Lên núi cho cá bú bình

Khánh HòaDu khách được trải nghiệm cho khoảng 1.000 con cá chép ăn bằng bình sữa em bé hoặc câu cá sấu trên vùng núi Khánh Vĩnh. 

Anh Nguyễn Toàn Thắng, 39 tuổi, ở huyện Diên Khánh, đưa vợ và con đến khu du lịch Yang Bay ngày cuối tuần qua. Cả gia đình dừng xe lại ngắm cây mộc thần, rồi người bố tới quầy mua bình thức ăn giá 10.000 đồng để con trai, 7 tuổi, cho cá ăn.

Cả nhà anh Thắng vừa đặt bình xuống, các chú cá ngoi lên đớp thức ăn. Trong vài phút, bình nhựa hết sạch. Đứa trẻ con anh Thắng hứng khởi, la hét vui mừng. "Bình thường, mình chỉ thấy người ta cho trẻ bú bình, nhưng giờ lại cho cá bú bình. Hình thức du lịch như vậy rất hấp dẫn", anh Thắng nói.

Hơn 1.000 con cá chép được ăn bằng bú bình ở Khánh Hòa

Du khách thích thú khi thấy đàn cá hàng nghìn con nhô lên khỏi mặt nước trong hồ rộng khoảng 500 m2, đua nhau ngậm núm bình sữa chứa thức ăn. Video: Xuân Ngọc.

Cá bú bình nằm trong hồ gần cây mộc thần 500 tuổi. Cây mộc thần ở đây gồm ba cây quấn lấy nhau, là cây da, cây sanh cổ thụ và một cây rừng nhỏ mọc trong hộc cây da, tạo thành gốc cây khổng lồ hơn 20 người ôm. Người dân nơi này cho rằng cây linh thiêng, nên gọi tên mộc thần. Từ đường vào khu du lịch, du khách sẽ đi qua điểm cho cá bú bình. Trên hồ nước, có nhiều tảng đá được đúc lên, du khách có thể đứng để cho cá bú bình. 

Tại hồ có nuôi hơn 1.000 con cá chép, trong hồ rộng 500 m2. Mỗi lần, khách ghé tới, tay cầm bình sữa chứa thức ăn đặt xuống, đàn cá nhô lên khỏi mặt nước, đua nhau ngậm núm bình.

Đàn cá được các nhân viên huấn luyện theo nguyên tắc phản xạ điều kiện, để cá đói và tập cho ăn bằng thức ăn đựng trong bình đựng sữa của trẻ em. Mỗi ngày, họ tập cho cá ăn hình thức này, lâu dần chúng hình thành thói quen để đưa vào phát triển du lịch. Mỗi bình chứa thức ăn cho cá có giá 10.000 đồng, trò chơi thu hút nhiều du khách, nhất là các em nhỏ.

Đàn cá ngôi lên để bú khi du khách thả bình chứa thức ăn xuống. Ảnh: Xuân Ngọc.

Đàn cá ngôi lên để bú bình khi du khách đưa bình chứa thức ăn xuống. Ảnh: Xuân Ngọc.

Ở Yang Bay còn có nhiều trò vui khác. Sáu người trong nhà anh Nguyễn Hồ Ngọc Tiến, 33 tuổi, quê huyện Diên Khánh, đến khu du lịch trên núi khá sớm. Tham quan các điểm vui chơi, họ vào trại cá sấu trải nghiệm cảm giác câu loài bọ sát ăn thịt hung tợn này.

Anh Tiến lấy sáu chiếc cần câu, rồi đến nơi các nhân viên đang túc trực để gắn mồi là phổi bò. Phía dưới, chừng 300 con cá sấu được thả trong hồ rộng 1.000 m2, độ sâu 6 m, để khách trải nghiệm. Hàng trăm con cá sấu há miệng chầu chực, chờ đớp mồi.

Thoạt đầu, hai người con anh Tiến có vẻ dè chừng khi thấy những con cá sấu lúc nhúc dưới nước. Sau khi được bố giải thích, cùng việc quanh hồ được rào chắn bằng lưới thép, các bé bớt sợ, rồi cùng người lớn thả cần câu.

