Người nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long lỗ nặng

Các hộ nuôi cá tra đang lỗ nặng khi bán mặt hàng này chỉ 17.000-18.000 đồng một kg, thấp hơn giá thành đầu tư 5.000 -7.000 đồng.

Ông Trí, người nuôi cá ở An Giang lo lắng hơn một tháng nay vì cá tra thương phẩm đã quá lứa nhưng chưa bán được do các nhà máy sản xuất thu mua chậm.

"Hiện tôi bán cá tra thương phẩm với mức giá chỉ 17.000 đồng một kg, lỗ 5.000-7.000 đồng so với mức vốn. Nhưng nếu không bán, chi phí thức ăn tăng cao, tôi lại càng lỗ nặng hơn", ông Trí nói và cho biết, ao nuôi nhà ông đang có khoảng 200 tấn cá vẫn chưa thể bán được.

Cũng cho biết thua lỗ vụ cá tra năm nay, ông Bằng - hộ nuôi ở Cần Thơ đang phải bán cá tra nguyên liệu dưới giá thành. "Cá tra thương phẩm tôi bán chỉ 17.500-18.500 đồng một kg. Trong khi giá thành đầu tư bình quân lên tới 25.000 đồng. Do đó, dù bị lỗ khoang 6.000-7.000 đồng một kg vẫn phải tìm đầu mối để bán", ông Bằng nói.

Ông Bằng cũng cho biết, sau đợt này có thể sẽ ngưng nuôi một thời gian vì ảnh hưởng dịch bệnh đang khiến sức tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh.

Người nuôi thu hoạch cá tra tại ĐBSCL. Ảnh: Ái Nam.

Người nuôi thu hoạch cá tra tại ĐBSCL. Ảnh: Ái Nam.

Không chỉ An Giang, Cần Thơ, mà tại Đồng Tháp, giá cá tra cũng đang lao dốc, nhiều hộ bỏ trống ao vì thua lỗ.

Chia sẻ với VnExpress.net, Giám đốc Hợp tác xã Thuỷ sản Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) ông Trương Văn Điền cho biết, giá cá tra đang xuống quá thấp nên người nuôi cá tra giống và nuôi lấy thịt không có lời, thậm chí lỗ công chăm sóc. Các hộ nuôi cá tra thương phẩm đang bán ra với giá chỉ 17.000 đồng một kg. Do đó, nếu trước đây có khoảng 100 hộ tái đàn, nay tại huyện này chỉ khoảng 20 hộ nuôi tiếp.

"Ngay như ao nhà tôi trước đây nuôi khá nhiều, nay cũng để trống vì sợ tái đàn sẽ thua lỗ nặng hơn. Hiện ở huyện này số lượng ao nuôi đang bỏ trống khá nhiều", ông Điền nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ cho biết, hiện giá cá tra bán ra đang thấp nhất trong 3 năm qua và người dân bị lỗ 5.000-6.500 đồng một kg. 6 tháng đầu năm, tỉnh này đạt hơn 3.310 ha (tăng 2% so với cùng kỳ), thu hoạch đạt sản lượng trên 85.510 tấn. Trong đó, diện tích nuôi cá tra toàn thành phố hơn 567 ha, đã thu hoạch được 50% diện tích với sản lượng 62.400 tấn.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến thả nuôi khoảng 6.600 ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá tra thương phẩm dao động dưới 19.000 đồng một kg khiến tình trạng nuôi giảm.

Nguyên nhân khiến cá tra lao dốc là đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Cộng với sự cạnh tranh của những quốc gia khác tăng cường nuôi cá tra trong mấy năm gần đây.

Hiện sản lượng nuôi cá tra tăng nhanh ở Ấn Độ, Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh nuôi, chế biến cá tra để phục vụ tiêu thụ nội địa... Vì thế, ngành cá tra Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do có những đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Hồng Châu

Let's block ads! (Why?)