Kế hoạch doanh thu thuần của Sabeco năm nay giảm 37%, còn 23.800 tỷ đồng và chạm đáy kể từ năm 2012.
Ngoài kế hoạch doanh thu thận trọng, lợi nhuận sau thuế cũng được Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ra chỉ tiêu giảm 39%, xuống 3.252 tỷ đồng.
Trình đại hội đồng cổ đông mục tiêu khiêm tốn, Hội đồng quản trị Sabeco cho biết thị trường bia đang đối mặt với những khó khăn lớn từ chính sách khi Nghị định 100 liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu bia. Đồng thời, Nghị định 24 có hiệu lực cũng đặt ra các quy định khắt khe hơn với hoạt động tiếp thị, quảng cáo bia.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam cũng lo ngại tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh khi các quán bia rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm phải đóng cửa trong thời gian dài. Sự cạnh tranh thị phần cũng gay gắt hơn dù xu hướng tiêu thụ các dòng bia cao cấp có thể tăng nhờ thu nhập người dân được cải thiện.
"Điểm sáng tạo nên động lực tăng trưởng là sự bình ổn trong mảng sản xuất, kinh doanh khai thác thị trường nội địa và sức mua hàng của hàng chục triệu dân", tờ trình của Hội đồng quản trị Sabeco viết.
Ba tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Bia vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với 88%, còn lại đến từ bao bì vật tư, nước giải khát và rượu. Lợi nhuận sau thuế giảm sâu 44%, đạt chưa đến 720 tỷ đồng dù công ty cho biết đã cắt giảm nhiều chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Đây là mức lãi thấp nhất tính theo quý từ đầu năm 2013 đến nay.
Cuối tháng 5, ThaiBev - công ty mẹ của Vietnam Beverage, cổ đông lớn nhất của Sabeco phải lên tiếng chuyện đang tìm kiếm người mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam.
"Công ty không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào", ThaiBev khẳng định và cam kết hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của các mảng tại Việt Nam, đặc biệt với Sabeco nhằm củng cố vị thế nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu trong ngành bia.
Phương Đông