Ngày 13/7/2000, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng vài phút sau khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký, Tổng thống Mỹ Bill Clinton gửi lời cảm ơn tới ba người Việt Nam đã đóng góp vào quá trình đi đến hiệp định này. Đó là ông Vũ Khoan – Bộ trưởng Thương mại, ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán BTA và ông Lê Văn Bàng - Đại sứ Việt Nam.
20 năm sau, trả lời VnExpress, vẫn với chất giọng sang sảng của một nhà đàm phán, ông Nguyễn Đình Lương kể: "Hồi đó tôi tự nhủ có chết trên bàn đàm phán cũng phải làm bằng được. Cả thế giới cần Mỹ để phát triển, Việt Nam không thể đứng ngoài. Bất cứ ai bảo thủ sẽ bị bánh xe lịch sử đẩy ra".
- Bối cảnh khi ông được giao hiệp định thương mại này như thế nào?
- Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã có gần 20 năm trong nghề này nhưng chủ yếu là đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa. Họ có quan hệ đồng chí, cùng một thể chế, hệ thống pháp luật tương đồng với Việt Nam. Còn BTA thì khác hẳn.
Khi Liên Xô tan vỡ, tôi có đi đàm phán với một số nước như Singapore, Thuỵ Sỹ, Na Uy... nhưng họ không phải Mỹ. Tôi lúc này không hiểu gì về Mỹ, chỉ biết là đàm phán với họ rất khó. Ngay cả những người châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc cũng ngán ngẩm khi đàm phán với Mỹ.
Thời điểm đó lãnh đạo đã xác định mục tiêu đàm phán là bình thường hoá quan hệ kinh tế, thương mại, để hoàn tất quá trình bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Trước đây Việt Nam đã bình thường được quan hệ ngoại giao rồi.
Tuy nhiên, trong khi đàm phán, chúng tôi hiểu phải có thêm hai mục tiêu. Thứ nhất là để Việt Nam gia nhập WTO, từ đó, hội nhập với thế giới. BTA sẽ là nền tảng và điều kiện cần có.
Thứ hai là xây dựng quan hệ đối tác để làm ăn lâu dài với Mỹ. Đây là điều rất quan trọng. Mục đích này phải có một phương pháp đàm phán phù hợp để tạo được sự tin cậy giữa hai bên. Nhờ cách đó và cũng qua quá trình trao đổi thẳng thắn, trung thực, đoàn đã tạo dựng được quan hệ tốt đẹp với các nhà đàm phán Mỹ. Khi tin tưởng nhau, mọi việc sẽ đơn giản hơn. Cuối cùng, sau 5 năm marathon, cả 3 mục tiêu đấy đều được quán triệt.
- Vậy ông đã làm thế nào để hiểu người Mỹ trước khi đi đàm phán?
- Tôi đọc. Đây là việc chiếm nhiều thời gian nhất của tôi trong 5 năm đàm phán. Tôi tìm sách viết về Mỹ, cả về lịch sử, văn hoá, chính trị, luật pháp, đặc thù phát triển.
Từ đó, tôi nhận biết được sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Tôi nhận ra họ đang chi phối các tổ chức kinh tế quốc tế như thế nào. Ngồi nói chuyện với người Mỹ phải hiểu họ mới có thể tiếp tục được.
Tôi cũng nghiên cứu các hiệp định mà Mỹ đã ký với các nước khác, các văn bản quy định của các tổ chức kinh tế thương mại như GATT, WTO. Nếu không nắm được luật chơi WTO sẽ không thể ngồi đàm phán với người Mỹ được.
- Theo ông, khó khăn lớn nhất khi đàm phán BTA với Mỹ là gì?
- Đó là niềm tin. Di sản của chiến tranh ở Việt Nam quá nặng nề, đau thương. Xã hội mỗi khi nghĩ đến nước Mỹ là nghĩ đến chiến tranh, bom đạn, cái chết. Từ lãnh đạo đến người dân rất khó chấp nhận sự trở lại của người Mỹ và vẫn lo lắng Mỹ đang âm mưu phá Việt Nam. Ngược lại, do thất bại trong chiến tranh, người Mỹ cũng có những nghi ngờ về thiện chí của Việt Nam.
