sửa càng rối". Ông cho rằng, phương án 1 theo 5 bậc thang vẫn chưa khắc phục được bất cập tồn tại lâu nay trong cơ cấu giá điện.

Chẳng hạn, khách hàng dùng đến 400 kWh phải trả 896.200 đồng, chỉ tiết kiệm được hơn so với biểu giá hiện hành 6 bậc gần 13.000 đồng một tháng. Trong khi đó, dùng 500-700 kWh một tháng không có sự thay đổi lớn so với phương án 6 bậc hiện nay.

Chưa kể, khách hàng dùng 201-300 kWh và 401 trở lên sẽ phải trả thêm 4.000-99.000 đồng một tháng để đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân không đổi và giá điện các nhóm khách hàng khác giữ nguyên. Khoảng 5,2 triệu khách hàng trong khung sử dụng điện này sẽ bị ảnh hưởng.

So sánh giữa giá điện theo 6 bậc hiện hành và phương án đề xuất 5 bậc:

Mức dùng điện Sản lượng (kWh) 6 bậc hiện hành Phương án 1 (5 bậc) Chênh lệch (đồng)
Giá (đồng/kWh) Tiền điện (đồng) * Giá (đồng/kWh) Tiền điện (đồng)*
50 kWh 50 1.678 83.900 1.678 83.900 0
51-100 kWh 50 1.734 170.000 1.678 167.800 -2.800
101-200 kWh 100 2.014 372.000 2.014 369.200 -2.800
201-300 kWh 100 2.536 625.600 2.635 632.700 7.100
301-400 kWh 100 2.834 909.000 2.635 896.200 -12.800
401-700 kWh 300 2.927 1.787.100 2.983 1.791.100 4.000
701 kWh trở lên 1.187 2.927 3.212.549 3.123 3.312.001 99.452

Ông Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng độc lập cũng cho rằng phương án 5 bậc thang chưa khắc phục được tình trạng khi giao mùa, nắng nóng. Ông đề nghị xem xét thiết kế biểu giá điện 3 bậc thang theo hướng bậc thang giữa bằng giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh, 2 bậc còn lại là trung bình cộng giá bán lẻ điện bình quân.

Tuy nhiên, một chuyên gia về năng lượng khác lại cho rằng, về cơ bản khi biểu giá bậc thang được rút gọn, giãn cách giữa các bậc sẽ "khó mềm dẻo hơn", trong khi vẫn phải đảm bảo tổng doanh thu của ngành điện chia cho số kWh điện thương phẩm một năm ít nhất phải bằng giá điện bình quân.

Với các phương án 5 bậc thang theo đề xuất của Bộ Công Thương, vị này cho rằng đã có sự phân hoá rõ hơn giữa đối tượng sử dụng điện trung bình, sử dụng nhiều điện. Ngoài ra, giá 4 bậc đầu tiên (dưới 700 kWh) ở các phương án 5 bậc thang giống nhau nên tiền điện là ngang nhau.

Còn với các hộ dùng trên 700 kWh, có sự chênh lệch giá lớn ở các phương án 5 bậc thang. Mức giá bậc 5 ở phương án 2A bằng 274% giá bán điện bình quân, tương đương 5.109 đồng một kWh. Ở kịch bản 2B, giá bậc 5 bằng 185% giá bán bình quân, 3.455 đồng một kWh. Các mức giá này cao hơn giá bậc 5 tại phương án 1 là 332-1.986 đồng mỗi kWh. Vì thế, các hộ dùng trên 700 kWh sẽ phải trả mức giá cao hơn và số này thường là các hộ gia đình thu nhập cao, khá.

Dù vậy, vị này cũng đặt câu hỏi về căn cứ đề xuất giá bán lẻ điện ở bậc 5 (701 kWh trở lên) lên tới 274% giá bán lẻ điện bình quân trong phương án Bộ Công Thương đề xuất. "Tôi chưa rõ căn cứ tính toán ra mức giá này, lên tới hơn 5.100 đồng một kWh là quá cao", ông nêu.

Về dài hạn muốn khắc phục bất cập trong cơ cấu biểu giá, tránh tình trạng "cứ chuyển mùa là hoá đơn tiền điện tăng cao", ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh góp ý nên nghiên cứu cơ chế song song giữa điện bậc thang và công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo các khung giờ bình thường, thấp và cao điểm. Phương án này sẽ đảm bảo hiệu quả trong quản lý phụ tải, tiết kiệm năng lượng. "Chuyện công tơ 3 giá với điện sinh hoạt đã được đề cập từ năm 2016 nhưng tới giờ vẫn chưa làm được, trong khi các nước đã áp dụng và kiểm soát rất tốt công suất của hộ gia đình", ông nêu.

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia năng lượng cũng bình luận, nguyên tắc phản ánh chi phí cung ứng, ít bù chéo được thực hiện ở nhiều nước và họ đã sử dụng cơ cấu giá điện 2 thành phần (giá trả cho công suất đăng ký và điện năng tiêu thụ). Song khác biệt lớn nhất, là ở Việt Nam chỉ có giá điện một thành phần cho điện năng tiêu thụ, và chừng nào vấn đề này vẫn tồn tại thì những bất cập trong cơ cấu biểu giá điện hiện nay chưa được giải quyết và "đến hẹn lại lên mùa nóng người dân sẽ kêu ca chuyện hoá đơn tiền điện tăng cao".

Dự thảo cơ cấu biểu giá điện mới được Bộ Công Thương lấy ý kiến trong tháng 8, sau đó sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét, quyết định và dự kiến áp dụng từ đầu năm 2021.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)