Nên mở cửa trở lại nền kinh tế lúc này?

Chuyên gia cho rằng nên mở cửa "có lộ trình" với các nền kinh tế thay vì "mở toang" để tránh xóa đi thành quả chống dịch của Việt Nam.

Đề xuất mở cửa quan hệ thương mại trở lại với 17 nền kinh tế - những đối tác quan trọng chiếm 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% du khách của Việt Nam được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại diễn đàn Quốc hội sáng 15/6.

Xuất khẩu gặp khó

Nói VnExpress, đại diện Bộ Công Thương cho biết, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác, trong đó có 17 đối tác trên trong thời gian dịch bệnh không đóng hoàn toàn mà vẫn duy trì qua nhiều kênh khác nhau.

Việc "mở cửa trở lại", theo vị này, bao gồm mở lại các đường bay quốc tế, khôi phục lại xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư... triển khai hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh và du lịch ở trạng thái bình thường. 

Thực tế, không đóng quan hệ kinh tế nhưng việc các bên áp dụng các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh khiến hoạt động hợp tác sản xuất, xuất nhập khẩu, đi lại của các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài giữa Việt Nam với nhiều thị trường khó khăn. Điều này theo Bộ Công Thương, ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực vốn là "ngôi sao xuất khẩu" như điện thoại, linh kiện, dệt may, da giày...

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng EU đã giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 13,3 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU đạt 19 tỷ USD, giảm gần 6%. Các mặt hàng vẫn có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giày... đều giảm. 5 tháng xuất khẩu giày dép đạt gần 4,6 tỷ USD, giảm xấp xỉ 1,4%; dệt may đạt 6,37 tỷ, giảm 18,14%; hay thủy sản đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,6%...

Sản xuất ống nhựa tại nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Phương Đông

Sản xuất ống nhựa tại nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Phương Đông

Hà Lan, Đức và quần đảo Virgin (Anh) cũng là các nước hàng đầu đầu tư vào Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển dịch sản xuất, việc từng bước mở cửa trở lại sẽ khuyến khích, tạo cơ hội khai thác đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo mục tiêu an toàn phòng chống dịch đồng thời phát triển kinh tế.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, da giày và dệt may là hai trong số nhiều lĩnh vực hứng chịu nhiều rủi ro khi Covid-19 ập tới. Kim ngạch xuất khẩu các ngành này đã sụt giảm bình quân 20-30% so với trước khi dịch bùng phát.

"Các doanh nghiệp da giày đang rất mong Việt Nam mở cửa giao thương trở lại với các đối tác kinh tế, thị trường xuất khẩu lớn", bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xác Việt Nam nói với VnExpress

Bà Xuân phân tích, Covid-19 đã khiến doanh nghiệp da giày sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trên 20%. Họ cố gắng cầm cự, giữ chân người lao động, nhưng thực tế việc không có đơn hàng đã khiến một số đơn vị buộc phải giảm lao động. "Mở cửa bình thường trở lại sớm ngày nào sẽ giúp doanh nghiệp, trong đó có da giày bớt khó khăn ngày đó vì phần lớn da giày 'sống' dựa vào các đơn hàng xuất khẩu", bà nói.

Cũng trong cảnh "ngóng" các đơn hàng xuất khẩu, nhưng với dệt may, điều các ông chủ dệt may quan tâm lúc này, là các thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ, EU đã mua bán trở lại bình thường hay chưa. Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói: "Chừng nào thị trường tiêu dùng các nước này hoạt động bình thường trở lại, việc mở cửa với ngành dệt may mới có ý nghĩa, bởi khi đó mới có chi tiêu, mua sắm, đơn hàng...", ông chia sẻ. 

Mở cửa như thế nào?

Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét có lộ trình nới lỏng dần việc xuất nhập cảnh, mở cửa trở lại từng bước và hợp lý nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân nhân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ là các đối tác kinh tế, thương mại lớn, đã kiểm soát tốt dịch bệnh. 

"Việc có lộ trình nới lỏng dần xuất nhập cảnh, mở cửa trở lại từng bước và hợp lý với các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế, thương mại, kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ tác động tích cực tới kinh tế trong nước", Bộ Công Thương nhận xét. 

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam chỉ nên mở cửa giao thương với các đối tác "khoẻ". Từ kinh nghiệm thực tiễn các nước, Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có thể xác định ngưỡng an toàn với một nước là không quá 10 người mắc Covid-19 trên một triệu dân. 