Tháng 9/1999, Hiệp định BTA đáng ra được ký ở Auckland - New Zealand, nhưng bất thành do hai nước đã thiếu niềm tin với nhau. Sau đó, các nhà đàm phán đã rất vất vả để tìm cách xây dựng sự đồng thuận xã hội, để có cái nhìn chung hướng về tương lai.
Ngoài ra, chúng ta còn gặp một số điểm khó khác như người Việt lúc này thiếu thông tin. Báo chí thời đó có viết về Mỹ đâu, nói tốt về Mỹ còn là điều cấm kỵ. Còn bối cảnh cuộc đàm phán rất không thuận lợi.
Việt Nam đàm phán BTA trong thời đại toàn cầu hoá. Tuy nhiên, một số nhà lý luận trong nước nhận định toàn cầu hoá là trò chơi của tư bản, chỉ mang về nghèo đói, doãng rộng phân cách tầng lớp giàu nghèo... Vì thế, Việt Nam không hề tiếp cận với những thay đổi chóng mặt trong nền kinh tế thế giới. WTO ra đời năm 1995, khi tôi đi đàm phán BTA, trong nước hầu như không có nhiều thông tin về tổ chức này.
Nền kinh tế trong nước khi đó là bao cấp, là kế hoạch, là độc quyền. Có những chuyện rất lặt vặt như giá điện, nước, máy bay, tàu hoả, tham quan... có tận 2 giá, phân biệt người trong nước và nước ngoài.
Giá trị của BTA là thúc ép Việt Nam bỏ đi nền kinh tế bao cấp, xoá bỏ mớ lùng nhùng này. BTA buộc nền kinh tế Việt Nam đi sang một đường ray khác, phải chơi theo luật quốc tế.
- Vậy khi Hiệp định đi vào hiệu lực, Việt Nam đối diện với những vấn đề gì?
- Đã cam kết rồi thì phải thực hiện. Việt Nam phải sửa luật cho phù hợp. Để thực hiện, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát toàn bộ hệ thống luật, đối chiếu với những cam kết trong BTA. Từ đó lập chương trình xây dựng luật để trình quốc hội. Chúng ta phải kiểm tra luật nào, luật nào cần phải sửa, bổ sung... Thời đó, nhiều luật của ta cứ như trên trời!
Tôi còn nhớ có Luật Thương mại ban hành năm 1995 mà đến năm 2000 khi tôi đàm phán xong BTA không có điều khoản nào đi vào cuộc sống.
Hay chương Sở hữu trí tuệ, dài tận 80 điều, nhưng ngay gần Bộ Thương Mại (nay Bộ Công Thương) trên phố Tràng Tiền, đoàn chuyên gia Mỹ bắt gặp cái đĩa của Microsoft in lậu 5.000 đồng, trong khi giá có bản quyền là 50 USD. Họ không nổi khùng mới lạ. Nhưng chúng ta không xử lý được vì luật không có điều khoản thi hành, không giao ai xử lý được sai phạm.
Sau khi rà soát xong, tôi nhớ là phải sửa, bổ sung 173 luật. Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo suốt ngày phải viết, sửa luật!
- Bây giờ, khi nhìn lại BTA sau 20 năm, điều gì về quá trình đàm phán khiến ông thấy tiếc nuối mà lẽ ra có thể giúp Việt Nam có lợi hơn?
- Kỳ thực tôi thoả mãn với những gì đã đạt được. Lúc chúng tôi đi đàm phán, không nhiều người hiểu được BTA là gì. Đó cũng là cái vừa dở, nhưng vừa hay, bởi chúng tôi đạt được mục đích là phá vỡ những bảo thủ, để luật chơi của Việt Nam tiệm cận với thế giới.
Trong các tờ trình báo cáo đàm phán, chúng tôi chỉ tập trung giải trình những lợi ích của BTA, sự cần thiết phải có quan hệ thương mại với Mỹ.
