Tái diễn nạn chèo kéo, ‘chặt chém’ du khách

Vấn nạn từng làm xấu du lịch Việt Nam tiếp diễn khi khách nội địa đến các điểm tham quan trong nước đông hơn.

Chỉ trong thời gian ngắn du lịch hoạt động trở lại sau dịch bệnh, liên tiếp xảy ra nhiều vụ "chặt chém" du khách. Đáng nói, các trường hợp này diễn ra trong bối cảnh ngành du lịch đang ra sức kêu gọi "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

Ăn xin quấy rối

Hơn một tháng trở lại đây, khi tình hình dịch bệnh trong nước về cơ bản đã được kiểm soát, giãn cách xã hội được gỡ bỏ khiến du lịch nội địa ấm dần lên. Nhưng đi kèm với đó là tình trạng người ăn xin đeo bám du khách.

"Vừa bước ra khỏi khách sạn, tôi bị ăn xin làm phiền ngay. Mất hết cả cảm xúc", anh Nguyễn Văn Ninh, 36 tuổi, đến từ TP HCM, cho biết khi được hỏi về chuyến du lịch Vũng Tàu của mình cuối tuần qua.

Bốn ngày trước, đoàn khách từ TP HCM đi du lịch Phú Quốc cũng bị ăn xin làm phiền, quấy rối khi ăn tối trong một nhà hàng ở An Thới. "Vẫn biết vì cuộc sống họ mới phải đi xin. Nhưng cứ giật tay, làm phiền nhiều lần và xin với số tiền tối thiểu là 50.000 đồng thì khó chấp nhận", một thành viên trong đoàn nói.

Tại các điểm du lịch ở TP HCM như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, thời điểm trước dịch thường xuyên xảy ra tình trạng người bán hàng rong đeo bám, quấy rầy du khách. Ảnh: Nguyễn Nam.

Tại các điểm du lịch ở TP HCM như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, thời điểm trước dịch thường xuyên xảy ra tình trạng người bán hàng rong đeo bám, quấy rầy du khách. Ảnh: Nguyễn Nam.

Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour, tình trạng bị ăn xin hay những người bán hàng rong "quấy rối" khách du lịch ở các khu, điểm không phải là vấn đề mới. Tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm, nhưng cơ quan quản lý không có cách nào xử lý. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi gần đây cả nước kêu gọi du khách quay lại các điểm tham quan.

Tại TP HCM, thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, tại các điểm du lịch như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành... cũng nhan nhản người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách du lịch.

"Mỗi khi đoàn xe đỗ xuống Bảo tàng chứng tích chiến tranh, những người bán hàng rong vây quanh để chào mời. Để bảo vệ đoàn, trước khi tới điểm tham quan, chúng tôi thường sẽ nhắc nhở khách hãy chú ý tư trang; chỉ mua những món hàng cảm thấy cần thiết", anh Đức Nam, hướng dẫn viên (HDV), nói.

Khẳng định điều này, ông Dũng nói thêm, hàng ngày HDV thường dẫn khách đến các tuyến, điểm nên "rất sợ bị trả thù". "Vì những người bán hàng rong thường hoạt động có hệ thống, tổ chức nên HDV chỉ có thể bảo vệ khách bằng những lưu ý họ cảnh giác hơn".

'Chặt chém'

Gia đình chị L. thuê tàu Hải Anh 10 QN-6018 tham quan vịnh Hạ Long theo tuyến 1, xuất bến lúc 7 giờ 15 phút ngày 30/5 từ cảng Tuần Châu đi Thiên Cung, hòn Trống Mái với mức 500.000 đồng/giờ (theo hợp đồng vận chuyển khách của tàu đã ký ngày 30/5/2020). Nhưng thực tế, tàu chở gia đình chị rời cảng lúc 7 giờ 45 phút, tổng thời gian cho cả hành trình chỉ 2 giờ 41 phút nhưng phải trả 2 triệu đồng (thay vì 1,4 triệu đồng).

Du khách đông đúc chuẩn bị xuống tàu tham quan hang Luồn ở vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Cương.

Du khách đông đúc chuẩn bị xuống tàu tham quan hang Luồn ở vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Cương.