Trong tích tắc, miếng mồi từ cần câu đã bị cá đớp sạch, rồi lặn xuống nước. "Cần thủ" tỏ ra thích thú, bày tỏ sự hài lòng. "Thường xem thông tin về loài cá sấu, nhưng lần đầu tiên cầm cần câu chúng thấy cũng hay", anh Tiến nói.

Cùng công ty đi du lịch thường niên, ông Nguyễn Long Hồ, 52 tuổi, quê thị xã Ninh Hòa cho hay, khi cá sấu cắn mồi, rồi giật cần câu rất thích. Mỗi lần thấy chúng nhe răng, chồm lên, trông khá sợ nhưng cảm giác điều khiển được chúng rất thú vị.

Ông Hồ nói, lúc đầu thấy mọi người rủ câu cá sấu, trong đầu ông hiện lên cảnh tưởng loài vật hoang dã với hàm răng sắc nhọn, dữ tợn và chờ đớp mồi nên lo sợ. Lúc đến đây, trải nghiệm mô hình này rồi, ông thấy hấp dẫn. Nhất là cảm giác được tận tay chạm, vuốt ve vào làn da sần sùi của chúng.

Gia đình anh Nguyễn Hồ Ngọc Tiến trải nghiệm mô hình câu cá sấu trên núi huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Xuân Ngọc.

Gia đình anh Nguyễn Hồ Ngọc Tiến trải nghiệm mô hình câu cá sấu trên núi huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Xuân Ngọc.

"Hoạt động này giúp đa dạng hơn các loại hình du lịch để trải nghiệm và cũng cảm giác an toàn khi xung quanh có lưới bảo vệ", ông Hồ nói và cho hay, lần sau sẽ đưa các con đến để trải nghiệm.

Đây là một trong những mô hình làm đa dạng hơn cho khu du lịch, khách có nhiều trải nghiệm khi đến đây vui chơi, Võ Thanh Chuyền, nhân viên khu du lịch Yang Bay, cho biết.

Theo anh Chuyền, năm 2012, khi lượng khách đông dần đã bắt đầu nuôi cá sấu để phục vụ du lịch. Khi ấy, đơn vị phải cử vài nhân viên làm huấn luyện cá sấu từ bé, để chúng bớt hung dữ mới có thể đưa vào mô hình trải nghiệm.

Tại khu du lịch, hoạt động trở lại hồi cuối tháng 5, sau thời gian nghỉ vì Covid-19. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 150 lượt khách đến tham quan. Nơi đây, du khách còn nhiều trò chơi khách như tắm thác, cưỡi ngựa, đua heo... tắm bùn.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh (Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa) cho hay, địa phương nổi tiếng với du lịch biển, đảo. Thế nhưng, các loại hình như câu cá sấu, cho cá bú bình giúp đa dạng hơn cho ngành du lịch và khách sẽ có thêm nhiều lựa chọn để trải nghiệm.

Theo bà Thanh, Khánh Hòa đang phát triển các gói kích cầu, giảm giá các dịch vụ, song vẫn đảm bảo chất lượng để kích thích khách trở lại. Trong tháng 5, Khánh Hòa đón khoảng 4.500 lượt khách, trong đó có 4.200 là khách nội địa, còn lại quốc tế. 

Yang Bay cách trung tâm Nha Trang khoảng 50 km, du khách theo hướng về Diên Khánh và đi thẳng đường Khánh Vĩnh. Sau khi qua khu suối khoáng nóng Đảnh Thạnh, bạn đi thêm khoảng 10 phút sẽ bắt gặp bảng hiệu chỉ dẫn đường đến Yang Bay. Nơi này có thác Yang Bay, thích hợp cho những người yêu thiên nhiên.

Giá vé vào khu du lịch người lớn 100.000 đồng, trẻ em 70.000.

Xuân Ngọc

Let's block ads! (Why?)