Cuộc sống của những khách kẹt ở Đà Nẵng

“23h đêm 27/7, nhận thông báo hủy chuyến bay, tôi hơi hoảng loạn, nhưng xác định phải ở lại vì không còn cách nào khác”, Duyên nói.

Chuyến đi Đà Nẵng của Mỹ Duyên (1999, TP HCM) là phần quà sinh nhật cô tự tặng cho bản thân. Có nhiều bạn bè, người quen ở Đà Nẵng nên Duyên đi một mình và thuê căn hộ ở quận Sơn Trà.

Đến đây vào ngày 25/7, Duyên nghe tin về ca nghi nhiễm trong cộng đồng. Dù lo lắng, cô vẫn hy vọng dịch không bùng phát trở lại. "Có tin cách ly xã hội từ ngày 28/7, các hãng bay bắt đầu tăng cường chuyến để đón khách từ Đà Nẵng. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh, tôi trở tay không kịp. Tôi cũng e ngại ra sân bay vào thời điểm đó để đổi chuyến sớm hơn, vì lượng người tập trung quá đông, khả năng lây nhiễm sẽ cao", cô sinh viên 21 tuổi chia sẻ.

Cầm trên tay chiếc vé ngày 28/7, lúc đó Duyên vẫn đinh ninh mình có thể trở về bình thường. "23h đêm 27/7, nhận được thông báo hủy chuyến bay, tôi hơi hoảng loạn, nhưng cũng đành xác định là phải ở lại vì lúc đó không còn cách nào khác", cô nói.

Kẹt lại ở Đà Nẵng 4 ngày, Duyên chỉ loanh quanh trong phòng, xem phim, học tiếng Anh, lúc nào bí bách quá, cô lên sân thượng ngắm biển. "Tôi nhờ bạn mua rau củ, thức ăn rồi mỗi ngày tự nấu. Tôi cảm thấy rất may mắn vì chủ nhà rất nhiệt tình hỗ trợ. Chị chủ không lấy tiền thuê phòng, chỉ lấy tiền điện nên mỗi ngày ở lại đây tôi chi tiêu khoảng 50.000 - 70.000 đồng", Duyên cho biết.

Cô không mong sớm về nhà, mà chỉ mong Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi đại dịch và cuộc sống trở lại bình thường. Chuyến đi là kỉ niệm đáng nhớ với Duyên, cô ấn tượng với cách Đà Nẵng xử lý tình huống khi có ca nhiễm, và lòng hiếu khách của con người nơi này. "Bản thân tôi dù là một trong những người bị mắc kẹt lại đây nhưng cảm thấy rất an tâm. Tôi được hỗ trợ rất nhiều, nếu sau này quay trở lại Đà Nẵng, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục chọn ở căn hộ này", cô bày tỏ.

Còn với Quách Minh Duyên (1987), cô đến Đà Nẵng công tác và theo lịch 29/7 sẽ trở về TP HCM. "Công việc đến ngày 28 mới xong, tôi nghĩ cứ xong việc rồi bay về, sẵn sàng tinh thần cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Tuy nhiên, đến 28/7 có thông báo ngừng tất cả chuyến bay. Bản thân tôi ý thức được việc di chuyển lúc này là không an toàn nên quyết định ở lại", cô cho biết.

Ban đầu cô ở khách sạn, nhưng sau khi có thông báo cách ly xã hội, cô về nhà em gái. Cô tự nấu ăn nên chi phí một ngày hết khoảng 120.000 đồng. Mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho Đà Nẵng, cô đã ủng hộ nước uống cho bệnh viện.

"Ngày nào cũng đọc tin tức để nắm tình hình dịch bệnh, tôi tình cờ biết được số lượng người cách ly rất đông, họ cần nước cũng như những nhu yếu phẩm khác. Vì vậy, tôi nhờ em gái và bạn bè ở Đà Nẵng hỗ trợ vận chuyển nước đến địa điểm tập kết. Sau đó các xe tình nguyện vận chuyển tới bệnh viện", cô bày tỏ. "Nếu quay lại, tôi sẽ đi nhiều nơi chưa kịp đi hết. Tôi không ngại quay lại Đà Nẵng", Minh Duyên nói thêm.

Quách Minh Duyên (trái) vận chuyển nước ủng hộ cho các bệnh viện đến địa điểm tập kết.

Quách Minh Duyên (trái) vận chuyển nước ủng hộ cho các bệnh viện tại địa điểm tập kết. Ảnh: NVCC

Cùng hoàn cảnh với Minh Duyên là Kevin Nguyễn (1993), đến từ Hà Nội. Công ty có dự án ở Đà Nẵng nên anh di chuyển giữa 2 thành phố thường xuyên. Khi có chuyến bay cuối cùng rời Đà Nẵng, nhiều bạn bè gọi điện hỏi thăm nhưng anh quyết định ở lại. "Tuy không tiếp xúc quá nhiều người Đà Nẵng nhưng tôi cũng đến đây nhiều lần, tốt nhất ở lại để khoanh vùng", anh nói.

Đầu tiên, nam du khách thuê giường đơn ở phòng ngủ tập thể, tuy nhiên sau khi có thông tin về ca nhiễm, anh chuyển sang phòng riêng để đảm bảo an toàn, dù chi phí đắt hơn. "Phòng tôi có giá 280.000 đồng/ đêm và phải thanh toán luôn cả 10 ngày. Giờ các quán ăn đóng cửa, không thể gọi ship đồ nên tôi ăn mỳ tôm với ngũ cốc là chủ yếu. Hạn chế ra ngoài nên tôi cũng không mua gì nhiều để dự trữ. Thời gian tới, nếu tình hình căng thẳng hơn, tôi sẽ mua thêm đồ", anh nói.

Anh cho rằng, bản thân đã trải qua thời gian giãn cách xã hội tương tự ở Hà Nội nên cảm thấy bình tâm, hoàn toàn tin tưởng ngành y tế sẽ sớm đẩy lùi dịch. Mỗi ngày, anh dành thời gian làm việc, lên mạng, và cập nhật tình hình dịch bệnh.

Ngân Dương

Let's block ads! (Why?)