Một số doanh nghiệp chế biến, dệt may cho biết việc kéo dài nghỉ Quốc khánh có thể kích cầu mua sắm nội địa, giúp họ tiêu thụ sản phẩm tồn.
Mới đây, lãnh đạo ngành du lịch đề xuất Chính phủ kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 thêm bốn ngày để kích cầu du lịch sau Covid-19. Đây cũng là đề xuất của hơn 30 doanh nghiệp du lịch với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Trả lời VnExpress, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bày tỏ muốn kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 để kích cầu mua sắm trong nước - tạo cơ hội cho sản phẩm của họ tiêu thụ.
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho rằng, hiện nay các đơn hàng của doanh nghiệp dệt may cũng chưa nhiều. Đa phần hoạt động phục vụ cho nội địa nên đây cũng là dịp để mọi người nghỉ ngơi, du lịch và mua sắm trong nước. Khi sức tiêu thụ hàng hóa dệt may trong nước chuyển biến hơn, các doanh nghiệp ngành này cũng được hưởng lợi từ việc kích cầu.
Theo ông, các năm trước cũng có lúc doanh nghiệp nghỉ 3-5 ngày trong dịp lễ 2/9. Và khi đó, doanh nghiệp đã lên kế hoạch sắp xếp làm bù để mọi người có cơ hội nghỉ dài ngày và có thời gian mua sắm, du lịch cũng như tái tạo sức lao động.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo trong ngành chế biến thực phẩm ở TP HCM cho rằng, sản lượng hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp đang khá dồi dào nên việc cho công nhân nghỉ làm 5 ngày không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Năm nay dịp 2/9 cho nghỉ 5 ngày là đúng thời điểm để kích cầu du lịch sau thời gian dài dịch bệnh. Ngoài ra, đây cũng là cách để người tiêu dùng mua sắm và chi tiêu nhiều hơn. Khi đó, doanh nghiệp của bà cũng được hưởng lợi.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI lại cho rằng, sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kết nối các chuỗi giá trị và giành lại thị trường đã mất sau thời gian dài đình trệ vừa qua.
"Các doanh nghiệp khu vực sản xuất đều đang gồng mình để cố gắng trụ vững sau dịch. Thậm chí giờ nếu kéo dài thời gian nghỉ lễ 2/9, doanh nghiệp có thể gặp thêm khó khăn về quỹ lương phải trả cho người lao động", ông Lộc nói.
Ông Đỗ Văn Sinh - uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, vừa qua sản xuất đã đình trệ, chủ doanh nghiệp cần lực lượng lao động để khôi phục sản xuất, giờ lại cho nghỉ kéo dài là không hợp lý ở góc độ sản xuất. Thậm chí ông nói, đề xuất kéo dài ngày nghỉ 2/9 là "phi kinh tế" trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2020, người lao động có lễ Tết, tính cả thứ bảy và chủ nhật liền kề. Từ nay đến cuối năm còn duy nhất kỳ nghỉ lễ một ngày dịp 2/9. Từ năm 2021, Việt Nam sẽ dịp 2/9, ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tùy lịch từng năm.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê tính đến cuối tháng 4/2020, Covid-19 khiến gần 5 triệu lao động phải ngừng hoặc mất việc, kéo tỷ lệ người có việc làm xuống thấp nhất trong mười năm; riêng ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung sáng nay khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội cũng nêu nhiều lý do không chấp thuận đề xuất tăng ngày nghỉ dịp 2/9 năm nay và đã được Thủ tướng đồng tình.
Anh Minh - Thi Hà