Mặc dù phía tàu sau đó trả lại tiền cho du khách, nhưng UBND TP Hạ Long đã lập đoàn kiểm ra và ra văn bản đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng, bến đối với tàu du lịch này trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày 9/6/2020.

Sự cố tàu Hải Anh 10 không khiến các chủ tàu khác "chùn tay" khi chỉ nửa tháng sau đó, nhóm du khách khác tố tàu Âu Lạc 18 "chặt chém". Cụ thể, ngày 14/6, 10 du khách đến từ Hà Nội thuê riêng tàu Âu Lạc 18, số hiệu QN - 5796 và mua vé tham quan vịnh Hạ Long, tuyến số 1. Khi kết thúc hành trình, phía tàu yêu cầu phải thanh toán tổng cộng 3,5 triệu đồng tiền dịch vụ thuê tàu riêng.

Nhóm du khách cho rằng, trước khi đoàn lên, trên tàu đã có 3 khách khác cùng đi chung hành trình. Đoàn thắc mắc nếu đi tàu ghép chỉ mất 2 triệu đồng cho cả 10 người, nhưng người đại diện của tàu vẫn nhất quyết yêu cầu họ thanh toán 3 triệu đồng cho cả chuyến đi và bớt 500.000 đồng. Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long khẳng định, địa phương đang thanh tra, kiểm tra vụ này. "Nếu đúng như phản ánh của khách, sẽ đình chỉ tàu 90 ngày và xử phạt vi phạm hành chính", ông Sơn nói.

Trước đó, đầu tháng 6, khách sạn OYO Hải Anh VIP ở Bãi Cháy, TP Hạ Long, bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng vì tự ý hủy phòng của khách nhưng không thông báo.

Một phụ nữ bán hàng rong chào mời nhóm du khách nước ngoài trước Bưu điện TP HCM. Ảnh: Nguyễn Nam.

Một phụ nữ bán hàng rong chào mời nhóm du khách nước ngoài trước Bưu điện TP HCM. Ảnh: Nguyễn Nam.

Phạt nặng

Nạn ăn xin, hàng rong đeo bám khách du lịch hay "chặt chém" là một trong những điểm trừ, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam "an toàn, thân thiện".

Để xử lý vấn đề này, theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, địa phương sẽ nghiêm khắc trong việc xử phạt. Với hành vi nâng giá dịch vụ tàu du lịch để "chặt chém" du khách, lãnh đạo địa phương này quyết định ngừng hoạt động 90 ngày đối với phương tiện.

"Coi đó là sự răn đe, là tấm gương cho những doanh nghiệp đang có ý định hoặc cố tình vi phạm. Hi vọng với mức xử phạt này sẽ cảnh tỉnh những doanh nghiệp kinh doanh kiểu chụp giựt", ông Thủy nói. Với doanh nghiệp, việc phải ngừng hoạt động 90 ngày là tổn thất rất lớn không chỉ về kinh tế.

Đại diện Lữ hành Fiditour cũng thừa nhận, để giải quyết dứt điểm vấn nạn "chặt chém", chèo kéo... cơ quan chức năng phải mạnh tay trong xử lý vi phạm; đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.

"Chẳng hạn trước đây, mỗi khi khách tới Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, hàng loạt người bán hàng rong đeo bám để mời mua những vật phẩm được làm từ đá. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương cho phép mở những quầy bán hàng thì tình trạng trên không còn. Hay tại Sa Pa, khoảng 5 năm trước, khách du lịch tới bản Cát Cát sẽ bị người dân chèo kéo, bủa vây để mời mua những mặt hàng đặc sản của địa phương thì nay, khi phát triển du lịch cộng đồng, tình trạng này đã hết hẳn", ông Lê Phong Trần, phụ trách thị trường inbound của một doanh nghiệp lữ hành ở TP HCM, nêu ví dụ.

Nhiều doanh nghiệp du lịch đồng tình rằng, đây là thời điểm cơ quan quản lý tìm cách giải quyết những tồn tại của ngành du lịch bấy lâu nay, để khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau dịch, điểm đến của Việt Nam có diện mạo mới.

Nguyễn Nam

Let's block ads! (Why?)