Paris bây giờ ra sao?

PhápVới một số người, Paris vẫn là Paris của trước dịch, và Covid-19 chỉ giống như một giấc mơ.

Tại nhà hàng Chez L'Ami Jean, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những chai nước diệt khẩu dùng để sát trùng tay trên mỗi bàn ăn. Trong một chiếc thùng lớn, khăn tay dùng một lần được chất đầy ắp. Tại lối ra vào của cửa hàng bách hóa xa xỉ Galeries Lafayette, nhân viên bảo vệ đứng xịt nước diệt khuẩn vào tay mỗi khách hàng trước khi họ bước vào.

Dọc theo một trong những huyết mạch giao thông đông đúc nhất thủ đô nước Pháp, xe máy và ô tô được thay thế bằng xe đạp. Mọi người đạp xe cạnh nhau một cách trật tự nhưng vội vã. Và cuối cùng, vào thứ năm hàng tuần, các bậc thang kim loại lên tháp Eiffel lại một lần nữa bận rộn khi du khách đến đây ngắm thành phố từ trên cao, trong khi thang máy vẫn chưa hoạt động lại. Đó là những gì bạn sẽ thấy tại Paris của hiện tại.

Chez LAmi Jean sử dụng chỗ đỗ xe và không gian ngoài trời để kê thêm bàn phục vụ khách, nhằm bù đắp lại việc các bàn trong quán phải giảm đi do để dành không gian cho giãn cách xã hội. Ảnh: CNN.

Chez L'Ami Jean sử dụng chỗ đỗ xe và không gian ngoài trời để kê thêm bàn phục vụ khách, nhằm bù đắp lại việc các bàn trong quán phải giảm đi do để dành không gian cho giãn cách xã hội. Ảnh: CNN.

Cách đây một tháng, Paris hoa lệ dần mở cửa trở lại, nới lỏng lệnh phong tỏa cũng như giãn cách xã hội. Người dân được quay lại các công viên trong thành phố, rời nhà tự do (điều mà trước đó nếu muốn họ cần điền vào một mẫu đơn). Kể từ giữa tháng 6, các nhà hàng, quán cà phê được phép mở lại. Đó là những dấu hiệu rõ ràng nhất về việc lệnh phong tỏa Paris dần đi đến hồi kết.

Trong Covid-19, Paris có đôi chút trở nên xa lạ khi không có bất kỳ quán cà phê, bàn ăn kê ngoài trời hay quán rượu, quán bar nào mở cửa. Tại Chez, một quán cafe nhỏ ở quận 7, đầu bếp Stéphane Jégo sắp xếp các bàn ăn cách nhau theo tiêu chuẩn. Để bù đắp cho việc mất một nửa công suất phục vụ trong nhà hàng 55 chỗ của mình, Jégo kê thêm bàn tại sân vườn ngoài trời - nơi vốn dành làm bãi đậu xe. Đó là thay đổi lớn của quán, nơi từng rất nổi tiếng với khách du lịch và cả người dân địa phương. Trước đây, mọi người đến nơi này để tận hưởng một bữa ăn mang không khí gia đình ấm cúng, nơi các bàn ăn được đặt cạnh nhau cùng không khí ồn ào, vui vẻ.

Ở khu vực chờ xe bus đều đặt nước sát khuẩn tay. Người dân khi tham gia phương tiện công cộng bắt buộc phải đeo khẩu trang. Trên sàn xe lửa có dán các miếng đánh dấu khoảng cách, giúp hành khách có thể đứng cách nhau đúng tiêu chuẩn.

Một số con phố dần xuất hiện các làn đường dành cho xe đạp. Ảnh: CNN.

Một số con phố dần xuất hiện các làn đường dành cho xe đạp. Ảnh: CNN.

Tại các điểm công cộng, người dân không bắt buộc đeo khẩu trang, nhiều cửa hàng tư nhân và bách hóa lớn vẫn yêu cầu mọi người tuân thủ biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus. Điều đó có nghĩa là bạn không thể thử son môi, kem dưỡng tại các quầy làm đẹp. Người mua hàng cũng được nhắc nhở giữ khoảng cách với nhau, ít nhất là 3 bước trên thang cuốn...

Trong bảo tàng Louvre, người ta không còn trông thấy cảnh chen chúc nhau để chiêm ngưỡng kiệt tác Mona Lisa. Bảo tàng đón khách trở lại vào 6/7, khách tham quan phải mua vé trực tuyến và cam kết đến vào một khung giờ nhất định, giống như một cuộc hẹn gặp hoặc đi xem phim. Điều này nhằm giúp các nhà quản lý kiểm soát đám dông. Du khách cũng phải đi theo một con đường được chỉ định đến các bức tranh nhằm giảm bớt tắc nghẽn. Bảo tàng vẫn bán vé tại quầy, nhưng sẽ ưu tiên khách mua vé trực tuyến. Điều tương tự cũng diễn ra tại cung điện Versailles và bảo tàng Orsay. Tại các địa điểm này, du khách cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Dù du lịch giữa các nước trong khối Schengen mở trở lại, việc đón khách đến từ ngoài khối được bắt đầu từ 1/7, Paris vẫn mất một thời gian để đưa mọi thứ trở về ban đầu. Năm ngoái, thành phố này đã đón 38 triệu du khách, trong đó khách Anh - Mỹ dẫn đầu thị trường quốc tế. Chứng kiến một Paris vắng bóng khách du lịch, người dân địa phương phần nào hiểu ra được ngành du lịch đã đóng góp bao nhiêu cho thành phố.

Tháp Eiffel mở cửa lại từ 25/6. Ảnh: CNN.

Tháp Eiffel mở cửa lại từ 25/6. Ảnh: CNN.

Trong chuyến đi ngắn tới đồi Montmartre, Huguette Dauria, dân Paris gốc cho biết bà bị ấn tượng vì sự trống vắng khắp nơi. Mọi cửa hàng đều đóng, và Montmartre vắng bóng người. "Thật kỳ lạ khi nhìn thấy cảnh này. Thành phố thực sự yên tĩnh. Khách du lịch là những người giúp thành phố có sự sống", người phụ nữ 77 tuổi nói.

Patricia Servain, nhân viên bảo tàng ở Paris, 40 tuổi đồng ý với Dauria: "Thật tuyệt vời vì Paris có nhiều không gian hơn, nhưng thành phố đã mất đi hơi thở quốc tế. Tôi nhớ việc nghe thấy các ngôn ngữ khác nhau. Nếu cứ tiếp tục như vậy, mọi thứ sẽ trở nên thật kỳ lạ".

Dù thành phố đã mở cửa lại, Dauria vẫn thất vọng khi thấy một số người dân bỏ qua các quy tắc giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang. "Có vẻ như mọi người không thực sự hiểu những gì vừa xảy ra. Chúng ta cần cảnh giác để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai. Nhưng mọi người đang đi lại khắp nơi mà không đeo mặt nạ. Họ cũng tụ tập theo nhóm lớn là không đúng". Còn Daniel, chồng Dauria, không đồng ý với việc mọi thứ đã khác trước. Anh nói: "Mọi thứ giống như bạn tỉnh dậy sau một giấc chiêm bao. Và mọi thứ dường như chưa từng xảy ra".

Anh Minh (Theo CNN)

Let's block ads! (Why?)