Chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng âm khi khả năng dịch bệnh bùng phát đợt hai hiện hữu.
Từ đầu tháng 7, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo kinh tế Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng từ 2,2 đến 3,8%. Với các kịch bản khác nhau về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng dương nhờ vào lực cầu nội địa.
Tuy nhiên, các kịch bản này chưa hề tính đến trường hợp Việt Nam xuất hiện đợt dịch lần hai. Vì thế, với sự xuất hiện của nhiều ca nhiễm và nghi nhiễm mới tại các thành phố lớn, chuyên gia Nguyễn Đức Thành, cựu Viện trưởng VEPR nói với VnExpress: "Nếu phải phong toả các trung tâm kinh tế lớn ở Việt Nam, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đi ngang đã là một thành công lớn".
Với thực tế hiện nay, ông cho rằng VEPR sẽ có dự báo mới. Nhiều khả năng kinh tế có thể tăng trưởng âm khi khả năng dịch bùng phát đợt hai hiện hữu. Tất cả nguồn để tăng trưởng của Việt Nam đã không còn nữa, ông nói.
Hoạt động tiêu dùng, du lịch "phục thù" sau đợt dịch đầu tiên cùng với các chính sách kích cầu nội địa từng khiến giới chuyên gia kỳ vọng GDP có thể hồi phục trong quý III. Tuy nhiên, ông Thành nói hy vọng duy nhất này gần như biến mất, đặc biệt khi miền bắc sắp bước vào mùa thu đông khiến việc kiểm soát dịch bệnh bất lợi hơn so với thời tiết nắng nóng.
Chuyên gia Nguyễn Đức Thành nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế dương không còn thực tế. "Vấn đề làm sao để tăng trưởng âm thấp, thu hẹp tối đa khoảng cách GDP năm nay so với năm ngoái", ông nói.
Trong chiều hướng lạc quan hơn, ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Đại học kinh tế quốc dân cho rằng, trong thời điểm khó khăn nhất khi thực hiện giãn cách xã hội vào quý II, GDP vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng dương (0,36%). Vì thế, khi Covid-19 quay lại, ông hy vọng Việt Nam đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch. Do vậy, tác động đến kinh tế sẽ không mạnh như quý II.
Ông Đạt cũng thừa nhận, chưa bao giờ việc dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm khó khăn như hiện nay khi kinh tế phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố bất định.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Đức Thành nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thấy đáy. Đây là thời điểm bắt đầu của đợt suy giảm mới – khác với đợt suy giảm đầu tiên.
Ông ví von: "Sau đợt đầu tiên người ta vẫn có lương khô, người ta chưa bị đói. Nhưng tới lúc này, doanh nghiệp đang đói mà chịu thêm khó khăn, sức chống chọi rất yếu ớt". Khả năng chống chọi của doanh nghiệp lúc này đang rất thấp nên nếu phải gánh tiếp ảnh hưởng của đợt dịch lần hai, số doanh nghiệp giải thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia nhận định cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và đúng lúc cho doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường chính sách công và quản lý Fulbright từng nhận định, ở những nền kinh tế thị trường nhiều phản biện, nhiều tranh cãi, chính sách họ ban hành trong thời khủng hoảng lại rất nhanh và đồng thuận cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam chính sách đưa ra lại rất khó quyết.
Việt Nam cũng là một trong các nước có gói hỗ trợ tính trên quy mô GDP nhỏ nhất. Chuyên gia của Fulbright nhận định, các gói hỗ trợ lớn nhất lại đặt gánh nặng lên các ngân hàng, trong khi chính ngân hàng cũng sợ rủi ro nợ xấu.
Vì thế, chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tính đến các gói tài khoá khác thực tế hơn ngoài việc hoãn, giãn thuế phải nộp vốn được đánh giá là không có nhiều ý nghĩa. Một số chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, chính sách thời dịch phải nhanh và quyết luyệt, đảm bảo hỗ trợ tính thanh khoản cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Quỳnh Trang