Petrolimex giục PGBank sáp nhập HDBank

Đại diện Petrolimex, cổ đông sở hữu 40% vốn PGBank, dọa sẽ thoái vốn nếu việc sáp nhập với HDBank không thực hiện trước ngày 31/8.

Thông tin trên được ông Trần Ngọc Năm, thành viên Hội đồng quản trị PGBank, chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng nay (24/6). Ông Năm đồng thời cũng là trưởng nhóm đại diện phần vốn góp của Petrolimex tại PGBank.

"Chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi việc sáp nhập. Bao nhiêu tâm huyết của các cổ đông dồn vào ngân hàng. Là cổ đông lớn chúng tôi thậm chí còn áp lực hơn những cổ đông khác", ông Năm nói và cho biết thêm, Petrolimex đang chịu áp lực phải thoái phần vốn góp tại PGBank do vượt quá tỷ lệ theo quy định.

Nếu đến 31/8 việc hợp nhất PGBank và HDBank chưa thể hoàn tất, đại diện Petrolimex cho biết tập đoàn sẽ lên kế hoạch bán 40% cổ phần cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, việc thực hiện, theo ông Năm, sẽ trên tinh thần thận trọng, tránh vi phạm các điều khoản trong hợp đồng sáp nhập với HDBank. 

"Cái gì phải thoả thuận với HDBank thì thỏa thuận, cái gì PG Bank thực hiện được thì nên thực hiện. Hội đồng quản trị nên sớm đưa các nội dung này để làm việc với HDBank, phải bày tỏ quan điểm không thể chờ mãi được", ông Năm nói.

Theo ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank, hiện tại ngân hàng này và HDBank vẫn trong quá trình thực hiện sáp nhập, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thông qua đề án cuối cùng. Trước đó, về mặt nguyên tắc từ tháng 9/2018.

Ngoài vấn đề sáp nhập, cổ tức cũng là một "điểm nóng" được quan tâm. Theo đại diện PGBank, việc quyết định tỷ lệ chia cổ tức 10% bằng cổ phếu đã được ngân hàng cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm cả những lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động. 

Về kế hoạch kinh doanh, PGBank năm nay đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,7% lên gần 34.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,6% với tổng huy động tăng 8,3%. Ngân hàng dự kiến thu hồi 521 tỷ đồng nợ xấu, trong đó hơn 200 tỷ là nợ xấu nội bảng và 268 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, còn lại là thu nợ đã xử lý dự phòng rủi ro.

Tổng thu nhập hoạt động dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 13% so với 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận dự kiến tăng 112% do giảm dự phòng rủi ro tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm mục tiêu đạt 2,9%, so với mức 3,16% cuối năm 2019.

Năm 2019, tình hình nhân sự của PGBank phần nào được cải thiện sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi thông tin sáp nhập. Số lượng lao động bình quân là 1.579 người với mức lương trung bình gần 13,4 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên năm nay, PGBank dự kiến không tuyển thêm người, tập trung kiện toàn bộ máy và nâng cao năng suất.

Ngoài ra, các cổ đông cũng thông qua kế hoạch lưu ký và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, uỷ quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)