Còn cam kết thực hiện, phải thay đổi, dỡ bỏ cái này cái kia thì cứ để sau khi Hiệp định có hiệu lực tự khắc phải xử lý.
Tất nhiên cũng có những "âm mưu" không thành. Ví dụ như Hiệp định mua sắm chính phủ, chúng tôi rất khó chịu về cách chỉ định thầu, không công khai, minh bạch. Chúng tôi tìm cách "lừa lừa" để được thông qua, để các dự án phải được đấu thầu công khai, nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện nên thua...! (Cười lớn).
- Ông hình dung sẽ ra sao nếu khi ấy không đàm phán được Hiệp định BTA?
- Hiệp định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực từ tháng 12/2001. Tất cả hàng hoá xuất từ Việt Nam sang Mỹ được hưởng mức thuế quan tối huệ quốc, hay còn gọi là quan hệ thương mại bình thường vô điều kiện. Nguyên tắc cơ bản là khi hai bên dành cho nước thứ ba quy chế gì tốt nhất thì cũng phải dành cho bên kia như vậy.
Đàm phán BTA rất khó nhưng tôi nghĩ là phải làm được. Cả thế giới họ đua nhau vào thị trường Mỹ để phát triển, ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vậy tại sao mình lại đứng ngoài?
Tôi không nghĩ rằng đàm phán sẽ thất bại. Bằng mọi cách chúng tôi phải làm được. Có chết trên bàn đàm phán cũng phải ký xong!
- Là một trong những người có đóng góp thúc đẩy mối quan hệ Việt Mỹ, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước, trong đó đặc biệt là về kinh tế sau 25 năm?
- 25 năm qua Mỹ và Việt Nam từ thù thành bạn, thành đối tác. Trong quá trình phát triển này, kinh tế là trụ cột. Kinh tế càng phát triển nhanh bao nhiêu thì giao lưu càng nhiều, càng hiểu, càng củng cố, tạo dựng được niềm tin.
Hiện nay Việt Nam và Mỹ đã có lòng tin với nhau. Từ đó, mới phát triển được các vấn đề hợp tác khác, đơn cử như an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó là yếu tố về địa chính trị. Vị trí của Việt Nam trong mắt người Mỹ rất quan trọng. Nước Mỹ muốn triển khai chiến lược gì ở châu Á – Thái Bình Dương không thể bỏ qua Việt Nam, họ cần sự ủng hộ của Việt Nam.
- Những thành tựu về kinh tế trong mối quan hệ của hai nước hiện như thế nào so với mong muốn ban đầu của các ông 25 năm trước?
- Kết quả như hiện nay là điều tôi không dám nghĩ ở thời đi đàm phán. Không ai nghĩ được rằng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước hôm nay đạt gần 80 tỷ USD so với con số 450 triệu USD hồi năm 1995. Cũng không ai dám tưởng tượng Mỹ với Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện.
- Khi kỷ niệm 10 năm BTA, ông đánh giá vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam chưa như kỳ vọng. 10 năm sau, nhiều chuyên gia vẫn nhắc lại điều này. Theo ông, vấn đề là gì?
- Lý do thứ nhất là Việt Nam ở cạnh một thị trường 1,4 tỷ dân, quá hấp dẫn. Gần như các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ đã dồn sự quan tâm khai thác thị trường Trung Quốc. Yếu tố này là khách quan, với nhà đầu tư, lợi ích cao hơn hết.
Thứ nữa là môi trường pháp lý, kinh doanh của Việt Nam chưa "sạch" dù đã nỗ lực cải thiện. Luật thì chồng chéo, thủ tục giấy tờ, hành chính còn nhiêu khê, tham nhũng vẫn còn nhiều...
Các tập đoàn Mỹ làm ăn có bài bản không thích kiểu "đánh quả". Để vào một thị trường nào, họ phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hơi. Họ sẽ đầu tư chỉ khi nào thực sự yên tâm với đồng tiền bỏ ra.