Ông nêu ví dụ với 10 nền kinh tế có thể lên lộ trình cụ thể để mở lại quan hệ thương mại, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, HongKong, Đức, Australia, quần đảo Virgin. Còn 7 đối tác, là Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia và Malaysia, do hiện chưa an toàn có thể cần theo dõi thêm. 

Ông Lê Tiến Trường (Vinatex) thì nhắc tới sự linh hoạt của chính quyền Singapore mới đây khi quyết định mở lại giao thương và không bắt buộc yêu cầu cách ly 14 ngày với khách đến từ Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam cũng có thể xem xét, khách đến từ các nước, vùng lãnh thổ đã an toàn, có thể được nới lỏng kiểm soát phòng dịch. "Tất nhiên sức khoẻ của người dân vẫn phải hàng đầu, nhưng sự linh hoạt trong bối cảnh hiện nay cũng cần được cơ quan quản lý cân nhắc", ông chia sẻ.

Xem thêm:

Ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế nói "kinh tế quan trọng nhưng sức khoẻ người dân cũng quan trọng không kém". Ông lưu ý việc mở cửa trở lại phải có lộ trình cụ thể, song song với kiểm soát dịch bệnh. "Chúng ta mở cửa có kiểm soát chứ không phải mở toang. Phương thức tiếp cận, cách thức giao tiếp cũng cần trên cơ sở kiểm soát Covid-19", ông nói. 

Ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhìn nhận, việc mở cửa trở lại để nền kinh tế phục hồi nhanh hơn cần xem xét thận trọng. "Nếu không quản lý chặt chẽ, chưa biết phục hồi kinh tế ngày nào lại quay ra dập dịch thì căng thẳng hơn nhiều", ông nói.

Nhắc tới tình trạng chưa kiểm soát được Covid-19 đang xảy ra ở nhiều quốc gia, như Bắc Kinh (Trung Quốc) đang phải đối diện với nguy cơ bùng phát dịch lần thứ hai với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, ông Cường cho rằng nguy cơ quay trở lại của Covid-19 còn lớn. 

Theo ông, ưu tiên giai đoạn này vẫn là làm sao để bảo đảm vững chắc thành quả phòng chống dịch, còn việc mở cửa phải tính toán thật chặt chẽ và có những bước đi đảm bảo rằng việc không có rủi ro cho công tác chống dịch trong nước. 

'Kích' thị trường nội địa 

Trong lúc kịch bản về mở cửa giao thương trở lại với các nền kinh tế, đối tác lớn đang được cân nhắc, sự chuyển dịch "kích cầu" tiêu dùng thị trường nội địa cũng là một giải pháp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5 - tháng đầu tiên nền kinh tế trở lại trạng thái "bình thường mới", đạt gần 350.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ tháng trước.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, doanh số bán lẻ tháng 5 tăng gần 27% một phần nhờ lực cầu bị "nén" trong tháng 4 đã được giải tỏa. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách để cầu tiêu dùng trong nước hồi phục ngang bằng so với mức trước khi có dịch bệnh, chứ chưa nói đến việc lấy lại đà tăng trưởng 10% như trong năm 2019.

Sau khi một phần nhu cầu đã được "giải nén" trong tháng 5, theo BVSC, doanh số bán lẻ tháng 6 sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh, có thể sẽ chỉ tăng dưới 5%. Dự báo doanh số bán lẻ năm 2020 chỉ đạt mức tăng 3 - 5% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8 - 10% trong các năm gần đây). Vì thế, lúc này kích cầu thị trường nội địa, tăng sức mua trong nước sẽ là "cứu cánh" cho các doanh nghiệp, nền kinh tế. 

Loạt giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển thương mại tiêu dùng nội địa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương... được Bộ Công Thương tính tới.

5 tháng đầu năm, sản lượng bán hàng của Ôtô Trường Hải (Thaco) giảm hơn 30%, theo ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco. Cũng giống nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô khác trong nước, Thaco tìm mọi cách để "đẩy" hàng, tránh lượng tồn kho quá lớn.

CEO Thaco cho hay, doanh nghiệp tận dụng mọi kênh tiếp thị, bán hàng để "kích cầu" tiêu dùng của người mua xe ở thị trường nội địa. "Tình hình sang tháng 5 đã khả quan hơn khi loạt chính sách thuế, phí được cấp có thẩm quyền xem xét giảm", Tổng giám đốc Thaco nói và nhìn nhận, lúc này các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp như Thaco có thể trụ vững, vượt qua khó khăn vì Covid-19. 

Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics... 

Ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các bộ ngành thì các doanh nghiệp qua kênh bán hàng trực tiếp, online... đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng cần tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)