Kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ đều đang trong tình trạng khó khăn, và khơi mào chiến tranh thương mại sẽ khiến đôi bên thiệt hại nặng nề.
Ẩu đả tại biên giới tháng trước giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh và công nghệ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hai quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ mất rất nhiều nếu để xung đột leo thang thành chiến tranh thương mại toàn diện.
New Delhi đã ra tín hiệu sẵn sàng gây sức ép kinh tế lên nước láng giềng. Nhiều tổ chức thương mại nước này tuần trước cho biết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của họ đột ngột tại các điểm kiểm tra hàng của Ấn Độ. Giới chức bang cũng dừng các dự án trị giá hàng trăm triệu USD với đối tác Trung Quốc.
Đầu tuần này, Ấn Độ còn cấm hàng chục ứng dụng điện thoại từ Trung Quốc, như TikTok, WeChat và Weibo. Weibo sau đó cũng gỡ bỏ tài khoản của Thủ tướng Narenda Modi, theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ.
Dù vậy, phản ứng của Bắc Kinh đến nay khá thận trọng. Hôm thứ ba, giới chức Trung Quốc cho biết họ "cực kỳ lo ngại" về lệnh cấm các ứng dụng. Tuy nhiên, Trung Quốc không đe dọa bất kỳ hình thức trả đũa nào. Hôm qua (3/7), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh hai nước nên làm việc với nhau, khẳng định rào cản hợp tác "sẽ khiến Ấn Độ thiệt hại". Giới truyền thông Trung Quốc cũng kêu gọi "cái đầu lạnh" để giải quyết vấn đề.
"Đến nay, Trung Quốc chỉ đang đánh giá tình hình", Geethanjali Nataraj – Giáo sư kinh tế tại Viện Quản lý Công Ấn Độ cho biết, "Chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho nước nào cả".
Lựa chọn của Trung Quốc
Trên thực tế, nếu muốn trả đũa lệnh cấm ứng dụng của Ấn Độ, Trung Quốc cũng có rất nhiều cách. Nước này từ lâu đã là của Ấn Độ. Giai đoạn tháng 4/2019 đến 3/2020, Ấn Độ mua 65 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc mua 16,6 tỷ USD hàng hóa Ấn Độ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ trong giai đoạn này, chỉ sau Mỹ.
Trong khi đó, Ấn Độ chỉ đóng góp phần nhỏ tổng thương mại của Trung Quốc. Xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm 3% tổng của Trung Quốc năm ngoái. Ấn Độ cũng chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Trung Quốc năm ngoái.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng căng thẳng với nước láng giềng châu Á, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá. Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang chịu sức ép từ nhiều mặt trận, trong đó có làn sóng phản đối từ phương Tây với luật an ninh quốc gia và với cách Trung Quốc xử lý đại dịch. Quốc gia này còn đang gặp nhiều thách thức kinh tế, như và thất nghiệp tăng cao.
"Trung Quốc đang duy trì quan điểm cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, nhưng không muốn đối đầu", theo Deng Yuwen – nhà nghiên cứu tại China Strategic Analysis Center cho biết.
Nataraj chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không muốn gây nguy hiểm đến quan hệ thương mại với Ấn Độ, trong bối cảnh kim ngạch song phương đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm. "Các công ty Trung Quốc đang phải giải quyết rào cản thương mại từ Mỹ và nhiều nước khác rồi. Họ cũng đang dư thừa công suất nữa. Vì thế, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ qua thị trường lớn như Ấn Độ đâu", bà giải thích.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn có thể cân nhắc các lựa chọn chính trị khác. Deng cho biết Trung Quốc không thể quá "mềm mỏng" trong tranh chấp biên giới, nếu không muốn người dân phẫn nộ.
"Người Trung Quốc không nghĩ rằng họ nên nhường Ấn Độ", Deng nói, "Trên quan điểm của người dân, Trung Quốc và Ấn Độ là hai vận động viên ở hạng cân khác nhau".
Sự tiến thoái lưỡng nan của Ấn Độ
Nếu tham gia cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ có khả năng "thiệt hại nhiều hơn", Nataraj cho biết.
Cũng như nhiều nước khác, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch và các biện pháp phong tỏa. Sản xuất công nghiệp mùa xuân này sụt giảm mạnh. Ngành dịch vụ thì rơi tự do. Hoạt động kinh doanh đến tháng 6 vẫn còn khó khăn.
Rất nhiều ngành công nghiệp tại Ấn Độ, từ điện tử, dược phẩm đến phần cứng máy tính, đều phụ thuộc lớn vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Nhiều công ty vận tải biển và giao hàng cũng xác nhận căng thẳng giữa hai nước đang gây ra gián đoạn. DHL Express India hôm qua cho biết trên CNN rằng họ đã "tạm ngừng việc nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hong Kong và Macau do khâu thông quan gần đây tại Ấn Độ trì trệ". FedEx cũng thông báo "đang đối mặt với sự đình trệ ngoài tầm kiểm soát, gây tắc nghẽn tại các nhà kho".
"Dù việc kêu gọi dùng đồ trong nước không có gì sai, làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các hãng sản xuất Ấn Độ", Nataraj cho biết, nhấn mạnh việc hạn chế nhập khẩu và tẩy chay hàng hóa sẽ phản tác dụng.
Khả năng trả đũa
Kể cả nếu cả hai quốc gia này có lý do để không khơi mào chiến tranh thương mại, giới phân tích cho rằng cảm xúc vẫn có thể khiến căng thẳng leo thang.
"Ấn Độ hiểu rõ rằng Trung Quốc có thể trả đũa và Ấn Độ đang phụ thuộc vào hàng Trung Quốc hơn là chiều ngược lại. Nhưng tâm lý giận dữ có thể kéo theo nhiều hệ quả", Kanti Bajpai – Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, "Nếu căng thẳng kéo dài, Delhi có thể áp dụng các đòn kinh tế".
Và để trả đũa, Bắc Kinh có thể giảm tốc khả năng tiếp cận thị trường của các công ty Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, như dược phẩm và nông nghiệp, Rick Rossow – một lãnh đạo tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược nhận xét. Trung Quốc cũng có thể rút lại các khoản đầu tư mới dự định đổ vào Ấn Độ.
Đầu tư từ Trung Quốc đã đổ vào nhiều startup và ngành sản xuất Ấn Độ. Tuy nhiên, từ tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã công bố FDI từ các nước có biên giới chung với nước này sẽ được kiểm soát gắt gao hơn.
"Hậu quả kinh tế của các động thái này ban đầu có thể khá khiêm tốn. Tuy nhiên, tác động lớn hơn sẽ xảy ra nếu Ấn Độ muốn tách rời khỏi Trung Quốc và củng cố quan hệ chiến lược với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Pháp", Rossow kết luận.
Hà Thu (theo CNN)