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội hút đầu tư FDI từ Mỹ, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 gần đây đang thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất?
- Doanh nghiệp Mỹ sẽ tính xem lợi ích của việc rời khỏi Trung Quốc, theo kêu gọi của Trump và của việc ở lại, cái nào sẽ chiếm ưu thế cả về trước mắt lẫn lâu dài.
Nếu phải chuyển nhà máy, họ sẽ tính toán kỹ điểm đến để đồng tiền tiếp tục sinh lời. Họ sẽ cân nhắc rất thận trọng. Tóm lại, họ sẽ theo chỉ đạo của nguyên tắc lợi ích chứ không phải của tổng thống hay bất cứ ai. Nên tôi nghĩ sẽ chưa có ngay một "dòng vàng ròng cắm cờ hoa" chảy vào lãnh thổ Việt Nam như một số người dự đoán.
Bên cạnh đó, tôi thấy đâu đó có thông tin Mỹ sẽ cùng Việt Nam tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là ý tưởng, chưa phải là chính sách. Tôi thấy chưa có điều gì là cụ thể.
Sau này, nếu có thì quyết định nằm ở phía Việt Nam. Chúng ta liệu có một môi trường pháp lý, kinh doanh tốt, minh bạch để họ muốn vào đầu tư hay không?
- Mỹ dưới thời Donald Trump tỏ ra muốn giảm hợp tác đa phương, ưu tiên quan hệ song phương. Ông cho rằng hợp tác kinh tế với Mỹ sắp tới nên thế nào, nhất là khi mối quan hệ giữa các nước ngày càng đa chiều, phức tạp?
- Giới chính trị Mỹ nhìn vấn đề toàn cầu hoá mỗi thời một khác. Thời Tổng thống Bill Clinton, Barack Obama đều cổ vũ toàn cầu hoá, thúc đẩy các tập đoàn kinh tế Mỹ khai thác sự mở cửa, nguồn lực của kinh tế thế giới. Chiến lược này trong thời gian dài đã mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Mỹ.
Đến thời Tổng thống Trump, ông ấy cho rằng đã qua rồi thời kỳ nước Mỹ đi bao cấp cho thế giới, phải chấm dứt việc các tập đoàn Mỹ ra bên ngoài làm lợi cho các nước khác. Với Trump, nước Mỹ là trên hết.
Ông ấy không bỏ toàn cầu hoá nhưng chính sách đưa ra lại mang tính bảo hộ. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ cũng không thể nào tách khỏi kinh tế toàn cầu. Do vậy, Trump muốn viết lại luật chơi.
Trump không thể sửa ngay lập tức luật chơi đã hình thành trong các tổ chức kinh tế quốc tế. Thay vào đó, ông ấy sửa với từng khối, từng nước một như NAFTA, Hàn Quốc, Nhật Bản..., sắp tới là Anh và EU. Khi sửa được ở song phương, Tổng thống Trump sẽ tính chuyện cải tổ WTO theo hướng đảm bảo cân bằng lợi ích và tính hiệu lực của tổ chức.
Hiện vướng mắc lớn nhất của Việt Nam với Mỹ là thâm hụt thương mại, khoảng hơn 40 tỷ USD trong năm 2019. Mỹ đã đặt vấn đề này nhưng không quá nặng nề với chúng ta. Mặt khác, Việt Nam đã tiếp cận, thể hiện sự quan tâm để cải thiện tình hình. Hai bên đã thiết lập cơ chế để xử lý, để cùng rà soát tồn đọng trong quan hệ thương mại.
Việt Nam cũng tích cực mua thêm hàng hoá của Mỹ, từ nông sản, đến máy bay... Thật ra tôi nghĩ có một cách nữa tốt hơn, là chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nhiều hơn đầu tư từ Mỹ. Điều này sẽ giúp quan hệ kinh tế, thương mại hai nước thêm cân bằng, bền vững.
Phương Ánh
Ảnh: Thanh Huế - Giang Huy
Thiết kế: Tiến Thành