Một số phương án có thể giúp Vietnam Airlines tăng vốn nhưng gặp vướng mắc pháp lý, cần cơ chế đặc thù để triển khai.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines vừa đề nghị Chính phủ với vai trò chủ sở hữu hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, nếu không sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8. Trước mắt, doanh nghiệp này đang rất cần tiền để vượt qua giai đoạn thiếu vốn.
Với diễn biến trên, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình việc Chính phủ - trong vai trò chủ sở hữu, cần hỗ trợ Vietnam Airlines. Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong tình huống đặc biệt của Vietnam Airlines cần có giải pháp đặc biệt. "Nếu chậm trễ, mọi hành vi sau đều vô nghĩa. Để ốm nặng rồi thì chi phí sẽ đắt lên", ông ví von.
Tuy nhiên, một số phương án để giúp doanh nghiệp này tăng vốn đang gặp vướng mắc, cần cơ chế đặc thù để triển khai.
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), Vietnam Airlines có thể tăng vốn từ cổ đông hiện hữu (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - CMSC). "Quy mô vốn Vietnam Airlines cần rất lớn, vượt quá tầm quyết định của Ủy ban này nên phải có vai trò của chính phủ", ông Trung đánh giá.
Mặt khác, CMSC không có nguồn tài chính sẵn để đầu tư vào Vietnam Airlines, mà phải thông qua hệ thống vốn Nhà nước. Theo đó, CMSC có thể đầu tư vào Vietnam Airlines qua các doanh nghiệp thành viên như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nhưng phương án này cũng có vướng mắc pháp luật, "cần sự thảo luận" vì kinh doanh vận tải hàng không không thuộc ngành nghề nhà nước phải tăng vốn điều lệ, theo Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng theo ông này, nếu không đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, mà thông qua SCIC hoặc một doanh nghiệp khác thuộc CMSC vẫn có thể vận dụng để đầu tư vốn vào Vietnam Airlines, bởi ở đây còn tranh cãi về khái niệm vốn Nhà nước.
Về phía SCIC, Phó tổng giám đốc Đinh Việt Tùng cho biết, cơ quan này đã làm việc với Vietnam Airlines về việc đầu tư từ rất sớm nhưng tồn tại một số vướng mắc chưa giải quyết được. Theo ông Tùng, SCIC thường phải nghiên cứu, định giá... các thỏa thuận đầu tư mất 6-9 tháng. Điều này sẽ khiến không kịp tiến độ tăng vốn mong muốn của Vietnam Airlines.
Nếu hãng hàng không quốc gia tăng vốn theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng vướng Luật Chứng khoán với quy định doanh nghiệp phải có lãi trong quý gần nhất (quý I, Vietnam Airlines lỗ). Do vậy, phương án này phải trình Quốc hội. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng chưa đưa ra được bức tranh tổng thể dài hạn nên SCIC không đánh giá được tương lai khoản đầu tư.
Theo ông Tùng, nút thắt lớn nhất là SCIC có chức năng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vẫn phải đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn theo Luật 69. Trong khi đó, SCIC hiện không thể dự báo được thời điểm phục hồi của Vietnam Airlines nên khó biết được khả năng bảo toàn, phát triển vốn ngắn và trung hạn. Vì vậy, lãnh đạo SCIC cho rằng phải có "quy định đặc thù" nếu doanh nghiệp này đầu tư vào Vietnam Airlines.
Ngoài ra, ông Tùng nhấn mạnh, doanh nghiệp này phải xây dựng được phương án tổng thể để công khai, minh bạch khi Luật 69 quy định lĩnh vực kinh doanh của Vietnam Airlines không thuộc ngành nghề Nhà nước phải đầu tư vốn.
Ông Trương Văn Phước, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, Vietnam Airlines phải đưa ra được dự báo bảng cân đối kế toán giai đoạn 2020-2023, thời điểm phục hồi, điểm hòa vốn, lùi tất cả khấu hao tài sản cố định..., để xem trong đó có tình huống nào nguy hiểm. "Nếu không giải quyết thuyết phục mặt tài chính, không chính phủ nào dám quyết vấn đề này", ông Phước nói.
Tổ trưởng tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, cuối tuần này tổ sẽ báo cáo Thủ tướng về giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines. Trong đó có việc ủng hộ Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn, cho vay bắc cầu thông qua các tổ chức tín dụng, cho cấp tín dụng vượt hạn mức với Vietnam Airlines; việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn; các vấn đề về khấu hao, chi phí cố định...
Đại dịch khiến dòng tiền của Vietnam Airlines đang suy kiệt khi vừa phải chịu các chi phí cố định như thuê máy bay, bảo dưỡng... vừa phải mất một lượng tiền hoàn vé rất lớn. Nguồn vốn lưu động này với các hãng hàng không lớn trên thế giới bằng khoảng 2 tháng doanh thu, còn với Vietnam Airlines tương đương 1 tháng doanh thu (khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng). Đồng thời, Covid-19 cũng cuốn bay lượng tiền tích lũy vài năm của Vietnam Airlines.
Năm nay, hãng bay này dự kiến doanh thu giảm một nửa so với năm ngoái, xuống khoảng 50.000 tỷ đồng. CEO Vietnam Airlines dự tính lỗ cả năm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, sự phục hồi của Vietnam Airlines cũng đang phụ thuộc vào thời điểm mở cửa trở lại các đường bay quốc tế. Theo CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành, 3 tháng qua, hãng mang hết máy bay đi bay nội địa và mở mới 18 đường bay. Tuy nhiên, ông thừa nhận đây cũng chỉ là giải pháp trong thời gian hè và dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn từ quý IV.
Anh Tú