GDP quý II tăng thấp nhất lịch sử thống kê có thể không phải con số tiêu cực nhất và nửa cuối năm vẫn chưa hết khó khăn.
Bức tranh kinh tế trong nửa đầu năm nghiêng về gam màu xám bởi những tác động của dịch bệnh và tình trạng đóng cửa nền kinh tế. GDP quý II tăng 0,36%, khiến tăng trưởng trong nửa đầu năm chỉ đạt hơn 1,8% - những con số . Các trụ cột tăng trưởng như khu vực dịch vụ, công nghiệp chế biến - chế tạo hay xuất nhập khẩu gần như đi ngang, thậm chí sụt giảm so với năm trước.
Con số tăng thấp, nhìn từ khía cạnh tích cực, có thể kỳ vọng vào việc tạo đáy trong đồ thị tăng trưởng và chờ đợi sự trở lại trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi về điều này bởi có nhiều biến số mà Việt Nam không thể kiểm soát.
Nói với VnExpress, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng triển vọng nửa cuối năm còn rất nhiều thách thức, với hai yếu tố lớn là bất ổn của thị trường bên ngoài và những kỳ vọng trụ cột thay thế từ nội tại chưa phát huy tác dụng.
Kết quả tăng trưởng dương trong quý II cho thấy sự tích cực hơn dự báo của VEPR đưa ra đầu năm, do nền kinh tế trở lại sớm hơn dự kiến. Kinh tế nội địa gần như đã phục hồi nhưng phía đầu ra, đặc biệt là xuất khẩu, chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm hơn 2% so với năm trước, với xuất khẩu giảm 1,1%, còn nhập khẩu giảm tới 3%. Con số này không chỉ kết thúc chuỗi tăng liên tục trong hơn một thập kỷ gần đây mà còn cho thấy sự khó khăn của những thị trường bên ngoài. "Là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam không thoát khỏi sự tác động", ông Thế Anh nhận định. Với diễn biến phức tạp trở lại của Covid-19 tại Mỹ, cùng cách tiếp cận thận trọng hơn của những thị trường lớn, hoạt động xuất - nhập khẩu trong những tháng cuối năm được dự báo còn nhiều khó khăn.
Xem thêm:
Bên cạnh đó, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng sự không chắc chắn còn đến từ một số vấn đề nội tại của nền kinh tế. Đầu tư công được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi nhanh, là động lực tăng trưởng bù đắp cho khó khăn từ thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân dòng vốn này đang dưới kỳ vọng. Trong nửa đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 154.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ bằng 33% kế hoạch năm.
Sức cầu nội địa, cho thấy tầm quan trọng trong ngành du lịch và dịch vụ gần đây, nhưng có thể chỉ bù đắp được phần nào sự sụt giảm do độ mở của nền kinh tế đang ở mức cao. Khu vực dịch vụ giai đoạn 6 tháng đầu năm, cũng chung xu hướng với nền kinh tế, tăng thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Bán buôn và bán lẻ là ngành đóng góp tích cực nhất vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế nhưng cũng chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Cũng nhận định kinh tế còn khó khăn trong nửa cuối năm nhưng TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng tình trạng còn có thể bi quan hơn.
"Con số thấp kỷ lục của quý II có thể vẫn chưa là kỷ lục thực sự. Tôi cho rằng những kết quả của quý III sẽ còn xấu hơn nếu như các hoạt động kinh tế không có chuyển mình rõ rệt", chuyên gia này nhận xét. Lý do là độ trễ của chính sách và hoạt động kinh tế khiến "điểm rơi" của khó khăn phải tới nửa cuối năm.
Hoạt động sản xuất trong quý II, theo ông Bảo, vẫn còn cầm chừng do các đơn hàng ký từ cuối năm ngoái và hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp sa thải nhân viên quy mô lớn đang tăng nhanh trong tháng 6, cho thấy tình trạng thu hẹp và dừng sản xuất có thể còn diễn biến tiêu cực.
Hoạt động dịch vụ và du lịch, dù được hỗ trợ bởi sức cầu trong nước, nhưng chắc chắn sẽ chịu tác động mạnh bởi sự thiếu hụt từ khách quốc tế. Các nước đang tiếp cận việc mở cửa thị trường theo hướng thận trọng, nên không có gì chắc chắn ngành hàng không và du lịch có thể phục hồi theo hình chữ V trong nửa cuối năm.
"Triển vọng năm nay có thể là năm xấu nhất kể từ khi kinh tế mở cửa. Cho tới lúc này, việc dự báo khi nào nền kinh tế phục hồi vẫn là một câu hỏi mở do những yếu tố ảnh hưởng nằm ngoài tầm kiểm soát", ông Bảo nói. Những yếu tố quyết định sẽ nằm ở việc khi nào tìm ra vaccine và kinh tế thế giới bao giờ được mở cửa trở lại bình thường.
Cần chính sách hỗ trợ 'thực tế' hơn
Các chính sách hỗ trợ, theo ông Thế Anh, là các giải pháp đi vào những khó khăn thực sự. Như việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có lãi để nộp thuế thì họ không thực sự khó khăn để cần hỗ trợ. Hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nếu vẫn duy trì được lợi nhuận dương thì vẫn đủ sức cầm cự.
Trong khi đó, bộ phận dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế là những người lao động, yếu thế. "Quan trọng nhất hiện nay vẫn là an sinh xã hội. Những gói hỗ trợ không thích đáng thì không nên hỗ trợ mà nên dành nguồn lực tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các thủ tục hành chính", Kinh tế trưởng VEPR nhận xét.
Ở khía cạnh kịp thời, ông Quốc Bảo cho rằng tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong việc triển khai các gói hỗ trợ là do "sợ trách nhiệm". Điều này khiến các chính sách về định hướng là đúng nhưng triển khai chậm và không tạo ra tác động mạnh.
Để giảm bớt tác động, chuyên gia này cho rằng cần có những giải pháp mang tính trọng tâm và triển khai quyết liệt hơn. "Chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ dừng ở lời nói, trên giấy mà chưa đi vào cuộc sống. Chúng ta cứ nhắc đến bình thường mới nhưng những người lao động họ làm sao hiểu được thế nào là bình thường mới", ông Bảo nói và nhấn mạnh nền kinh tế sẽ không thể phục hồi nếu chỉ dựa trên lời nói và khẩu hiệu.
Minh Sơn